Do vậy, để Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, phải tôn trọng, đề cao vai trò của HĐND và từ đó hoàn thiện thể chế tổ chức, hoạt động và bảo đảm các điều kiện để HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; bầu ra và giám sát hoạt động của cơ quan hành chính. Để đạt được điều đó, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt là ở cấp xã là thực sự quan trọng.
Từ thực tế “Xưa bày, nay làm” …
Dân gian thường có câu “xưa bày, nay làm” với hàm ý truyền lại kinh nghiệm, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của ông cha cho con cháu noi theo trong đời sống hàng ngày. Trong tổ chức hoạt động của HĐND, “xưa bày…” chính là việc vận dụng những kinh nghiệm của thế hệ cán bộ đi trước, sử dụng hệ thống tài liệu của các nhiệm kỳ trước, các năm trước để tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của HĐND, nhờ đó mà giúp cho “nay làm” sẽ tiết kiệm được thời gian nghiên cứu, tham mưu và triển khai các hoạt động của HĐND theo quy định nhanh chóng, kịp thời hơn….
Tuy nhiên, qua công tác giám sát đối với hoạt động của HĐND cấp xã, kết quả cho thấy việc quá lệ thuộc vào kinh nghiệm, hệ thống tài liệu sẵn có còn phổ biến ở nhiều xã, phường, thị trấn. Quá trình xây dựng, trình Thường trực, trình HĐND cấp xã các văn bản, báo cáo, nghị quyết thể hiện việc chủ yếu thay thế số liệu, nội dung trên cơ sở tài liệu sẵn có của nhiệm kỳ trước, năm trước mà thiếu sự tập trung nghiên cứu các văn bản, quy định hiện hành để chỉnh sửa, bổ sung. Do đó, chất lượng hệ thống các văn bản, các nghị quyết của HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế; thậm chí có trường hợp ban hành nghị quyết trái thẩm quyền, báo cáo thẩm tra của các Ban qua các kỳ họp hầu như giống nhau, các văn bản trình kỳ họp HĐND còn nhiều lỗi cả về thể thức và nội dung. Quy trình lập, thẩm tra, trình HĐND quyết định ban hành các Nghị quyết thuộc thẩm quyền HĐND cấp xã chưa đảm bảo, quá trình thẩm tra các văn bản trình HĐND thiếu chiều sâu, tính phản biện chưa cao. Chất lượng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế…
Một trong những nguyên nhân quan trọng là trình độ, năng lực của một bộ phận đại biểu HĐND gần như chưa đáp ứng yêu cầu ở cơ sở, nhiều khi nặng về cơ cấu dẫn đến năng lực còn hạn chế, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã chưa đầy đủ. Một số cấp ủy cơ sở chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hoạt động của HĐND cấp xã. Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã, vai trò của HĐND cấp xã ở nhiều địa phương vì thế trở nên mờ nhạt, hoạt động mang màu sắc “xuân thu, nhị kỳ”, “đến hẹn lại họp”.
…đến một số vấn đề cần quan tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
Từ những hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp xã nói trên và vai trò quan trọng của HĐND trong hệ thống chính trị đặt ra yêu cầu phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, trong đó yêu cầu cấp thiết là phải thay đổi tư duy phụ thuộc vào “xưa bày, nay làm” phải chủ động, sáng tạo, đúng luật, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn từng địa phương, có như thế mới rút ngắn được khoảng cách giữa “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” đã được hiến định, với “quyền lực” thực sự khi quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền… Để đạt được điều đó, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy Đảng nhận thức đúng vị trí, vai trò của HĐND và có phương thức lãnh đạo đúng đắn thì ở đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên.
