Vấn đề này đã được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh ngày 10/7/2025 với những giải pháp căn cơ, mạnh mẽ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Những kết quả đạt được đáng ghi nhận
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2024 - 2025 đã đạt được những kết quả toàn diện.
Về công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ban hành hàng chục kế hoạch, văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng ngày càng chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thể hiện qua việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 32/QĐ-UBND của tỉnh về quy chế phối hợp. Công tác quản lý nhà nước và tuyên truyền pháp luật cũng được đẩy mạnh, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Về kết quả đấu tranh trực tiếp, những con số đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng. Chỉ trong 17 tháng (từ đầu năm 2024 đến hết tháng 5/2025), toàn tỉnh đã: xử phạt hành chính 8.339 vụ; khởi tố 1.378 vụ án với 1.857 đối tượng; tổng giá trị thu phạt lên đến 393,961 tỷ đồng. Nhiều chuyên án, vụ việc lớn đã bị triệt phá, có tác dụng răn đe mạnh mẽ, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Điển hình như vụ bắt giữ 1,5 tấn pháo nổ của Công an tỉnh; vụ việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp xử lý 14.540 kg giá đỗ có sử dụng chất cấm; lực lượng Quản lý thị trường phát hiện hàng trăm gói mì chính giả mạo nhãn hiệu MIWON, AJINOMOTO tại chợ Vinh; hay vụ phát hiện hàng tấn giò me, thịt gà đông lạnh không rõ nguồn gốc tại thành phố Vinh.
Tồn tại, hạn chế và những thách thức từ thực tiễn
Bên cạnh những kết quả tích cực, cuộc chiến này vẫn còn vô cùng cam go với những tồn tại, hạn chế.
Trước hết, thực trạng hàng giả, thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp và len lỏi khắp nơi. Từ các đô thị đến vùng nông thôn, hàng hóa loại "3 không" (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) vẫn được bày bán công khai. Các sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng như Pepsi, Coca-Cola, mỹ phẩm, quần áo được làm giả tinh vi, trà trộn vào hàng thật. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn công khai kinh doanh đồng hồ giả các nhãn hiệu Thụy Sĩ như Tissot, Longines, túi xách nhái Dior, Chanel, Louis Vuitton, lợi dụng tâm lý chuộng hàng hiệu giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các đối tượng vi phạm. Chúng sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để quảng cáo, “livestream” bán hàng, dùng địa chỉ "ảo", liên tục thay đổi tài khoản, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển qua các dịch vụ giao hàng, khiến công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý của lực lượng chức năng gặp muôn vàn trở ngại…

Nguyên nhân của những tồn tại trên xuất phát từ nhiều thách thức lớn:
Thứ nhất, hành lang pháp lý còn chồng chéo và chưa theo kịp thực tiễn. Sự chồng lấn trong quản lý là một ví dụ điển hình. Cùng một chuỗi sản phẩm từ "gạo" đến "bột gạo" rồi thành "bún", nhưng lại chịu sự quản lý của 03 Bộ khác nhau (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế), gây lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hậu kiểm. Các quy định về xử lý thuốc lá điện tử còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, việc chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính khiến việc xác định các đối tượng "tái phạm" để tăng nặng hình phạt gặp khó khăn, làm giảm tính răn đe của pháp luật.
Thứ hai, sự phối hợp giữa các lực lượng còn lỏng lẻo, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Có những thời điểm, sự phối hợp chỉ dừng lại ở mặt hình thức, thiếu chiều sâu trong trao đổi thông tin, nghiệp vụ. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, có những nội dung cần tuyên truyền chưa tới được người dân, các hộ kinh doanh đầy đủ, kịp thời.
Thứ ba, nguồn lực cho cuộc chiến còn quá mỏng. Biên chế tại các đội quản lý thị trường, các đơn vị chức năng ở cơ sở còn thiếu. Kinh phí và trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng như máy móc kiểm tra nhanh, phục vụ giám định vừa thiếu, vừa yếu. Các trung tâm giám định lại ở xa, chi phí cao, thời gian kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý vi phạm.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến ý thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp. Tâm lý ham rẻ, dễ dãi trong tiêu dùng đã vô tình tạo ra thị trường cho hàng giả. Trong khi đó, một số cơ sở kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình vi phạm. Trong khi đó, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, hoặc mới xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm và cảnh tỉnh với người tiêu dùng.
