Với mục tiêu đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”. Việc giám sát cũng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã ban hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Những kết quả quan trọng trong thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp tỉnh Nghệ An đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL.

 Về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, nhờ làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh đã nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, toàn tỉnh có 1.685 đơn vị, giảm 251 đơn vị, đạt tỷ lệ 13% so với năm 2015; giảm 222 đơn vị, đạt tỷ lệ 11.6% so với năm 2017; giảm 17 đơn vị, đạt tỷ lệ 1% so với năm 2021; đã tiến hành sáp nhập, tổ chức lại 378 ĐVSNCL, giải thể 03 ĐVSNCL

Về công tác quản lý, tinh giản biên chế được thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp, triển khai thực hiện nghiêm. UBDN tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế đảm bảo về thời gian và chất lượng theo yêu cầu. Thực hiện nghiêm quy định giảm 10% biên chế cho tất cả các cơ quan, đơn vị bảo đảm sự phù hợp; tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động đến nay, toàn tỉnh thực hiện tinh giản 3.344 viên chức, giảm 11,34%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW, giảm từ 2.786 cấp phó đơn vị sự nghiệp xuống còn 2.337 cấp phó, giảm 449 cấp phó của người đứng đầu ĐVSNCL và hoàn thành hợp nhất, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo đúng quy định.

Về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa; khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ. Toàn tỉnh tỉnh có 718 bệnh viên và cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập; lĩnh vực giáo dục và đào tạo (có 84 trường học thuộc các cấp và 375 trung tâm, cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ... ngoài công lập).

Một tiết học của học sinh Trường THCS Hưng Bình (thành phố Vinh)

Việc thực hiện cơ chế, tự chịu trách nhiệm trong các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh Nghệ An. Các ĐVSNCL đã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch khi được cấp trên giao, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phù hợp với cơ cấu, tiêu chuẩn, chức danh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay toàn tỉnh Nghệ An có 64 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 01 và nhóm 02; 684 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 03 và 938 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 04; có 64/1.685 đơn vị đã tự chủ về nhân sự và sử dụng nguồn thu để bố trí người làm việc theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các đơn vị SNCL được chú trọng hơn. Nhiều đơn vị đã ban hành Quy chế tài chính, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, từng bước khắc phục việc sử dụng tài sản công lãng phí, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Trước hết việc đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn; việc sáp nhập, hợp nhất các ĐVSNCL còn mang tính cơ học, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị còn chồng chéo, trùng lắp chưa được xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Ngoại trừ giảm biên chế do ĐVSNCL chuyển sang tự chủ mức độ 1, 2 (ĐVSNCL ngành y tế) thì việc giảm biên chế chủ yếu do có người làm việc nghỉ hưu hoặc giảm biên chế do chưa được tuyển dụng tại các ĐVSNCL. Một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa quyết liệt tinh giản biên chế đối với những trường hợp hạn chế về ý thức trách nhiệm hoặc trình độ, năng lực yếu; công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm của một số ĐVSNCL còn chậm hoặc chưa bám sát Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL.

Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết đối với nhiều ĐVSNCL còn chậm, Công tác đổi mới trong quản trị nội bộ một số ĐVSNCL chưa kịp thời. Phương thức hoạt động của một số ĐVSNCL chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, dẫn đến chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ chưa cao, chưa phát huy được hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của đơn vị.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài Nguyên - Môi trường Nghệ An rà soát, xác định các vị trí đất trên bản đồ

Việc thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung mức độ tự chủ chưa cao (toàn tỉnh mới chỉ có 01 đơn vị đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 63/1.685 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên (chủ yếu là lĩnh vực y tế), đa phần các đơn vị tự đảm bảo được một phần hoặc do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động) và chưa đạt mục tiêu nâng mức độ tự chủ tài chính của các ĐVSNCL mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra, đặc biệt ở địa bàn các huyện nông thôn, miền núi. Nhiều đơn vị mới chỉ thực hiện nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà chưa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu còn hạn chế…

6 nguyên nhân khách quan và chủ quan

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do các quy định của pháp luật về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL còn có những bất cập nhất định, chưa đầy đủ và đồng bộ, thống nhất; Công tác quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng, miền và nhu cầu thực tế.

Thứ hai là do cơ chế tài chính còn nhiều bất cập. Các dịch vụ công được NSNN bảo đảm kinh phí còn rất rộng. Một số đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên nhưng thực tế nguồn thu vẫn còn thấp, không ổn định.

Thứ ba là hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Các định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa chưa đủ mạnh.

Thứ tư là do nhận thức của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về chính sách tinh giản biên chế chưa thật sự đầy đủ, chưa quan tâm thực hiện triệt để; một số viên chức, người lao động được giao thực hiện nhiệm vụ còn có hạn chế nhất định về năng lực, trình độ, chưa chủ động tham mưu, đề xuất công tác tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế đạt hiệu quả.

Thứ năm là việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đội ngũ CCVC, ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư tình cảm nên khi thực hiện một số Sở, ngành, địa phương và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp còn e ngại, nể nang, chưa tích cực chủ động đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Một số giải pháp trọng tâm tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Hai là, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh

Ba là, quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các ĐVSNCL do NSNN bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm; Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%.

Bốn là, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Chuyển đổi các ĐVSNCL có đủ điều kiện sang công ty cổ phần

Năm là, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao; nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL. Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị

Sáu là, hoàn thiện pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các ĐVSNCL. nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước