Lắng nghe những yêu cầu từ thực tiễn, nhận diện rõ vấn đề, cùng với tinh thần trách nhiệm cao, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức 05 phiên giải trình. Phiên giải trình thứ 6 vừa qua một lần nữa đã thực sự trở thành diễn đàn làm sáng tỏ một vấn đề đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ thể liên quan, đó là việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Với kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, quy mô nền kinh tế của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, năm 2023 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Cùng với đó, doanh nghiệp và thị trường lao động của tỉnh phát triển đáng kể. Nghệ An có lực lượng lao động dồi dào với khoảng 1,9 triệu lao động, chiếm 57,1% tổng dân số của tỉnh. Để mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vận hành, lớn mạnh thì yếu tố con người, nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. An toàn, vệ sinh lao động là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho người lao động, nguồn nhân lực được phát huy. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, mặc dù số vụ tai nạn lao động đã giảm nhiều so với giai đoạn trước đây song còn diễn biến phức tạp, năm 2023 có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã diễn ra, gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó không thể không kể đến vụ việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (nằm trong Khu công nghiệp Nam Cấm). Đến nay, đã có 5 công nhân tử vong, 71 công nhân phát hiện đang mắc bệnh phổi silic. Trước tình hình đó, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Việc chuẩn bị cho phiên giải trình được tiến hành kỹ lưỡng. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, phân công Ban phụ trách lĩnh vực khảo sát thực tế; các đại biểu chuyên trách nghiên cứu báo cáo, tài liệu để có đánh giá mọi mặt của vấn đề và dự kiến những nội dung cần làm rõ. Trực tiếp nắm bắt vấn đề; nghiên cứu quy định pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng; xem xét việc triển khai, thực thi của chủ thể đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về công tác này.
Từ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sự trăn trở trước vấn đề đặt ra, phiên giải trình đã làm rõ sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể liên quan; ý thức cũng như sự nghiêm túc chấp hành của các chủ thể trong quan hệ lao động đối với yêu cầu đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Qua điều hành của chủ tọa, đánh giá của Ban chuyên trách, phát biểu của đại biểu và phần giải trình của cơ quan, người có thẩm quyền đã phản ánh thực trạng mặc dù hệ thống quy định, quy chuẩn, hướng dẫn đã được ban hành, công tác tuyên truyền cũng được triển khai dày dặn song nhận thức, ý thức về lĩnh vực này còn rất hạn chế, thậm chí là mang tính đối phó, hình thức. Hạn chế này rõ nét ở khối doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp FDI. Công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ tiến hành được khoảng 2%/tổng số doanh nghiệp, đơn vị và xử phạt 23 doanh nghiệp/1000 cơ sở được thanh tra, kiểm tra; trong đó, xử phạt vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động chỉ có 8 đơn vị. Việc đã đeo bám, theo dõi đến cùng kết quả thực hiện quyết định thanh tra, kiểm tra hay chưa cũng được đặt ra, khi mà trong đó có yêu cầu xử lý người lao động vi phạm để cảnh báo, răn đe thuộc về trách nhiệm của người sử dụng lao động. Hoạt động của mạng lưới, đội ngũ an toàn, vệ sinh viên theo thừa nhận của đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh là còn rất hạn chế. Hiệu quả công tác bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với những bất cập, hạn chế trong triển khai các quy định pháp luật thì việc nhận diện, cảnh bảo nguy cơ, phát hiện vi phạm có lúc, có nơi chưa kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù khá đồ sộ nhưng có những nội dung quy định pháp luật, hướng dẫn thực hiện chưa bao phủ hết, trong khi đó sự vào cuộc, phối hợp của cơ quan chức năng chưa chủ động, chưa chặt chẽ đã tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý như việc quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động...và cả vướng mắc, khó khăn khi xử lý các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở một số đơn vị.
Rõ ràng, chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động là để bảo vệ người lao động, để quá trình lao động diễn ra thông suốt, không bị đứt gãy, đồng thời không tạo ra áp lực, gánh nặng cho xã hội, tuy nhiên, ngay bản thân người lao động cũng chưa ý thức sâu sắc, chưa nghiêm chỉnh chấp hành. Chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại và nâng cao trách nhiệm trong công tác này là điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức đoàn thể cần phải quan tâm. Có những vấn đề cần nguồn lực đầu tư và thời gian như thay thế máy móc thiết bị, công nghệ cũ, lạc hậu nhưng cũng có những vấn đề chỉ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, sự đeo bám quyết liệt.
Sau phiên giải trình, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ban hành thông báo kết luận. Các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ theo dõi việc thực hiện. Từ chọn đúng vấn đề, chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức tổ chức khoa học, hiệu quả và cuối cùng là theo đuổi, đeo bám sự việc, tin tưởng rằng nội dung đã giải trình, đã làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại, có sự chuyển biến, đạt kết quả tích cực./.