- Bài 1: Chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
- Bài cuối: Thực sự là cơ quan tham mưu, giúp việc Hội đồng Nhân dân
Chưa đủ động lực tham mưu, giúp việc cho HĐND
Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng HĐND và UBND là tham mưu, giúp việc cho HĐND thực hiện quyền giám sát và phản biện lại chính cơ quan chủ quản là UBND. Như đã phân tích về vị trí pháp lý của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, theo Nghị định 37 (sửa đổi), tuy tên gọi là Văn phòng HĐND và UBND nhưng được xác định địa vị pháp lý là một cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Theo đó, từ quyết định thành lập đến tổ chức bộ máy, đề bạt, bổ nhiệm phân công trách nhiệm cho lãnh đạo Văn phòng đều do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
Với cơ chế quản lý đó, bộ máy Văn phòng rất khó để tham mưu, giúp việc cho HĐND. Vì làm việc cho HĐND, nhưng hưởng lương từ kinh phí hoạt động của UBND, do UBND quyết định bổ nhiệm và tuyển dụng thì cán bộ, công chức của Văn phòng HĐND và UBND chưa nhiệt tình, tâm huyết với công việc và đủ động lực tham mưu, giúp việc cho HĐND, nhất là trong thực hiện chức năng giám sát.
Cần tương thích với nhiệm vụ, xác định rõ tính pháp lý
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định nhiệm vụ, quyền hạn HĐND cấp huyện được quyết định 23 nội dung ở 4 lĩnh vực. Trong đó, Thường trực HĐND có nhiệm vụ thảo luận và quyết định từng vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; đôn đốc, kiểm tra UBND, các cơ quan nhà nước thực hiện nghị quyết của HĐND; quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp.
Để thực hiện quy định này, Luật cũng quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, giải quyết các công việc của HĐND giữa hai kỳ họp. Ban HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị những vấn đề thuộc lĩnh vực ban phụ trách. Ngoài ra, HĐND có chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, việc thực hiện nghị quyết HĐND, giám sát hoạt động của Thường trực, các ban HĐND, UBND, TAND, VKSND cấp huyện.
Đây là khối lượng công việc rất lớn, tuy nhiên Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện chỉ có 1 - 2 thành viên hoạt động chuyên trách. So với nhiệm vụ của UBND cấp huyện thì khối lượng công việc của HĐND cấp huyện nhiều và toàn diện; mọi hoạt động của UBND được thực hiện trên cơ sở quyết định của HĐND cấp huyện, cơ quan nhà nước cấp trên ủy quyền, phân cấp, và được các cơ quan HĐND cấp huyện giám sát. Trong khi đó, UBND cấp huyện có nhiều cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc theo từng lĩnh vực, HĐND cấp huyện chỉ có một bộ phận giúp việc thuộc Văn phòng HĐND và UBND. Như vậy, hiện nay, Văn phòng HĐND và UBND không tương thích giữa chức năng, nhiệm vụ và địa vị pháp lý là một cơ quan có chức năng tham mưu, giúp việc cho HĐND
Chính vì những vấn đề về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ nên vấn đề chủ thể có thẩm quyền quyết định thành lập, bổ nhiệm và quy định cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ra sao để hoạt động phù hợp và thống nhất, hiệu quả được nhiều người quan tâm và đặt ra yêu cầu hướng tới việc xác định tính pháp lý của Văn phòng HĐND và UBND giúp HĐND, Thường trực, các Ban cũng như các đại biểu HĐND chủ động và hiệu quả hơn.
Vướng trong sử dụng kinh phí
Kinh phí sử dụng để phục vụ công việc tham mưu, giúp việc cho HĐND cấp huyện nằm trong tổng kinh phí của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Không có mục chi hoạt động nào của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện được quy định riêng để hạch toán cho việc phục vụ hoạt động của HĐND.
Dù có chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND, tuy nhiên ở cấp huyện lại được xác định địa vị pháp lý thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện hoặc chịu sự quản lý, chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện. Do vậy, hoạt động tham mưu, giúp việc cho HĐND gặp khó khăn trong thực hiện mối quan hệ với các cơ quan cấp trên cũng như đồng cấp.
Hiện nay, Khoản 1, Điều 4 Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND giao Chính phủ quy định mức chi đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã. Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và công chức Văn phòng - thống kê thuộc UBND cấp xã là bảo đảm các điều kiện hoạt động cho HĐND. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa quy định về vấn đề này.
Ngoài ra, nếu căn cứ vào các văn bản trước đây về việc sử dụng kinh phí của bộ máy giúp việc của HĐND cũng gặp vướng mắc. Vì theo Nghị quyết 524/NQ-UBTVQH13 ngày 20.9.2012 và Thông tư số 97/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, các địa phương dựa vào định mức chi tiêu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH để vận dụng xây dựng định mức chi tiêu đặc thù cho HĐND “phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương”. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức chi tiêu chưa thống nhất trong cả nước do thiếu hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương xây dựng một định mức chi khác nhau.