Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An khảo sát mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả tại xã Nam Nghĩa

Trong đó, chức danh Trưởng các Ban của HĐND cần xem xét, cơ cấu vào cấp ủy cùng cấp để nâng cao vị thế, vai trò.

Điều 61, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định, HĐND xem xét văn bản quy phạm pháp luật là quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp. Theo Thường trực HĐND một số địa phương, qua thực tế cho thấy có những nghị quyết của HĐND cấp dưới ban hành trái luật nhưng HĐND cấp trên gặp lúng túng trong việc xem xét để bãi bỏ, vì các nghị quyết này là nghị quyết hành chính cá biệt, không chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật và cũng không phải là nghị quyết quy phạm pháp luật. Vì vậy, kiến nghị sửa đổi theo hướng “HĐND xem xét văn bản là quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp”. Không nên quy định chỉ xem xét đối với văn bản quy phạm pháp luật.

Tại điểm đ, Khoản 2 Điều 80 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định: “Xem xét, xác minh, mời chuyên gia tư vấn đề vấn đề mà Đoàn giám sát xét thấy cần thiết”. Tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục và chế độ, chính sách mời chuyên gia, nhiều địa phương kiến nghị bổ sung các quy định, cơ chế về việc mời các chuyên gia trong tham gia các Đoàn giám sát của HĐND (quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kinh phí chi trả chế độ). Nhiều địa phương cũng cho rằng, cần xem xét đưa các nội dung cụ thể hóa hướng dẫn hoạt động giám sát tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trong Luật Sửa đổi, bổ sung nhằm tạo tính pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện.

Tăng đại biểu chuyên trách các Ban HĐND

Và để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của HĐND nói riêng, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nói chung, Thường trực nhiều địa phương kiến nghị nghiên cứu tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và nên có quy định thống nhất để các địa phương thực hiện; cơ cấu, nhân sự đại biểu chuyên trách phải bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và kỹ năng hoạt động. Chức danh Trưởng các Ban của HĐND cần xem xét, cơ cấu vào cấp ủy cùng cấp để nâng cao vị thế, vai trò, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát; xây dựng quy hoạch các chức danh HĐND để bổ sung kịp thời khi có sự thay đổi nhân sự. Ngoài ra, việc bố trí cơ cấu đại biểu HĐND cũng cần lưu ý đến sự cân đối về trình độ chuyên môn giữa các lĩnh vực (kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế, dân tộc), tránh bố trí thiên về một lĩnh vực, bảo đảm HĐND thực hiện giám sát, thẩm tra có chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách các Ban HĐND các cấp theo hướng tăng cường số lượng ủy viên chuyên trách đối với các Ban HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo Ban chuyên trách đối với các Ban HĐND cấp huyện, xã. Cùng với đó, có quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu nhằm đề cao trách nhiệm, thắt chặt mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri. Quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, trình độ lý luận, kỹ năng hoạt động cho đại biểu. Đặc biệt là nhóm kỹ năng về phân tích chính sách, đánh giá hiệu quả chính sách và thiết kế, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát.

Một nội dung cũng cần được chú trọng nữa là kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc, nhất là bộ phận tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Thường trực, các Ban HĐND bảo đảm cả về chất và lượng. Quan tâm về chế độ chính sách, công tác cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đối với bộ phận tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Thường trực, các Ban HĐND.

Về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi thấy có vi phạm và chưa có quy định chế tài xử lý trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Vì vậy, Thường trực HĐND các địa phương đề nghị quy định cụ thể các chế tài bảo đảm hiệu lực giám sát và thực thi kết luận giám sát của HĐND để hoạt động giám sát có chất lượng hơn và kết luận, kiến nghị sau giám sát được thực thi nghiêm túc hơn. Nhất là trong giám sát chuyên đề, giám sát một số vụ việc nổi cộm, phức tạp mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu HĐND quan tâm, đặc biệt là trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp, liên thông giữa hoạt động giám sát của HĐND với Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.