Là cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện
Thực tế, cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện tổ chức chung cùng với cơ quan tham mưu, giúp việc của UBND. Đây là quy định được kế thừa từ Nghị 172/2004/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đến nay là Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020)
Cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện được xác định là một nhóm công việc của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, tổ chức cùng với cơ quan tham mưu, giúp việc của UBND. Theo Nghị định số 37 (sửa đổi), Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là một cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Về cơ cấu tổ chức, Văn phòng HĐND và UBND có 1 Chánh Văn phòng và bình quân 2 Phó Chánh Văn phòng. Để tạo sự chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, Nghị định 37 (sửa đổi) quy định UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Như vậy, trên thực tế Văn phòng HĐND và UBND có thể có từ 2 đến 3 Phó Chánh Văn phòng. Chánh Văn phòng, các Phó Chánh văn phòng HĐND và UBND cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm.
Biên chế của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thuộc biên chế của UBND cấp huyện. Văn phòng HĐND và UBND có khoảng từ 10 - 15 biên chế và nhân viên hợp đồng. Tuy nhiên, chuyên viên của Văn phòng HĐND và UBND tập trung chủ yếu vào hoạt động tham mưu, phục vụ cho UBND. Những năm gần đây, một số Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện đã bố trí bộ máy tham mưu, giúp việc và phục vụ HĐND nhưng số lượng ít (một Phó chánh Văn phòng, 1 chuyên viên).
Chưa bảo đảm công tác
Theo quy định tại Nghị định 37, ngoài những nhiệm vụ phục vụ cho HĐND, Văn phòng HĐND và UBND phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc tham mưu, phục vụ hoạt động cho UBND cùng cấp, thực hiện nhiều nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch UBND cấp huyện giao. Sau khi được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 108, Văn phòng HĐND và UBND được bổ sung thêm nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính.
HĐND có chức năng quyết định và giám sát, tuy nhiên, bộ máy tham mưu, giúp việc chưa bảo đảm cho công tác; ví dụ, cấp huyện có khoảng từ 30 - 35 đại biểu HĐND. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), mỗi huyện có ít nhất là 3 và tối đa là 6 đại biểu HĐND chuyên trách (Phó Chủ tịch, 2 Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách, Chủ tịch HĐND, 2 Trưởng Ban có thể hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm), HĐND cấp huyện được chia thành các tổ đại biểu HĐND.
Tuy nhiên, qua theo dõi, Văn phòng HĐND và UBND thường chỉ có 1 Phó Chánh Văn phòng phụ trách theo dõi chung cả hoạt động của UBND và HĐND cấp huyện, có 2 chuyên viên tham mưu, giúp việc cho UBND và HĐND. Nhưng, Chánh hoặc Phó Chánh Văn phòng và các chuyên viên đều tập trung thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND. Chỉ khi đến kỳ họp HĐND mới huy động sự tham gia của công chức, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND. Các hoạt động của HĐND như tiếp xúc cử tri, giám sát… đều do Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thực hiện (nhiệm kỳ trước, Phó trưởng ban HĐND cấp huyện chưa quy định là đại biểu HĐND chuyên trách).
Điều 6 Nghị định 37 (sửa đổi) quy định Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện làm việc theo chế độ Thủ trưởng và theo quy chế làm việc của UBND cấp huyện; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các cơ quan chuyên môn theo quy định. Chánh Văn phòng có trách nhiệm báo cáo với UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Nghị định 37 không quy định trách nhiệm báo cáo công tác của Văn phòng HĐND và UBND trước Thường trực HĐND, Chủ tịch HĐND cấp huyện.
Trên thực tế, khi các địa phương ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng HĐND và UBND đã bổ sung thêm nhiệm vụ Văn phòng HĐND và UBND, ngoài những nhiệm vụ cụ thể theo Nghị định 37 (sửa đổi) thì phải thực hiện các nhiệm vụ khác do HĐND, Thường trực HĐND giao và có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động với Thường trực HĐND; đây là một giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc cho HĐND.