Bất cập về chế độ kiêm nhiệm
Theo Nghị định số 33, ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã khi kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm trong trường hợp địa phương đó giảm được 1 biên chế theo định biên giao. Quy định này đang gây băn khoăn cho chính đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm ở cơ sở, trong đó có chức danh bí thư đảng ủy (hoặc phó bí thư đảng ủy) kiêm chủ tịch HĐND xã.
Theo bà Nguyễn Thị Tú Anh - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Tân Hương (Tân Kỳ): Thẩm quyền cấp xã không có quyền quyết định tăng hay giảm biên chế. Mặt khác, thực tế hoạt động, người kiêm nhiệm chức vụ bí thư đảng ủy (hoặc phó bí thư đảng ủy) kiêm chủ tịch HĐND xã vẫn “gánh trên vai” hai công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau. Đặc biệt, đối với vai chủ tịch HĐND xã với tính trách nhiệm trong quyết định các chủ trương, quyết sách của HĐND xã rất cao; trong khi chế độ kiêm nhiệm không được hưởng, đây là bất cập cần được xem xét sửa đổi: Người kiêm nhiệm chức danh nào thì được hưởng phụ cấp chức danh đó.
Cũng phản ánh thực trạng này, ông Nguyễn Thúc Thanh - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Đại Sơn (Đô Lương) cho rằng: Chức danh chủ tịch HĐND xã thông qua bầu cử và là chức danh lãnh đạo, nhưng việc được hưởng hay không được hưởng chế độ phụ cấp lại phụ thuộc vào số lượng công chức. Thực tế số lượng công chức ở xã tăng hay giảm thì nhiệm vụ chủ tịch HĐND xã do bí thư đảng ủy kiêm nhiệm cũng phải làm, chứ không phải khi đủ số lượng cán bộ, công chức theo định biên thì nhiệm vụ chủ tịch HĐND xã được giao cho một người khác đảm nhận; ngược lại khi thiếu biên chế mới chuyển sang cho bí thư đảng ủy xã làm kiêm nhiệm.
Bất cập về chế độ phụ cấp đối với chức danh bí thư đảng ủy (hoặc phó bí thư đảng ủy) kiêm chủ tịch HĐND xã đang diễn ra tại nhiều địa phương. Ở các địa phương bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định đơn vị hành chính thì chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm; còn địa phương có số lượng cán bộ, công chức ít hơn quy định thì chức danh bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã được hưởng chế độ kiêm nhiệm. Dù tất cả bí thư đảng ủy kiêm nhiệm chủ tịch HĐND xã đều thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm như nhau, nhưng về chế độ thì có người được hưởng và người không.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ngô Văn Thành - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn cho rằng: Nghĩa vụ, trách nhiệm phải được gắn liền với quyền lợi. Hiện nay, nhiều chức danh “bán chuyên trách” ở cấp xã và cấp xóm kiêm nhiệm đều có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, trong đó người đảm nhận 2 chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch HĐND xã với 2 công việc độc lập, khác nhau lại không được hưởng chế độ kiêm nhiệm.
Bất cập này được nhiều cơ sở phản ánh và được HĐND huyện đề xuất, kiến nghị các cấp nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn chưa thay đổi. Vì vậy, đề nghị tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn, bất cập hiện nay, tạo điều kiện để hoạt động của HĐND cấp xã hoạt động có chất lượng, hiệu quả.
Cần thống nhất tổ chức bộ máy HĐND cấp huyện
Cơ cấu tổ chức bộ máy của thường trực HĐND cấp huyện, theo quy định được cơ cấu từ 4 - 5 người, bao gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng các ban HĐND (gồm ban kinh tế - xã hội, ban pháp chế, ban dân tộc đối với địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số). Từ cơ cấu đó, hiện mỗi địa phương trong tỉnh đang áp dụng hai cách sắp xếp khác nhau; có địa phương bố trí ủy viên ban thường vụ, trưởng ban Đảng kiêm nhiệm trưởng các ban HĐND; có địa phương bố trí các trưởng ban HĐND cấp huyện chuyên trách.
Từ thực tiễn ở huyện Thanh Chương, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch HĐND huyện cho rằng: Thường trực HĐND cấp huyện có vai trò chủ đạo, quyết định đến chất lượng hoạt động của HĐND; bởi thường trực HĐND quyết định đưa ra các nội dung trình kỳ họp HĐND thông qua, trực tiếp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp hoặc phân công các ban HĐND thẩm tra; đồng thời, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách được ban hành…
Hiện tại, Thường trực HĐND huyện Thanh Chương được cơ cấu 4 biên chế, trong đó, chủ tịch, 2 trưởng ban được bố trí kiêm nhiệm và phó chủ tịch HĐND chuyên trách. Thuận lợi là cả 4 chức danh đều là thành viên ban thường vụ huyện ủy, nên khi xem xét các vấn đề đưa vào chương trình hoạt động hoặc quyết định đã có sự tiếp cận sớm, đầy đủ về mặt chủ trương.
