Với sự ban hành Nghị quyết hướng dẫn số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể nói, việc ban hành và triển khai chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân thêm một bước được chuẩn hóa về quy trình, đảm bảo tính chặt chẽ, hệ thống, từ đó phát huy hơn hiệu lực, hiệu quả.
Trước hết, chương trình giám sát đã gắn với tất cả các chủ thể trong bộ máy Hội đồng nhân dân, bao gồm: Hội đồng nhân dân, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trước đây, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân mới chỉ đề cập đến chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân. Điều này có ý nghĩa cần thiết vì Luật đã khẳng định giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân được bảo đảm bằng hiệu quả giám sát của các chủ thể này. Mặt khác, một hoạt động nếu xuất phát từ chương trình, kế hoạch thì sẽ được định hướng để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu; tạo sự chủ động cho các chủ thể liên quan; khoa học, hiệu quả khi triển khai và có cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện.
Quá trình đề nghị, quyết định, triển khai, báo cáo kết quả, theo dõi, xem xét việc thực hiện và công khai kết quả thực hiện các nội dung trong chương trình giám sát đã được quy định chi tiết thành một chu trình khép kín.
Nghị quyết quy định việc đề nghị chương trình giám sát được lập thành hồ sơ, trong đó đề xuất nội dung giám sát chuyên đề phải bảo đảm sự chặt chẽ, có cơ sở từ tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề đã thực hiện trong 02 năm trước thời điểm đề xuất. Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát cũng được quy định rõ gồm 05 tiêu chí cứng, 01 tiêu chí mềm phù hợp với yêu cầu giám sát và thực tiễn của địa phương. Sau khi chương trình giám sát được thông qua, kế hoạch thực hiện được quy định cụ thể hơn về thời điểm ban hành, nội dung, yêu cầu tích hợp vào chương trình, kế hoạch công tác; lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm.
Trách nhiệm thực hiện yêu cầu giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát được đề cập chi tiết, đầy đủ, có sức nặng hơn; phải giải trình về việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Cùng với đó, cơ quan, đại biểu Hội đồng nhân dân phải tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện với tinh thần chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc. Chế độ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân và Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo các mốc thời gian cụ thể: chậm nhất là ngày 30 tháng 3 và 30 tháng 8 hằng năm. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm phải gồm các nội dung: đánh giá kết quả đạt được; mức độ hoàn thành; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đề xuất, kiến nghị.
Việc xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát được thực hiện ở 02 cấp độ: thứ nhất là Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu, sau đó ban hành kết luận nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện, biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận; thứ hai là Hội đồng nhân dân xem xét, ban hành nghị quyết hoặc kết luận về vấn đề này trên cơ sở báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân. Kết quả thực hiện được công khai sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề Hội đồng nhân dân đã kết luận, quyết nghị.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn quy định nguyên tắc riêng đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân từ những nguyên tắc chung của hoạt động giám sát đã quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trong đó yêu cầu đặt ra là hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên; báo cáo kết quả giám sát kịp thời và đúng thời hạn; chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.
Quá trình nghiên cứu, triển khai Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đồng thời cho thấy có một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chương trình giám sát cần tiếp tục có sự nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Thứ nhất, chương trình giám sát hằng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân được xem xét, quyết định vào cuối năm trước, do đó, việc báo cáo kết quả thực hiện chương trình với Hội đồng nhân dân nên quy định vào kỳ họp cuối năm của năm sau thay vì kỳ họp giữa năm của năm sau như quy định hiện hành. Thứ hai, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề sau đó mới xin ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, tuy nhiên để đúng với vai trò vị trí các chủ thể thì quy trình này nên đảo ngược.
Đối với Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, nhiều nội dung liên quan hoạt động giám sát được thể chế hóa thành quy định của pháp luật, trên thực tế đã triển khai hiệu quả thời gian qua. Hiện nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đang chỉ đạo để tiếp tục trình Hội đồng nhân dân và tổ chức thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn nhằm không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp, khoa học, hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, nhiều địa phương bạn có những cách làm hay trong hoạt động này nên được nghiên cứu, tham khảo. Đó là báo cáo giám sát được gửi đến Thường trực Tỉnh ủy, cơ quan liên quan (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ) để theo dõi quá trình thực thi công vụ của các cơ quan, cá nhân liên quan. Hội đồng nhân dân cấp trên định hướng một số nội dung trọng tâm trong chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân cấp dưới. Ngoài phân công, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh định hướng, gợi ý những nội dung cụ thể để Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể thực hiện giám sát chuyên đề như: kết quả thực hiện lời hứa khi giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, kéo dài; việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhất là về chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; việc thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân như đất đai, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội...
Với các cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm của cơ quan, đại biểu dân cử, hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung cũng như hoạt động giám sát nói riêng sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, niềm tin và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân./.