Nhiều sản phẩm OCOP chật vật tìm đầu ra

bna-say-banh-1807.jpg
Bánh đa Lương Sơn 3 sao OCOP đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thanh Phúc

Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Nghệ An phát triển khá mạnh, hiện nay, 21/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 403 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó, có 359 sản phẩm đạt 3 sao chiếm 89,08%; có 43 sản phẩm đạt 4 sao chiếm 10,66% và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đang trình Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận.

Trong đó, có khá nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong nước biết đến. Bên cạnh quan tâm chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm thì các địa phương, chủ thể tập trung xây dựng bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nhiều sản phẩm có mặt ở các hệ thống bán lẻ hiện đại, xây dựng được mạng lưới phân phối rộng lớn và trở thành mặt hàng xuất khẩu, được thị trường đón nhận tích cực, doanh thu hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động.

bna-may-tre-8375.jpg
Đèn lồng mây tre đan Đức Phong, sản phẩm công nhận 5 sao OCOP Quốc gia. Ảnh: Thanh Phúc

Cụ thể như: đèn lồng mây tre đan Đức Phong (Công ty TNHH Đức Phong, Nghi Phú, TP.Vinh), bánh đa Lương Sơn (Đô Lương), lươn ăn liền NAP Food… Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, các sản phẩm OCOP được đầu tư nhãn mác, bao bì đẹp, xây dựng được thương hiệu bước đầu tạo lòng tin cho người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, giá bán tăng từ 10-30%, lợi nhuận tăng và đã tìm được chỗ đứng tại các hệ thống phân phối, sản lượng bán lẻ lớn và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, có doanh thu tốt thì vẫn còn những sản phẩm OCOP thiếu đầu ra, loay hoay tìm kiếm thị trường và chật vật trong tiêu thụ. Đó là câu chuyện về của cây gừng - một đặc sản của Kỳ Sơn, cay nồng và đậm vị, khác biệt với gừng trồng ở những vùng khác. Do đó, năm 2020 sản phẩm gừng tươi Kỳ Sơn đã được gắn chỉ dẫn địa lý và công nhận OCOP 3 sao. Những tưởng những công nhận đó sẽ là “giấy thông hành” để sản phẩm gừng Kỳ Sơn vươn xa trên thị trường, có nơi tiêu thụ ổn định và hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị gừng tươi, đem lại thu nhập cao cho đồng bào huyện vùng cao này.

bna_anh_xong_ba_denh_cung_ba_con_nhan_dan_thu_hoach_gung15862781_20122019.jpg
Gừng Kỳ Sơn hiện đang gặp khó về đầu ra. Ảnh tư liệu: Lữ Phú

Thế nhưng, từ năm 2021 đến nay, gừng củ liên tục rớt giá thảm, từ chỗ 20.000 đồng/kg nay chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán, có thời điểm, hàng nghìn tấn gừng của bà con tồn đọng phải kêu gọi “giải cứu”. Và mùa gừng năm 2023, giá gừng vẫn chạm đáy và hàng nghìn tấn gừng vẫn ế ẩm, không có đầu ra khiến bà con các xã Na Ngoi, Đoọc Mạy, Tây Sơn, Nậm Cắn…lao đao.

Tương tự với bưởi Thanh Mỹ (Thanh Chương), mặc dù đã được công nhận 3 sao OCOP, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc song đầu ra cho bưởi quả vẫn theo kênh truyền thống, là bán lẻ ra chợ hoặc bán sỉ cho các thương lái. So với bưởi Diễn, bưởi đường phía Bắc hay bưởi da xanh miền Nam thì bưởi Thanh Mỹ vẫn chưa “có tiếng” trên thị trường. “Sau khi được công nhận 3 sao OCOP thì quy trình sản xuất, đầu tư tem nhãn tốn kém hơn song giá bán ra thị trường vẫn không cao hơn trước”- chị Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc HTX bưởi Thanh Mỹ cho biết.

Một số sản phẩm OCOP bán theo thời vụ như nấm, cam, tinh bột nghệ, mật ong, dược liệu chế biến, rau củ quả, bánh kẹo, bánh chưng, mây tre đan, giò, chả... ở một số địa phương cũng do chưa có sự đặc sắc, nổi trội nên tiêu thụ theo thời vụ, một số sản phẩm khó khăn khi thời tiết thay đổi hay dịch bệnh đã hết. Nhiều sản phẩm sản xuất ra thực tế ở các địa phương khác cũng đã có rồi.