Giải pháp đồng bộ: Quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt
1. Về hoàn thiện thể chế và chỉ đạo điều hành: kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm, cần quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng:
- Ban hành văn bản hướng dẫn xử lý tang vật là thuốc lá điện tử thế hệ mới, bao gồm các phụ kiện như pin, tinh dầu... Trong thực tế, đã xuất hiện một số loại thuốc lá điện tử chứa hàm lượng chất ma túy nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể để xử lý loại hàng hóa này – chưa rõ xử lý theo đặc điểm chủng loại hay theo hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất để áp dụng trong thực tiễn.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, theo hướng bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi hiện hành lang pháp lý về nội dung này còn bỏ ngỏ.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2021/NĐ-CP, trong đó:
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “buộc ghi nhãn đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông” vào Khoản 3 Điều 2.
Bổ sung quy định cho phép các chức danh có thẩm quyền xử phạt được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, theo hướng tăng mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền, nhằm tăng tính răn đe và phù hợp với thực tế vi phạm hiện nay.
- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi quy định về việc lấy mẫu và xử lý mẫu vi phạm chất lượng, bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
- Kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tích hợp thông tin về nhân thân, tiền án, tiền sự của đối tượng vi phạm, làm căn cứ xác định tình tiết tăng nặng như: “tái phạm”, “vi phạm trong thời gian đang chấp hành bản án hình sự” hoặc “đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, cần khẩn trương khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý – vốn đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Cần quy định cụ thể cơ quan chủ trì điều phối và chịu trách nhiệm chính đối với hoạt động quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng siết chặt thủ tục tự công bố sản phẩm, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ khâu công bố đến lưu thông trên thị trường.
2. Về nâng cao năng lực thực thi
UBND tỉnh cần sớm hoàn thiện quy chế phối hợp chặt chẽ, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, khắc phục dứt điểm tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng về chức năng nhiệm vụ dẫn đến sự thiếu chủ động, né tránh trách nhiệm; sớm kiện toàn Ban chỉ đạo 389 tỉnh phù hợp với hoạt động của chính quyền hai cấp hiện nay.
Ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là các thiết bị xét nghiệm nhanh ATTP, kho bãi bảo quản tang vật chuyên dụng, công cụ giám sát thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về chuyển đổi số, phát triển hệ thống dữ liệu dùng chung giữa các ngành liên quan trong truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng hàng hoá. Quan tâm bố trí một số trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cho các lực lượng chức năng trực tiếp như các đội Quản lý thị trường hoạt động tại các địa bàn nông thôn, miền núi… Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ cao để theo dõi, phát hiện tội phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tập trung siết chặt việc cấp phép, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái và hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm.
Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; nâng cao năng lực quản lý thương mại điện tử và hoạt động kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với phân phối, hình thành chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lưu hành thuốc, thực phẩm chức năng và các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xử lý nghiêm vi phạm.
Kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay và các điểm kinh doanh như chợ đầu mối, trung tâm thương mại, khu dân cư, khu vực quanh trường học. Tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, thực phẩm bẩn, nhất là thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, sữa và thực phẩm chức năng giả.
3. Về huy động sức mạnh toàn xã hội: Đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng, sâu rộng để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Cần đưa nội dung giáo dục về phòng chống hàng giả vào chương trình học phổ thông. Công khai, minh bạch thông tin về các doanh nghiệp vi phạm và các sản phẩm độc hại trên các phương tiện truyền thông. Phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; thiết lập và công bố rộng rãi các đường dây nóng để mỗi người dân có thể trở thành một "chiến sỹ" trên mặt trận này.
4. Cần tiếp tục chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh chân chính: Song song với việc "chống", phải chú trọng việc "xây"; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chân chính đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt chất lượng cao, các sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng, tạo ra nguồn cung tin cậy để lấn át hàng giả, hàng bẩn.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn là một hành trình dài hơi, đầy cam go. Nó không chỉ là trách nhiệm của riêng một cơ quan nào mà đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của mỗi doanh nghiệp và từng người dân. Với quyết tâm chính trị cao độ và những giải pháp đồng bộ, tin tưởng rằng Nghệ An sẽ từng bước đẩy lùi vấn nạn này, trả lại môi trường kinh doanh trong sạch, bảo vệ sức khỏe và mang lại cuộc sống bình yên thực sự cho Nhân dân.