Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Công tác giao kế hoạch được UBND tỉnh triển khai kịp thời ngay sau khi có Quyết định giao của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, bám sát nguyên tắc, tiêu chí theo quy định. Theo báo cáo của UBND tỉnh tổng kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao là 10.003,954 tỷ đồng, trong đó: đã phân bổ chi tiết: 9.068,41 tỷ đồng, đạt 90,65%, chưa phân bổ: 935,544 tỷ đồng, chiếm 9,35%.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Nghệ An đã thành lập Tổ công tác về đầu tư công theo dõi từng dự án theo các lĩnh vực để đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tiến hành kiểm tra hiện trường 11 dự án để đôn đốc tiến độ, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị.
Thành lập Ban chỉ đạo và kịp thời ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 28/4/2025 của UBND tỉnh triển khai hướng dẫn chuyển tiếp quản lý chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công để bảo đảm việc triển khai thực hiện các dự án không bị gián đoạn, chậm trễ do quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp.
Ngoài ra, đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và cam kết giải ngân hàng tháng, làm căn cứ đánh giá tiến độ và thực hiện cam kết; 10 ngày một lần, thông báo kết quả giải ngân đến từng huyện, từng ngành để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 cao hơn bình quân chung của cả nước
Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, báo cáo tại kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết tính đến ngày 30/6/2025, vốn đầu tư công năm 2025 đã giải ngân 3.907,363 tỷ đồng, đạt 43,09% so với kế hoạch vốn đã giao chi tiết và đạt 39,06% so với tổng kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (38,52%).

Trong đó nguồn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý: đã giải ngân 1.592,511 tỷ đồng, đạt 33,78%. Nguồn ngân sách trung ương: giải ngân 933,484 tỷ đồng, đạt 33,95% (vốn trong nước: giải ngân 238,299 tỷ đồng, đạt 20,14%; vốn nước ngoài: giải ngân 107,796 tỷ đồng, đạt 25,72%; Chương trình MTQG: giải ngân 587,388 tỷ đồng, đạt 51,21%: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân 276,53 tỷ đồng, đạt 75,23%; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân 288,513 tỷ đồng, đạt 48,08%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân 22,345 tỷ đồng, đạt 12,45%).
Nguồn ngân sách địa phương: giải ngân 659,027 tỷ đồng, đạt 33,53% (Cân đối ngân sách địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí tính điểm: giải ngân 512,102 tỷ đồng, đạt 30,58%; Nguồn thu sử dụng đất: giải ngân 130,498 tỷ đồng, đạt 51,18%; Nguồn thu xổ số kiến thiết: giải ngân 16,426 tỷ đồng, đạt 45,63%.)
Đối với nguồn thu sử dụng đất ngân sách huyện, xã hưởng theo phân cấp và ngân sách tỉnh hưởng bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, trả nợ vay, các dự án vay lại nguồn Chính phủ vay nước ngoài: ước giải ngân 2.314.852 tỷ đồng, đạt 57,21%. Nguồn bội chi ngân sách địa phương: chưa giải ngân.
Đối với nguồn vốn đầu tư công các năm trước kéo dài sang năm 2025 là 992,482 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2025 đã giải ngân 227,507 tỷ đồng, đạt 22,92%.
Một số nguồn vốn, một số ngành lĩnh vực tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp
Mặc dù tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 của toàn tỉnh đang ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước (32,06%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (38,52%) nhưng một số nguồn giải ngân vẫn còn chậm như: ngân sách trung ương - vốn trong nước (20,14%), vốn nước ngoài (25,72%), Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (12,45%), vốn kéo dài (22,92%).

Một số ngành, lĩnh vực giải ngân đạt thấp, theo báo cáo tính đến ngày 30/6/2025, vẫn còn 11 ngành, lĩnh vực giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (33,78%) bao gồm: Giao thông (29,26%), Du lịch (28,08%), Công trình công cộng tại các đô thị (27,15%), Y tế, dân số và gia đình (21,82%), Quy hoạch (17,24%), Khoa học, công nghệ (15,3%), Văn hóa, thông tin (13,5%), Xã hội (12,46%), Quốc phòng (8,7%), Khu công nghiệp và khu kinh tế (3,9%), Công nghệ thông tin (0%).
Tại cuộc họp của Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng nguyên nhân một số nguồn vốn giải ngân chậm là do công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án tiếp tục gặp khó khăn, một số dự án chuyển tiếp quá trình triển khai phát sinh một số yếu tố cần phải điều chỉnh dự án, bổ sung thiết kế kỹ thuật, dự toán,… mất nhiều thời gian; nhiều khó khăn vướng mắc khi giải ngân vốn đầu tư các Chương trình MTQG, nhất là nguồn vốn kéo dài sang năm 2025 do chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện theo quy định;...

Trước những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2025, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong 6 tháng cuối năm 2025, thẩm tra về Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn; đặc biệt là các nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp, các ngành, lĩnh vực giải ngân thấp; tăng cường chỉ đạo giải quyết vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh quy trình, triển khai các dự án khởi công mới.
Song song với đó, chủ động nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp xã để triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án.
Ngoài ra, rà soát kỹ việc phân bổ nguồn vốn dựa trên nguyên tắc, chỉ tiêu bảo đảm đúng quy định, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kịp thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của cấp huyện về cấp tỉnh và cấp xã để tiếp tục thực hiện, quản lý theo đúng quy định.