Thúc đẩy tiêu thụ

nhieu-san-pham-ocop-loay-hoay-trong-khau-tieu-thu--n1.png
Du khách tham quan gian hàng OCOP của HTX Sen Quê Bác (Nam Đàn). Ảnh: CSCC

Trong số hơn 400 sản phẩm đã được gắn sao OCOP thì có rất nhiều sản phẩm như: Nhút, mật ong, trứng gà, hương trầm, bưởi, bột rau… vẫn khó về đầu ra, thị trường bó hẹp, giá thành và giá trị sản phẩm chưa được nâng tầm sau khi được công nhận. Một trong những nguyên nhân đó là, hiện nay, quy mô sản xuất của các chủ thể OCOP còn nhỏ lẻ. Sản phẩm tạo ra mới chủ yếu ở dạng thô. Do đó chỉ có một số ít các sản phẩm vào được kênh phân phối hiện đại hoặc xuất khẩu, còn lại tới hơn 70% sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh truyền thống.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, nhiều địa phương, việc xây dựng sản phẩm OCOP vẫn mang tính chất phong trào, chưa quan tâm hoặc chưa tự tin tiêu thụ rộng rãi đến thị trường trong nước hoặc quốc tế. Nhiều sản phẩm mới nhưng thiếu kinh phí truyền thông nên người tiêu dùng không biết hoặc biết hạn chế như tinh dầu, dầu gội đầu, xà phòng... Nhiều doanh nghiệp, HTX mặc dù sản phẩm đã đạt sao nhưng việc tiêu thụ khó khăn một mặt do thị trường dư nguồn cung sản phẩm tương tự, mặt khác thiếu những giải pháp duy trì việc quảng bá sản phẩm.

nhieu-san-pham-ocop-loay-hoay-trong-khau-tieu-thu.jpg
Đầu tư tem nhãn cho sản phẩm tương Sa Nam, 4 sao OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khi đó các sản phẩm OCOP thường có thời hạn sử dụng nhất định nên ảnh hưởng tới nguồn vốn của chủ sản xuất khi bị dư thừa, không tiêu thụ được. Hoặc đơn giản trong một tỉnh mà riêng một sản phẩm nhưng có nhiều tên gọi khác nhau cũng khó phát triển được. Ví dụ tinh bột nghệ ông A, tinh bột nghệ ông B, tinh bột nghệ chị C…

Tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, nông sản vùng miền ở Nghệ An được tổ chức vào cuối tháng 5/2023, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Một sản phẩm OCOP muốn có chỗ đứng trên thị trường thì trước hết các chủ thể phải xác định được đây có phải là sản phẩm đặc trưng riêng của vùng, miền không; tiếp đến là sản xuất sản lượng ổn định và cuối cùng chính là khâu thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm”.

nhieu-san-pham-ocop-loay-hoay-trong-khau-tieu-thu--n1.jpg
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm OCOP na ná nhau. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Sơn Tin, Giám đốc Công ty cổ phần HASAFOOD, chủ thể của 6 sản phẩm OCOP (xã Minh Hợp, Quỳ Hợp) kiến nghị: Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các hội nghị xúc tiến thương mại; được hỗ trợ kết nối cung cầu để tìm kiếm thị trường. Đồng thời, được hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, đa dạng hóa kênh tiêu thụ. Mặt khác, được giới thiệu, hỗ trợ để có mặt ở các kệ hàng của hệ thống bán lẻ hiện đại, mở rộng thị phần. Bởi hiện tại, khó khăn nhất của những đơn vị khởi nghiệp từ nông sản địa phương vẫn là thị trường tiêu thụ.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, cần đa dạng hóa kênh tiêu thụ; đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại; đào tạo kỹ năng marketing, bán hàng trực tuyến cho chủ thể OCOP; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thương mại điện tử kết nối sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá về sản phẩm OCOP tới người dùng; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu thị trường các sản phẩm OCOP; xây dựng, hình thành các tổ chức của các chủ thể, đối tác; đầu tư phát triển logistics về thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP”.

nhieu-san-pham-ocop-loay-hoay-trong-khau-tieu-thu--n2.jpg
Chủ thể sản phẩm OCOP lươn ăn liền NAP ký kết hợp đồng với siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: CSCC

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, các sản phẩm OCOP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các địa phương và chủ thể OCOP cần nhìn nhận rằng, để chiếm lĩnh thị trường ngoài các chứng nhận thì cốt lõi vẫn là giá trị và chất lượng sản phẩm.

Thanh Phúc