Tiêu chuẩn, vị trí vai trò của đại biểu HĐND
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định tiêu chuẩn chung của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đó là: trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm...
Quyền, trách nhiệm của đại biểu HĐND được quy định rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương từ Điều 93 đến Điều 100 với những hoạt động rất cụ thể: tham dự kỳ họp, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; quyền chất vấn đối với những người đứng đầu chính quyền và các cơ quan tư pháp cùng cấp; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; Yêu cầu cung cấp thông tin và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết...
Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã khẳng định vị trí của Đại biểu HĐND đó là:
Thứ nhất, đại biểu HĐND đại diện cho ý chí nguyện vọng của Nhân dân ở cả hai cấp độ: tại đơn vị bầu cử và của Nhân dân ở địa phương. Đại biểu có trách nhiệm gắn bó chặt chẽ với Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đồng thời, đại biểu còn có trách nhiệm trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương, tương tác trong giám sát, đôn đốc để các cơ quan Nhà nước hoạt động tích cực, hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn, dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thông qua đó sẽ kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế để kiến nghị khắc phục trong thực thi chức năng nhiệm vụ của bộ máy chính quyền ở địa phương.
Thứ hai, đại biểu HĐND bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trên cơ sở bình đẳng của đơn vị bầu cử, tỷ lệ dân số, quyết định của cử tri qua phổ thông đầu phiếu đồng bộ trong phạm vi của cả nước.
Theo Luật định, đại biểu HĐND có vai trò như sau:
Một là, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân địa phương. Đây là vai trò quan trọng nhất và cốt yếu nhất đối với đại biểu HĐND thể hiện trên hai khía cạnh: đại diện cho ý chí nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị mình được bầu cử và đại diện cho Nhân dân ở địa bàn địa phương cấp mình; thể hiện vai trò để mọi quyết định của HĐND thực sự xuất phát từ lợi ích của người dân và vì lợi ích của địa phương.
Hai là, đại biểu HĐND các cấp là hạt nhân trong hoạt động của HĐND cùng cấp. Hoạt động của đại biểu chính là góp phần vào tổng thể hoạt động của toàn thể HĐND trên nền tảng pháp lý quy định. Chính vì vậy vai trò, hoạt động của đại biểu sẽ quyết định sự thành công, chất lượng của HĐND.
Về cơ cấu pháp lý quy định, thành phần có đại biểu chuyên trách, có đại biểu không chuyên trách, có đại biểu lãnh đạo quản lý và đại biểu không giữ chức vụ. Đại biểu chuyên trách là Thường trực, các Ban HĐND - là các cơ quan của HĐND cùng sự đồng hành tham mưu của Văn phòng, cơ quan thường trực có vai trò chủ lực trong tham mưu tổ chức các chương trình hoạt động của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp thông qua công tác chuẩn bị kỳ họp định kỳ và đột xuất, xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp...đặc biệt là trong công tác thẩm tra, đề xuất, lựa chọn nội dung chất vấn tại mỗi kỳ họp, lựa chọn nội dung giám sát, khảo sát phù hợp với thực tế yêu cầu trên cơ sở tổng hợp đề xuất của tất cả các đại biểu gửi đến cơ quan Thường trực của HĐND; chủ trì tổ chức các đoàn giám sát của HĐND và báo cáo kết quả với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Trọng trách của đại biểu chuyên trách là rất lớn, nhưng không có nghĩa là làm thay hay quyết định các vấn đề của HĐND. Đại biểu kiêm nhiệm cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng, ngoài việc thực hiện quy định dành ít nhất 1/3 thời gian cho các hoạt động của HĐND theo quy định, với góc độ đại diện cho cơ cấu ngành, lĩnh vực chuyên môn và vị trí công tác, đại biểu có vai trò nắm rõ quy định của pháp luật, tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách trên các lĩnh kinh tế - xã hội, Quốc phòng, an ninh đảm bảo tính phù hợp, đúng thẩm quyền quy định. Các đại biểu kiêm nhiệm, giữ chức vụ, quá trình hoạt động phải luôn xác định đảm bảo hoạt động công vụ, thực thi quyền lực Nhà nước bao gồm hoạt động của đại biểu HĐND, không tách rời việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, luôn xác định lợi ích vì Nhân dân, vì mục tiêu chung của sự phát triển của địa phương, không đặt lợi ích cá nhân, nhóm trong quá trình xây dựng, đề xuất chính sách, tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua.
Như vậy có thể thấy rằng, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã trao cho đại biểu HĐND thẩm quyền hết sức to lớn. Vấn đề đặt ra là mỗi đại biểu làm như thế nào để phát huy vai trò của mình, đảm bảo sự tín nhiệm của cử tri và hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao.
Để xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân
Để thực hiện quyền, nhiệm vụ cũng như khẳng định vị trí, vai trò của mình, đại biểu HĐND phải tham gia đầy đủ các Kỳ họp của HĐND, thảo luận có chất lượng và biểu quyết các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và nhiệm vụ của HĐND dự kiến. Đại biểu thực hiện quyền giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua các hoạt động như xem xét báo cáo công tác, tình hình thực thi pháp luật, dự thảo nghị quyết của HĐND, báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án, Viện kiểm sát và chi cục thi hành án cùng cấp; chất vấn và xem xét trả lời chất vấn của người đứng đầu chính quyền địa phương, các ngành tư pháp cùng cấp qua việc thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, cuộc họp thẩm tra của Ban nếu là thành viên… Đây là quyền hạn quan trọng nhất và khẳng định vai trò của đại biểu. Đại biểu hiện thực vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND tại kỳ họp và các cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề; biểu quyết quyết định nội dung chương trình giám sát, thành lập đoàn giám sát, tham gia các đoàn giám sát chuyên đề, đảm bảo việc góp phần phát hiện các vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong việc thực thi chính sách pháp luật của cơ quan chính quyền trên từng chuyên đề giám sát để kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện tốt hơn. Đồng thời đây cũng chính là sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của HĐND trong xây dựng chính quyền và thực hiện pháp luật.
Trách nhiệm của đại biểu còn được thể hiện thông qua việc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp nhằm thực hiện việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri để kiến nghị đề xuất các cấp thẩm quyền giải quyết; báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó. Ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Tham gia trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu HĐND và các chức vụ khác do HĐND bầu...Ngoài ra đại biểu HĐND có thể thực hiện một số hoạt động khác trên cơ sở quyền của người đại biểu HĐND theo quy định.
Như vậy, trên thực tế có thể khẳng định rằng hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đa số đại biểu HĐND. Việc tham gia ở đây không chỉ đơn thuần là sự có mặt để đồng thuận biểu quyết như cách nghĩ phiến diện của một số ít cá nhân đối với hoạt động dân cử, mà là trên cơ sở quy định của Luật, đại biểu tham gia với sự chủ động tích lũy về kiến thức kỹ năng hoạt động, nắm bắt tình hình, nghiên cứu kỹ chính sách pháp luật. Từ đó các đại biểu thực hiện chức năng nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò trọng trách của mình trên cơ sở quy định của Pháp luật và mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Dù là đại biểu chuyên trách hay đại biểm kiêm nhiệm, đại biểu giữ chức vụ hay không giữ chức vụ thì về bản chất quyền hạn của đại biểu không bị chi phối, ảnh hưởng trong hoạt động của đại biểu. Quyền biểu quyết cá nhân từng đại biểu là thẩm quyền quan trọng nhất, là cơ sở để hình thành nên mọi quyết định của HĐND, thực thi quyền và trách nhiệm của đại biểu là như nhau, để đảm bảo khẳng định vai trò vị trí của mình. Mục tiêu chung đó là thực hiện tốt vai trò đại diện của cơ quan dân cử, của đại biểu dân cử để góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng, quyết định chính sách và tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND đều rất quan trọng, là một quá trình hoàn thiện hoạt động của HĐND trong bất kỳ giai đoạn nào của bất kỳ địa phương nào. Và việc quyết định chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc vào việc hiện thực hóa vai trò, trách nhiệm của mỗi đại biểu mà Nhân dân đã tín nhiệm bầu ra và gửi gắm trọn vẹn niềm tin./.
Hà Phương