Tuy nhiên, về mặt khó khăn, 2 trưởng ban HĐND huyện hiện đồng thời đảm nhận 2 chức vụ; một người là trưởng ban dân vận huyện ủy kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ huyện và một người là trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, kiêm giám đốc trung tâm chính trị huyện; nghĩa là chức danh trưởng ban HĐND là chức vụ thứ 3. Điều này đặt trách nhiệm cao hơn đối với các phó trưởng ban HĐND huyện chuyên trách trong vấn đề tham mưu và tổ chức các hoạt động của HĐND. Dù các cuộc họp thường trực HĐND, các phó trưởng ban HĐND huyện được mời tham gia với vai trò tham mưu, tuy nhiên, họ không có thẩm quyền quyết định.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng nêu quan điểm: Hoạt động HĐND cấp huyện cần hướng đến tính chuyên sâu như Quốc hội và HĐND tỉnh; muốn vậy phải có cơ quan chuyên trách và những con người chuyên trách, chuyên sâu. Dù rằng, cơ chế hoạt động của HĐND mang tính mở rộng dân chủ thông qua hoạt động các tổ đại biểu, đại biểu HĐND và quyết định theo đa số đại biểu HĐND, nhưng hiện các đại biểu cơ bản kiêm nhiệm (35/38 đại biểu) với nhiều lĩnh vực chuyên môn; cho nên, trong các hoạt động, nhiều nội dung chuyên sâu cần được nghiên cứu, dẫn chiếu đầy đủ các quy định, cơ sở pháp lý một cách chắc chắn để quyết định hoặc đưa ra kết luận đúng đắn, chuẩn xác, đòi hỏi phải có cơ quan và con người chuyên trách. Bởi vậy, trong điều kiện đang thực hiện tinh giản biên chế, đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và có quy định thống nhất trong việc bố trí các trưởng ban HĐND cấp huyện theo hướng chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND, tránh mỗi địa phương làm một kiểu như hiện nay.
Cùng quan tâm về cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND cấp huyện, bà Lê Thị Thêu - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ nêu thực tiễn hoạt động của HĐND huyện Tân Kỳ: Quá trình triển khai hoạt động giám sát của các ban, không phải nội dung nào trưởng ban cũng tham gia mà nhiều cuộc ủy quyền cho các phó trưởng ban HĐND huyện. Trong khi đó, chức danh các phó trưởng ban HĐND huyện tương đương các phó phòng chuyên môn UBND huyện, khi làm trưởng đoàn giám sát thì thẩm quyền, vị thế sẽ khác vị trí trưởng ban, nhất là ở cơ sở - đối tượng chịu sự giám sát, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã là ủy viên ban chấp hành đảng bộ huyện. Vì vậy, cùng với quan tâm bố trí trưởng ban HĐND cấp huyện chuyên trách để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND cấp huyện, tỉnh cần nghiên cứu có chủ trương bố trí cấp ủy đối với lãnh đạo các ban HĐND.
Đề cập ở góc độ khác, ông Lưu Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong cho rằng, hiện nay, tổng số đại biểu HĐND ở các cấp nhiều, nhưng chất lượng hoạt động có phần hạn chế, thậm chí có đại biểu từ khi bầu đến nay chưa một lần phát biểu thảo luận, chất vấn, đóng góp ý kiến vào các nội dung trình kỳ họp. Bên cạnh đó, việc liên hệ nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri có những đại biểu hạn chế, chưa làm tròn được chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
Vì vậy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong đề xuất cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu để tăng số đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm vào kỳ bầu cử tới. Mặt khác, để tăng đại biểu chuyên trách thì cần quy định thống nhất việc bố trí trưởng các ban HĐND chuyên trách gắn với cơ cấu cấp ủy viên; nếu bố trí trưởng các ban HĐND do các đồng chí ban thường vụ cấp uỷ kiêm nhiệm thì cần tăng số lượng cấp phó hoặc ủy viên chuyên trách các ban HĐND.
Bên cạnh bất cập trong bố trí, sắp xếp cơ cấu trong bộ máy thường trực HĐND cấp huyện, phản ánh từ cơ sở chúng tôi ghi nhận được, hiện hoạt động của bộ máy HĐND cấp huyện đang dùng chung văn phòng UBND. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cần bố trí một công chức chuyên trách phục vụ công tác HĐND.
Một vấn đề cũng được các địa phương quan tâm đề xuất với Trung ương cần nghiên cứu tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách gắn với có quy định thống nhất về cơ cấu, nhân sự đại biểu HĐND chuyên trách bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và kỹ năng hoạt động; góp phần nâng cao chất lượng HĐND cấp huyện nói riêng và HĐND các cấp nói chung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu.
Mai Hoa