Thực trạng

Trên địa bàn Nghệ An hiện đang lưu giữ hệ thống di sản vô cùng phong phú, đa dạng với nhiều loại hình khác nhau và phân bố trải rộng từ vùng đồng bằng đến trung du, miền núi với 2.602 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Trong đó, có 471 di tích đã được xếp hạng, gồm 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích cấp quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh.

d32ed926b94d7f13265c.jpg
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung và núi Dũng Quyết (TP Vinh)

Các di tích hiện có ở Nghệ An chủ yếu có niên đại xây dựng vào thời Nguyễn, được làm bằng các loại gỗ lim, dổi, táu… với bộ khung nhà chắc chắn, chịu lực tốt. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh và cùng với thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ (đối với các di tích này, mức độ hư hỏng trung bình từ 50-60%, trong đó, nhiều di tích cộng đồng bị xuống cấp đến 80-90%).

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đàn, hiện có 2 di tích đã được Tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, gồm Di tích đình Hoành Sơn (24 tỷ đồng) và đình Đông Viên (11 tỷ đồng). Riêng đền Trung Chính ở xã Nam Lĩnh do xuống cấp nghiêm trọng nên trong năm nay, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh cũng đã bố trí kính phí trong chương trình tu bổ cấp thiết chống xuống cấp. Một số di tích xếp hạng cấp tỉnh như đền Câu (xã Nam Xuân), đền Giáp Cả (xã Xuân Lâm); đình Quang Thái (xã Trung Phúc Cường)… mặc dù đều đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn hiện có 164 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 41 di tích đã được xếp hạng (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh).

Tại huyện Yên Thành, theo bà Đinh Thị Hương - Cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện, trên địa bàn có nhiều di tích có kiến trúc nghệ thuật đang xuống cấp chưa được tôn tạo, trùng tu kịp thời. Điển hình là các di tích được xếp hạng quốc gia, như đình Liên Trì (xã Liên Thành); đình Sừng (xã Lăng Thành); đình Hậu (xã Bắc Thành); đình Hương (xã Phúc Thành)… Mặc dù, những năm gần đây, các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách và việc huy động nguồn xã hội hóa phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích được làm tốt hơn. Song do số lượng di tích trên địa bàn lớn (tổng diện tích được kiểm kê hơn 500, trong đó, có 92 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh) nên nguồn lực đáp ứng rất khó khăn.

Den-tho-Cuong-Quoc-cong-Nguyen-Xi-Nghi-Loc.jpeg
Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí (Nghi Lộc)

Thực trạng này được bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết thực tế, các di tích cách mạng hoặc di tích ít có yếu tố tâm linh hiện đang khó huy động nguồn xã hội hóa cho công tác tôn tạo, trùng tu, ngoại trừ những di tích tâm linh như đền Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), đền Hồng Sơn (thành phố Vinh), đền Cờn (Hoàng Mai), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền chùa Gám (huyện Yên Thành), đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương),…; trong khi nguồn ngân sách chi cho nhiệm vụ này rất hạn chế. Bởi thế, việc tu bổ thời gian qua cơ bản là những tu sửa nhỏ, mang tính cấp thiết, chống nguy cơ sụp đổ, nhưng chưa mang lại hiệu quả thực sự lâu dài và tình trạng xuống cấp vẫn hiện hữu.

Tính trong vòng 6 năm (2015 - 2021), Tỉnh trích từ kinh phí chi thường xuyên hơn 21,3 tỷ đồng dành cho công tác tu bổ đối với 91 di tích; di tích ít nhất là 51 triệu đồng và nhiều nhất 700 triệu đồng.

Vấn đề xuống cấp các di tích và đề xuất trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị các di tích liên tục được đặt ra lâu nay tại nhiều diễn đàn HĐND tỉnh. Ngoài đình Hoành Sơn, đình Đông Viên (huyện Nam Đàn) nay đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn thì nhiều di tích đang xuống cấp như đình Liên Trì (huyện Yên Thành), đền Rậm, đền thờ Đinh Bạt Tụy (huyện Hưng Nguyên), đình Trung (thành phố Vinh)... đều được cử tri và các địa phương kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được đầu tư. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu để có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phát huy giá trị các di tích

Di tích lịch sử, văn hóa là nguồn di sản, tài nguyên quý không chỉ có giá trị và ý nghĩa về văn hóa, lịch sử mà còn mang lại nhiều giá trị, phục vụ cuộc sống hiện nay nếu biết khai thác, phát huy tốt. Đặc biệt, đây được coi là nguồn tài nguyên, là động lực, tạo sức hút riêng đối với phát triển du lịch ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

fcd9d1d4b6bf70e129ae.jpg
Đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn

Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 nêu rõ: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, chú trọng đến vấn đề phát triển du lịch cũng đã được Đảng ta quan tâm.

Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết nêu rõ: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”. Thực tế thời gian qua, ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh,… đã quan tâm nghiên cứu và “biến” di sản trở thành một trong những nguồn lực phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Để vừa bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích nói chung, trong đó có di tích lịch sử, văn hoá, thiết nghĩ, Tỉnh cần có nghiên cứu một cách nghiêm túc và đưa ra các giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Theo chia sẻ của bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao, hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xây dựng một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị.

b9dfe55d803646681f27.jpg
Lễ Hội Đền Quả Sơn (Đô Lương)

Hướng đề xuất, bao gồm cơ chế hỗ trợ đối với người được giao trông coi, bảo vệ di tích (nội dung này lâu nay đã có nhưng còn quá thấp, chỉ 200.000 đồng/người/tháng đối với di tích xếp hạng quốc gia và 150.000 đồng/người/tháng đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh). Quy định chính sách về kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích theo 2 hướng: hàng năm, tỉnh sẽ cấp ngân sách để phục vụ tôn tạo mang tính cấp thiết đối với các di tích xuống cấp ở quy mô nhỏ hơn; các di tích còn lại thực hiện theo hướng “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nếu di tích khó huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa thì nguồn kinh phí từ Nhà nước cấp nhiều hơn và ngược lại, di tích có khả năng xã hội hóa tốt thì ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

Ngoài ra, Sở cũng nghiên cứu, tham mưu quy định một số cơ chế phát huy giá trị các di tích thông qua hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nội dung như lập hồ sơ xếp hạng, khoanh vùng, cắm mốc, đặt bia dẫn tích, biển chỉ dẫn di tích, tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích... Dự kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách này sẽ trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm nay.