Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm 10 dự án thành phần nhằm hướng tới các mục tiêu giải quyết về đất ở, đất sản xuất; tăng cường tiếp cận và cải thiện chất lượng các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch; phát triển hạ tầng thiết yếu; khuyến khích đầu tư vào nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; bảo vệ và phát triển văn hoá truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số…
Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình, Nghệ An cũng đã tiến hành phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo các dự án và đối tượng được thụ hưởng theo tiêu chí, định mức được quy định tại Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 24/6/2022. Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 đạt thấp, luỹ kế đến nay đạt gần 24%. Riêng năm 2023, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ và vốn năm 2022 kéo dài với tổng hơn 1.125 tỷ đồng, kết quả giải ngân chỉ đạt 22,4%.
Từ thực tiễn theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện nguồn vốn tại các địa phương, bà Quế Thị Trâm Ngọc – Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng: Bên cạnh tuân thủ các quy định về tiêu chí, định mức cần bám sát nhu cầu thực tế của các địa phương thụ hưởng để có tính khả thi và hiệu quả cao, tránh tình trạng phân tán, manh mún và trả nguồn do không thực hiện được, trong khi đơn vị cần vốn lại không được phân bổ thêm. Ví dụ, tại huyện Quỳ Châu, nguồn phân bổ thực hiện dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp trong hai năm 2022, 2023 chưa thực hiện hết, nhưng năm 2024 Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục xây dựng phương án phân bổ. Hay phân bổ nguồn thực hiện nội dung nước sinh hoạt phân tán ở huyện Nghĩa Đàn trong năm 2022 và 2023 vẫn còn nhiều và năm 2024 tiếp tục bố trí. Ở huyện Thanh Chương, theo phương án phân bổ được xây dựng năm 2024, địa phương này được phân nguồn phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên nội dung này, huyện Thanh Chương không còn địa bàn để thực hiện… Một số huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn… cũng kiến nghị điều chuyển nguồn dự kiến phân bổ năm 2024 từ nội dung này sang nội dung khác hoặc điều chỉnh tăng – giảm nguồn vốn theo nhu cầu thực tế của từng dự án.
Trong điều kiện giữa nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng nguồn lực từ ngân sách có sự vênh nhau khá lớn, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Cần đổi mới tư duy và cách làm trong phân bổ nguồn vốn theo hướng tập trung và thay đổi đối tượng phù hợp hơn; nếu vẫn cách làm theo “thói quen”, lối mòn thì khó có hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đưa ra một số gợi mở: Trong dự án giải quyết nhà ở, đầu tư hạ tầng thiết yếu, cần dành nguồn lực tập trung cho từng địa bàn cụ thể để khép kín lộ trình theo hình thức cuốn chiếu nhằm đạt hiệu quả cao hơn, tránh phân bổ dàn trải, địa phương nào cũng có, vừa khó giám sát, quản lý nguồn vốn, vừa không có tác động và hiệu quả tốt nhất. Trong phân bổ nguồn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần thay đổi cách tiếp cận và đối tượng hỗ trợ. Thay vì phân bổ cho các trung tâm đào tạo nghề ở các huyện hiện không đủ năng lực để thực hiện do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, thì Ban Dân tộc tỉnh cần phối hợp với Trường Chính trị tỉnh lên chương trình và tổ chức những lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học bài bản, chất lượng. Tương tự, nguồn lực phân bổ phát triển giáo dục nghề nghiệp, cần phối hợp với trường nghề khu vực để đào tạo, với mục tiêu cuối cùng là chất lượng đầu ra và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện và bền vững; cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người dân; vì vậy, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, thay đổi cách làm, tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện chương trình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp, lồng ghép các chương trình, nguồn lực để đạt hiệu quả cao hơn./.