Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hộ tịch, ngành Tư pháp Nghệ An đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh và cơ sở dữ liệu hộ tịch lịch sử toàn quốc. Các bộ ngành địa phương có thể lấy thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khắc phục được tình trạng không thống nhất về thông tin cá nhân trên nhiều loại hồ sơ, giấy tờ khác nhau. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Hoan cho biết: Các sổ hộ tịch từ những năm 1990 trở về trước chỗ thì thất lạc, chỗ thì rách nát, chỗ thì không đọc được thông tin mà các dữ liệu này chúng ta sử dụng hàng ngày để phục vụ cho công dân. Vì vậy việc số hóa sổ hộ tịch sẽ đảm bảo cho công tác lưu trữ vĩnh viễn để cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để dùng chung.

Tại huyện Thanh Chương, hiện 100% thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện đều được thực hiện ở mức độ 2 và 3. UBND cấp huyện và xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT - Office có hiệu quả, đồng thời áp dụng chữ ký số từ huyện đến xã. Hiện huyện đang phấn đấu 100% các thông tin liên quan đến báo cáo, thống kê về kinh tế - xã hội (không bao gồm nội dung mật) được kết nối, tích hợp, chia sẻ trên hệ thống Cổng thông tin báo cáo Quốc gia. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - đồng chí Trình Văn Nhã cho biết: Huyện tập trung cải cách hành chính đẩy nhanh tiến độ xử lý các thủ tục hành chính. Để làm điều đó, Huyện đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và hiện nay tất cả hệ thống xử lý văn bản được thực hiện trên môi trường mạng; triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhất là mức độ 3, mức độ 4 và chữ ký số trên toàn huyện. Chủ tịch UBND huyện giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin báo cáo kết quả việc sử dụng chữ ký số, định kỳ 3 tháng, UBND huyện tổ chức khen thưởng các đơn vị triển khai tốt để khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân.

bna_27293654_2532022.jpg
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An

Với tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số là để giúp cấp ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên trong Khối có nhận thức sâu sắc, toàn diện về chuyển đổi số để kịp thời có các hành động thiết thực, đột phá và hiệu quả hơn góp phần vào quá trình chuyển đổi số chung của tỉnh nhà. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối khẳng định: Chuyển đổi số là quá trình khách quan, mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Quốc gia nào, địa phương nào nắm bắt được cơ hội thì sẽ thành công. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn Đảng bộ Khối sẽ là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trong các cơ quan cấp tỉnh. Đối với Đảng ủy Khối, xác định quyết liệt trong lãnh đạo và thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng đảm bảo quy định. Thực hiện ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chuyên môn, chỉ đạo sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ chuyên đề về nội dung này. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong chỉ đạo điều hành, thông tin, báo cáo, cập nhật sao lưu dữ liệu, quản lý cán bộ đảng viên. Kiểm tra đánh giá chuẩn hóa và số hóa các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số đảm bảo liên thông thông suốt giữa Đảng ủy Khối với các đảng ủy, chi bộ trực thuộc. Với hội nghị “Chuyển đổi số - từ nhận thức đến hành động”, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về chuyển đổi số, từ đó xác định lộ trình riêng, thích hợp với mình.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay công tác chuyển đổi số ở Nghệ An đã đạt được một số kết quả tích cực. Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên hệ thống 1.833 dịch vụ công, trong đó có 1.160 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành; 21 huyện, thành, thị và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành triển khai việc thực hiện chữ ký số. Với triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các thủ tục hành chính được công khai minh bạch giảm thời gian và chi phí thực hiện, chỉ số quản trị hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện qua từng năm.

Tuy nhiên, Nghệ An có 5 huyện vùng núi cao có 76 xã vùng đặc biệt khó khăn nên việc số hóa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, đến thời điểm này, tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4 chưa nhiều, việc triển khai xây dựng, ứng dụng các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, Nghệ An hiện coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, trong đó lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phục hồi sản xuất, kinh doanh nâng cao nguồn nhân lực đầu tư hạ tầng số. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu số sẽ làm đổi mới toàn diện hoạt động điều hành và thực thi công vụ của các cơ quan Nhà nước.

Năm 2022 là thời điểm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chuẩn bị ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tập trung các nguồn lực để sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu đó các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ của công tác chuyển đổi số, triển khai kế hoạch chuyển đổ số phù hợp, trong đó nhấn mạnh tạo điều kiện để người dân có điều kiện tiếp cận và khai thác dịch vụ công mức độ cao.

Thanh Lê