Trước hết, cần quan tâm lãnh đạo công tác cán bộ - nhân tố trung tâm để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Cấp uỷ Đảng phải thường xuyên quan tâm rà soát, phát hiện, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí Đảng viên có năng lực, trách nhiệm cao trong công tác để bầu vào đại biểu HĐND cấp xã, bầu giữ các chức vụ chủ chốt của HĐND cấp xã. Ngoài việc nâng cao chất lượng đại biểu HĐND nói chung thì cần quan tâm đến việc lựa chọn nhân sự đối với Thường trực, Trưởng các Ban của HĐND bởi vì đây là những người trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của HĐND theo quy định của luật. Trong số đội ngũ này, cần đặc biệt quan tâm bố trí cán bộ cho chức danh Phó Chủ tịch HĐND cấp xã (là đại biểu chuyên trách duy nhất ở cấp xã) đảm bảo đủ tâm, xứng tầm là nòng cốt cho hoạt động của HĐND trong cả nhiệm kỳ.
Cần thực sự coi trọng tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp xã. Ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định, thì do đặc thù đại biểu HĐND cấp xã là những người gần dân nhất, sâu sát với cơ sở nên cần phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tự mình và tổ chức cho mọi người vươn lên làm giàu chính đáng. Những người có tư duy, năng động, không cam phận sống nghèo khó, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, biết lôi cuốn, thu hút, thuyết phục mọi người làm theo mình, xóa bỏ đói nghèo, thay đổi bộ mặt địa phương, thì đó là đại biểu xứng đáng của Nhân dân trong HĐND cấp xã. Chính vì vậy, cần đặc biệt coi trọng phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND và ý thức trách nhiệm của đại biểu.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến vai trò của HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình đó là vấn đề cơ cấu nhân sự của HĐND. Hiện nay, việc cơ cấu nhiều đại biểu HĐND cấp xã là cán bộ UBND, điều này dẫn đến việc lẫn lộn giữa chức năng giám sát với chức năng quản lý của hai cơ quan thuộc chính quyền cấp xã. Vì vậy, để có thể nâng cao vai trò của HĐND trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, chức năng luật định, cần cơ cấu HĐND ngoài Chủ tịch UBND không nên cơ cấu thêm các thành viên khác để bảo đảm tính khách quan trong biểu quyết nghị quyết của HĐND, khách quan trong hoạt động giám sát của HĐND.
Đồng thời, cấp uỷ Đảng, phải luôn đảm bảo vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị nói chung trong đó có hoạt động của HĐND - UBND; thường xuyên nghe, cho ý kiến về nội dung, chương trình các kỳ họp, cho ý kiến định hướng đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quản lý ngân sách, đầu tư công…, giao cho HĐND thảo luận, quyết định đúng với quy định của luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Một điểm cần lưu ý là chủ trương, định hướng của cấp uỷ Đảng phải đúng với quy định của luật, tránh đưa ra những chủ trương mà khi tổ chức thực hiện vượt quá thẩm quyền.
Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ HĐND - UBND ở cấp xã. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng thực tế ở các địa phương vẫn còn tình trạng chưa nhận thức đúng đắn vai trò, mối quan hệ giữa 2 tổ chức này trong hệ thống chính trị, có nơi vẫn hiểu sai HĐND là cơ quan lãnh đạo của UBND, có nơi UBND lại nhận thức chưa đầy đủ về thẩm quyền của HĐND… Cần nhận thức đúng đắn rằng: HĐND - UBND là hai thành phần cấu thành chính quyền địa phương, hoạt động theo quy định của luật; HĐND là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương theo thẩm quyền, UBND là cơ quan chấp hành nghị quyết của HĐND, tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành và có trách nhiệm báo cáo kết quả trước HĐND, đồng thời là cơ quan quản lý hành chính nhà nước trực thuộc cấp trên. Hiểu đúng và làm đúng, không để xảy ra tình trạng “quyền anh - quyền tôi” thì công tác phối hợp giữa HĐND - UBND mới nhuần nhuyễn, các nghị quyết của HĐND mới hiệu quả, sát với thực tiễn.
