Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh được thực hiện ở các bước:

Thứ nhất, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức

Khi thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan đối với đề nghị xây dựng nghị quyết (trong trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) dự thảo văn bản và có trách nhiệm giải trình về việc tiếp thu các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức đối với đề nghị xây dựng nghị quyết, dự thảo văn bản trước cơ quan thẩm định dự thảo văn bản.

Thực tế cho thấy, việc giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức được thể hiện bằng hình thức lập “Báo cáo tổng hợp, giải trình về các ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản”. Theo đó, những nội dung, ý kiến góp ý được cơ quan soạn thảo tiếp thu thì cơ quan soạn thảo sẽ giải trình là “thống nhất với nội dung/ý kiến góp ý”, và những nội dung mà cơ quan soạn thảo không tiếp thu thì cơ quan soạn thảo sẽ giải trình là không tiếp thu và nêu lý do không tiếp thu.

Thứ hai, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với việc tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tại khoản 5 Điều 115 quy định: “Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý đề nghị xây dựng nghị quyết và đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo đề nghị xây dựng nghị quyết đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dự thảo nghị quyết”, khoản 5 Điều 121 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 36 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020) quy định: “Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết và đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình Ủy ban nhân dân dự thảo nghị quyết.”

Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp sẽ thể hiện rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về việc dự thảo văn bản đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện để trình UBND.

Đối với những dự thảo văn bản chưa nhận được sự đồng thuận của Sở Tư pháp, mà theo Báo cáo thẩm định của cơ quan thẩm định còn có ý kiến góp ý/phản biện về nội dung của dự thảo văn bản, thì cơ quan soạn thảo phải thực hiện việc giải trình đối với các nội dung được nêu ra tại Báo cáo thẩm định. Tại một số địa phương, để đảm bảo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Quy chế sẽ quy định rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo đối với cơ quan thẩm định về việc thực hiện Báo cáo thẩm định, và sẽ có sự giám sát, kiểm soát của Văn phòng UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo đối với cơ quan thẩm định. Một số trường hợp, nếu cơ quan soạn thảo không thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình UBND cấp tỉnh không đảm bảo tính thống nhất theo ý kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định thì Văn phòng UBND tỉnh cấp tỉnh có quyền “trả hồ sơ” cho cơ quan soạn thảo để nghiên cứu, hoàn chỉnh lại.

Thứ ba, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hoặc cơ quan thẩm định đối với những vấn đề có liên quan trong dự thảo văn bản, quá trình xây dựng dự thảo văn bản trước UBND cấp tỉnh khi UBND cấp tỉnh xem xét, thảo luận tập thể và biểu quyết để quyết định việc trình dự thảo nghị quyết ra Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc UBND cấp tỉnh thảo luận, biểu quyết thông qua dự thảo quyết định

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định cụ thể nội dung này, mà thực tế trong quá trình “xem xét, thảo luận tập thể và biểu quyết để quyết định việc trình dự thảo nghị quyết ra Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc xem xét, thảo luận tập thể và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định” để làm rõ những vấn đề có liên quan trong dự thảo văn bản, quá trình xây dựng dự thảo văn bản cũng như đảm bảo tính đồng thuận trước khi UBND cấp tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo văn bản, thì các ủy viên UBND cấp tỉnh hoặc thành viên được mời tham dự cuộc họp (chẳng hạn như đại diện cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Ban của HĐND cùng cấp,..) sẽ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc cơ quan thẩm định giải trình về một số vấn đề có liên quan.

Thứ tư, trách nhiệm giải trình của UBND cấp tỉnh đối với những vấn đề có liên quan trong dự thảo nghị quyết, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết trước Ban của HĐND cùng cấp được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND do UBND trình và trước đại biểu HĐND cùng cấp tại kỳ họp của HĐND cùng cấp

Theo quy định tại Điều 124 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý của cơ quan chủ trì thẩm tra đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định cụ thể trách nhiệm giải trình của UBND cấp tỉnh đối với những vấn đề có liên quan trong dự thảo nghị quyết, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết trước Ban của HĐND cùng cấp được phân công thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND do UBND trình và trước đại biểu HĐND cùng cấp tại kỳ họp của HĐND cùng cấp. Trong thực tế, việc thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND sẽ được thực hiện bằng hình thức tổ chức họp thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết của HĐND, Ban của HĐND sẽ đề nghị đại diện UBND cấp tỉnh hoặc người được UBND tỉnh ủy quyền, phân công tham dự cuộc họp thẩm tra giải trình để làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung thẩm tra. Tại kỳ họp của HĐND, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết do Ban của HĐND báo cáo thì đại biểu HĐND có thể yêu cầu UBND cấp tỉnh giải trình đối với những vấn đề có liên quan trong dự thảo nghị quyết, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình.

Như vậy, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thì các cơ quan nhà nước cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Quế Thị Trâm Ngọc

Phó Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh