Đặc biệt, Nghệ An còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích và đa dạng sinh học, văn hóa lớn nhất trong 9 Khu dự trữ sinh quyển cả nước.

bna_duoclieu8503756_2272019.jpg
Cây dược liệu được trồng trên nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Tiềm năng, lợi thế phát triển vùng dược liệu

Miền Tây Nghệ An là điểm giao thoa tiếp nối giữa đuôi kéo dài của dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy núi Bắc Trường Sơn. Chính vì vậy, miền Tây Nghệ An có sự đa dạng về địa hình (núi cao, núi thấp, trung du), đa dạng về thổ nhưỡng (bazan, feralit,…), đa dạng về khí hậu,… Theo đó, miền Tây Nghệ An có sự đa dạng sinh học phong phú bậc nhất vùng Bắc Trung Bộ, nhất là các loài dược liệu. Theo điều tra chưa đầy đủ, đến năm 2005, đã ghi nhận Nghệ An có gần 1000 loài cây thuốc thuộc 365 chi, 183 họ. Điều đặc biệt là những cây thuốc quý hiếm ở trong nước đều được phát hiện ở Nghệ An như Sâm Puxailaleng (Sâm Tam thất hoang lá tròn, tương tự Sâm Ngọc linh), Sâm Tam thất, Đảng sâm, Lan Kim tuyến, Bảy lá một hoa, Hà thủ ô đỏ, Ba kích tím, Nấm Lim xanh, Nấm Ngọc cẩu, Trà Hoa vàng,… Và một điều quan trọng nữa là miền Tây Nghệ An có sự đa dạng văn hoá các dân tộc thiểu số với nguồn tri thức bản địa cực kỳ phong phú, trong đó có nhiều kinh nghiệm hiểu biết và sử dụng dược liệu và các bài thuốc quý.

bna_muong_long2564165_9112021.jpg
Khu vực Mường Lống (Kỳ Sơn) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây dược liệu phát triển. Ảnh: Tiến Đông

Như vậy, từ những điều kiện cần về diện tích, sự đa dạng khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, sinh học và văn hoá, miền Tây Nghệ An có thể trở thành trung tâm dược liệu vùng Bắc Trung Bộ.

Bộ Y tế đã xây dựng Quy hoạch phát triển dược liệu và công nghiệp dược Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến năm 2020 phát triển các cơ sở sản xuất để chiết xuất hoạt chất dược liệu nhằm đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất thuốc và chủ động được dược liệu trong nước. Nhận thức được vấn đề này, ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 18, tỉnh đã khẳng định phát triển dược liệu và công nghiệp dược là một hướng phát triển trọng điểm, nhất là trong việc khai thác tiềm năng miền Tây của Nghệ An.

Thực hiện chủ trương đó, Nghệ An đã triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển dược liệu Nghệ An đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 và đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1187/QĐ- UBND ngày 03/4/2018 về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

bna_chehoavang2655590_2272019.jpg
Ươm và chế biến trà hoa vàng ở huyện Quế Phong

Từ khi có Quyết định ban hành quy hoạch phát triển dược liệu, 5 năm qua, phát triển dược liệu ở miền Tây Nghệ An đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp và người dân quan tâm. Hầu hết các huyện miền Tây đã đưa phát triển dược liệu vào nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của huyện. Một số huyện xây dựng đề án, bố trí nguồn lực để triển khai như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương,… Công tác khảo sát đánh giá đa dạng sinh học đã được triển khai ở hầu hết các điểm chính như Puxailaileng, Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống,.. Nhiều nguồn gen dược liệu quý đã được kiểm kê, lưu mẫu… Một số được triển khai dự án bảo tồn khai thác phát triển như Trà Hoa vàng, sâm Puxailaileng, Bảy lá một hoa, Mú từn, Quế Quỳ, Hà thủ ô đỏ,…Nhiều mô hình khảo nghiệm, chế biến các loài dược liệu được Sở Khoa học và công nghệ phối hợp các huyện triển khai thành công như: Trà Hoa vàng, Quế Quỳ, Đảng Sâm (Quế Phong), Giảo cổ lam, Khoai mài, Gừng, Đương quy, Yacon, Tam thất bắc, Bảy lá một hoa, Khôi tía...(Kỳ Sơn, Tương Dương), Cà gai leo, Dây thìa canh (Con Cuông), Chè Vằng, Sâm Thổ hào (Thanh Chương),… Đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả doanh nghiệp lớn (như tập đoàn TH, tập đoàn Thiên Minh Đức…), đến các doanh nghiệp nhỏ đã xúc tiến khảo sát để đầu tư phát triển dược liệu và nhà máy Dược trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp phát triển dược liệu trên địa bàn miền Tây Nghệ An

Việc phát triển dược liệu trên địa bàn miền Tây Nghệ An còn nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi một quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành và doanh nghiệp cũng như Nhân dân. Để đẩy mạnh thực hiện phát triển dược liệu trên địa bàn miền Tây Nghệ An, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp và kiến nghị như sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và Nhân dân về phát triển cây dược liệu, một hướng đi ưu tiên số một trong lộ trình phát triển kinh tế rừng miền Tây Nghệ An.

- Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Nghệ An đã được ban hành và sẽ được tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cần hỗ trợ các huyện miền Tây cụ thể hoá bằng Chương trình phát triển dược liệu của huyện và tập hợp vào Chương trình/Đề án phát triển dược liệu của tỉnh. Đồng thời đưa vào định hướng ưu tiên, kế hoạch phát triển hàng năm của tỉnh, các ngành và các huyện, như một chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Từ đó làm căn cứ, cơ sở để thu hút doanh nghiệp đầu tư, cũng như định hướng cho dân phát triển.

3sss20220927153854.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An)

Phân định rõ 3 vùng để có định hướng quản lý: Vùng bảo tồn phát triển tại chỗ (một số diện tích tại Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên); Vùng khai thác tự nhiên có kế hoạch; Vùng trồng mới (trồng chuyên canh và trồng xen canh dưới tán rừng).

Trên cơ sở Luật Lâm nghiệp sửa đổi, cần cụ thể hóa cơ chế quản lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và Nhân dân vừa bảo vệ, phát triển được rừng, vừa khai thác và canh tác dược liệu một cách bền vững.

- Quy hoạch 2 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến dược liệu và dược phẩm tại hai địa bàn: Con Cuông và Thái Hoà để thu hút doanh nghiệp đầu tư phục vụ cho hai vùng Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An. Đưa danh mục đầu tư phát triển dược liệu ở miền Tây, chế biến dược vào nhóm ưu đãi cao nhất trong chính sách của Tỉnh để thu hút đầu tư.

- Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hỗ trợ các tập đoàn TH, Thiên Minh Đức và các doanh nghiệp khác đẩy nhanh các dự án đã và đang xúc tiến để làm đầu tàu kéo chuỗi liên kết dọc. Xúc tiến nhanh để hình thành các hợp tác xã (khai thác, trồng, sơ chế dược liệu) để làm vai trò kết nối chuỗi liên kết ngang để kết nối với các doanh nghiệp. Trước mắt thí điểm hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm từ cây Quế Quỳ và các loại cây lấy tinh dầu.

- Nghệ An đã có Quy hoạch phát triển dược liệu, tuy nhiên chưa có chính sách hỗ trợ phát triển, do vậy, cần sớm xây dựng và ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu và dược phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cần chú ý lồng ghép các nguồn lực của Trung ương (Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Sâm Việt Nam…), nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và kể cả nguồn lực kêu gọi từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo để tập trung phát triển, tránh sự phân tán, manh mún. Trong đó ưu tiên hỗ trợ giống, đào tạo tập huấn, truyền thông, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thiết bị đầu cuối.

vuon_uom_puxailaileng_tai_xa_muong_long_ky_sondaotuan6103099_25102019.jpg
Vườn ươm Puxailaileng tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn)

- Hỗ trợ đầu tư để hình thành các Trung tâm sản xuất giống dược liệu ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nam và Trung du, trước hết là tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong) và Trạm khảo nghiệm nông nghiệp công nghệ cao Thái Hòa, gắn với các khu bảo tồn dược liệu.

- Tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu và chế biến dược liệu, đặc biệt là ở các huyện miền Tây. Bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lĩnh vực này ở miền Tây sẽ thúc đẩy, tương tác trong quá trình thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư, cũng như hỗ trợ Nhân dân triển khai khai thác, trồng dược liệu tham gia vào chuỗi liên kết. Đồng thời đây cũng là một kênh thu hút nguồn lực đầu tư và phát huy tri thức bản địa.

- Tiếp tục dành nguồn lực cũng như tăng cường hợp tác với các Viện Trường trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng cũng như chế biến dược liệu. Đặc biệt cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài đang hợp tác, kết nghĩa với Nghệ An từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…

- Phát huy tối đa nguồn tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở vùng miền Tây trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác, nhận biết, chế biến, sử dụng các loại dược liệu và các bài thuốc dân gian gia truyền. Đặc biệt là hỗ trợ để thương mại hóa các bài thuốc gia truyền. Vấn đề này rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ Ban Dân tộc- Ngành Y tế cũng như Hội Đông y của tỉnh để hỗ trợ phát huy nguồn lực tại chỗ của Nhân dân.

- Kết nối du lịch với phát triển dược liệu để làm phong phú thêm sinh kế và thu nhập của Nhân dân bản địa.

- Tổ chức đào tạo tập huấn kỹ thuật khai thác, trồng bảo quản, sơ chế dược liệu cho nông dân. Đây là đối tượng mới, tiêu chuẩn cao, do vậy cần tập huấn bài bản, kiên trì, liên tục. Trước hết cần đưa kỹ thuật trồng, khai thác, bảo quản, sơ chế dược liệu theo hướng GACP vào Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho cán bộ kỹ thuật cấp huyện xã, các hợp tác xã và các trang trại. Sau đó là đưa vào chương trình khuyến nông triển khai song song với xây dựng mô hình.

duoc-lieu-na-16629200883321689683182.jpg
Nhiều hộ dân ở Nghệ An thoát nghèo nhờ trồng dược liệu.

Phát triển dược liệu là một lợi thế cạnh tranh rất cao, là một tiềm năng rất lớn của miền Tây Nghệ An. Điều này vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân thoát nghèo và hướng tới làm giàu, vừa khuyến khích Nhân dân bảo vệ rừng, đồng thời có thể phát huy được nguồn lực rất lớn tại chỗ là tri thức bản địa của Nhân dân các dân tộc, vừa tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào miền Tây Nghệ An. Điều kiện cần để miền Tây Nghệ An có thể trở thành Trung tâm dược liệu khu vực Bắc Trung Bộ đã có, điều kiện đủ đó chính là quyết tâm chính trị, chính là sự vào cuộc triển khai tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc miền Tây Nghệ An để biến khát vọng vươn lên làm giàu từ kinh tế rừng, từ chiến lược phát triển dược liệu thành hiện thực.