Thứ ba, “đánh tan” tư tưởng “kiêm nhiệm”, “Hội đồng là năm 2 kỳ họp…”. Thực tế, đại biểu HĐND cấp xã chỉ có 1 đại biểu hoạt động chuyên trách là đại biểu được HĐND bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã; các đại biểu khác đều là đại biểu kiêm nhiệm. Do đó, tư tưởng “kiêm nhiệm” đã tác động lớn, làm ảnh hưởng đến trách nhiệm của đại biểu, làm giảm chất lượng đại biểu HĐND cấp xã. Mỗi đại biểu HĐND cấp xã, đặc biệt là các đại biểu “kiêm nhiệm” các chức danh Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó, uỷ viên các Ban của HĐND cấp xã cần phải thường xuyên tự học, nghiên cứu các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện liên quan đến thẩm quyền của HĐND, các Ban và đại biểu HĐND xã; nâng cao hiểu biết trong lĩnh vực được phân công. Cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND cấp xã để đại biểu HĐND vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND; tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND để đại biểu HĐND phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử. Đồng thời quan tâm đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu.
Thứ tư, hoạt động giám sát của HĐND phải đi vào thực chất, có tác động thiết thực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Một nhiệm vụ quan trọng của HĐND đã được Luật hoá bởi Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đó là tổ chức giám sát việc thực thi pháp luật trên địa bàn, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND. Theo đó, có nhiều hình thức giám sát như hoạt động thẩm tra các nội dung trình kỳ họp, hoạt động giải trình hoặc chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND, giám sát chuyên đề…
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp xã, cần phải coi công tác kiểm tra, giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND là việc làm thường xuyên. Căn cứ vào nghị quyết của HĐND tại mỗi kỳ họp và chương trình công tác của HĐND giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND, các Ban HĐND chủ động xây dựng chương trình công tác của cả năm, trong đó có kế hoạch giám sát, xác định nội dung giám sát, thời gian giám sát,... để tổ chức thực hiện theo kế hoạch, tránh trùng lặp, chồng chéo. Tiếp tục phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Ban, phân công các Ban theo dõi kiểm tra, giám sát đối với các vấn đề bức xúc diễn ra ở địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các Ban trong việc thực hiện chức năng giám sát của mình. Thực hiện đổi mới phương thức tổ chức giám sát để đạt hiệu quả cao. Mỗi hoạt động giám sát đều cần phải thực hiện nghiêm túc theo quy trình chặt chẽ, từ công tác chuẩn bị, tổ chức giám sát đến việc báo cáo kết quả giám sát.
Phát hiện, lựa chọn các vấn đề mang tính “điểm nghẽn”, những vấn đề còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành của địa phương, các nội dung được cử tri và Nhân dân quan tâm, phản ánh để đưa vào giám sát. Kết quả giám sát phải được lượng hoá cụ thể trên hai mặt là số lượng các bộ quy trình thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực giám sát được rà soát, hướng dẫn để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND huyện, kết quả thực hiện các đề xuất, kiến nghị sau giám sát; nhờ đó, những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền liên quan đến vấn đề giám sát sẽ được Thường trực, các Ban của HĐND, tổ đại biểu, đại biểu HĐND huyện thường xuyên giám sát, đôn đốc và được nghiêm túc tổ chức thực hiện.
Thứ năm, cần quan tâm các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND cấp xã. Quan tâm đầu tư chi phí và điều kiện vật chất cho hoạt động của HĐND cấp xã. Đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần được trang bị phương tiện thông tin liên lạc, tài liệu, phòng làm việc hợp lý, tương xứng với trách nhiệm của đại biểu. Đối với các chức danh kiêm nhiệm của HĐND cấp xã (Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó trưởng Ban của HĐND) nên có chế độ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình.
Cấp cơ sở là nơi phản ánh trung thực sức sống của chính sách pháp luật, phản ánh sự tiếp nhận của công dân, của doanh nghiệp, của các tổ chức, đơn vị về việc thực thi của pháp luật một cách cụ thể, sinh động. Sự gắn bó mật thiết của đại biểu HĐND xã với cử tri, với Nhân dân nơi cư trú, địa bàn cư trú tạo nên sức sống của chính quyền cơ sở. Đó cũng chính là cầu nối thông suốt giữa nhân dân và chính quyền của nhân dân; góp phần thiết thực, cụ thể và trực tiếp đưa cuộc sống vào chính sách pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong công tác kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nói chung và chính quyền xã nói riêng.