DSC04365.JPG
Đồng chí Trương Văn Thiền, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên phát biểu tham luận

Hội đồng nhân dân huyện Hưng Nguyên nhiệm kỳ 2021 - 2026 hiện nay có 32 đại biểu được chia thành 03 tổ đại biểu tại địa bàn 18 xã, thị trấn. Thường trực HĐND huyện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm có 04 người, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên là Trưởng các Ban HĐND huyện. Mỗi Ban của HĐND huyện có 05 thành viên, trong đó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách và các thành viên còn lại hoạt động kiêm nhiệm.

Thưa các đồng chí!

Như chúng ta đã biết, các chức năng cơ bản của HĐND các cấp gồm: quyết định, giám sát và đại diện cho Nhân dân. Trong khuôn khổ của chủ đề Hội nghị hôm nay, chúng tôi xin trao đổi về việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND huyện.

Giám sát của HĐND huyện bao gồm: giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và giám sát của các đại biểu HĐND. Hoạt động giám sát được tổ chức tại các kỳ họp HĐND và giữa hai kỳ họp HĐND.

Kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu của HĐND huyện, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND huyện đã tổ chức 08 kỳ họp (gồm 04 kỳ họp thường lệ và 04 kỳ họp chuyên đề). Tại các kỳ họp, HĐND huyện đã tiến hành xem xét, thảo luận nội dung các báo cáo của Thường trực, các Ban HĐND, UBND và các ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự huyện và các báo cáo khác. Tại các kỳ họp thường lệ đều có phiên thảo luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND chính là kết quả của việc giám sát qua báo cáo kết hợp với quá trình giám sát thực tế của đại biểu tại các địa phương và trên các lĩnh vực công tác.

Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn cũng là một hoạt động giám sát, phản ánh trách nhiệm của đại biểu HĐND, trách nhiệm của UBND huyện và trưởng các phòng, ngành trên từng lĩnh vực quản lý. Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn thường chiếm gần 1/3 thời gian của mỗi kỳ họp thường lệ và luôn là một nội dung thu hút sự quan tâm theo dõi và giám sát của đông đảo cử tri, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Trung bình mỗi kỳ họp thường lệ của HĐND huyện có từ 2 - 3 nội dung chất vấn với từ 12 - 15 ý kiến chất vấn. Nội dung chất vấn đề cập đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, có tính thời sự, được cử tri và công dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần. Thái độ chất vấn đúng mực, thẳng thắn và kiên quyết đi đến làm rõ trách nhiệm và hướng giải quyết của các cơ quan hữu quan. Hầu hết các ý kiến chất vấn đều được các lãnh đạo ngành tiếp thu, trả lời rõ ràng, gắn trách nhiệm và thời hạn giải quyết. Sau kỳ họp, Thường trực HĐND huyện ban hành Kết luận của Chủ tọa phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn. Các Ban của HĐND huyện theo chức năng nhiệm vụ tiến hành theo dõi, đôn đốc, giám sát thường xuyên việc thực hiện Kết luận của Chủ tọa phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn. Nhờ vậy, đã giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề nổi lên, được cử tri và dư luận quan tâm. Nhìn chung, trong thời gian qua, quyền chất vấn của đại biểu HĐND huyện tiếp tục được phát huy, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chuyên môn được nâng lên rõ rệt.

Việc tổ chức giám sát chuyên đề được tiến hành theo kế hoạch, tạo sự chủ động cho Thường trực, các Ban và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động giám sát. Khi triển khai có sự điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Ban nên hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung và thời điểm thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, các Ban HĐND huyện đã tổ chức giám sát 10 chuyên đề, trong đó Thường trực HĐND huyện giám sát 04 chuyên đề, các Ban HĐND huyện mỗi ban giám sát 03 chuyên đề. Các đoàn giám sát của HĐND huyện đã tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện; những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm, như: xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách, quản lý đất đai, môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác khám, chữa bệnh, thực hiện chính sách với người có công… Việc tổ chức giám sát đảm bảo quy định của pháp luật. Kết quả giám sát được báo cáo trực tiếp tại kỳ họp HĐND huyện, trong đó nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và kiến nghị đối với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để có biện pháp giải quyết, khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành. Các báo cáo giám sát đã cung cấp thông tin hữu ích giúp đại biểu HĐND có cơ sở để thảo luận và quyết định các vấn đề, biểu quyết thông qua các nghị quyết. Các kết luận, kiến nghị trong báo cáo giám sát được đôn đốc, theo dõi thực hiện. Các cấp, các ngành, các địa phương đã có sự phối hợp khá chặt chẽ trong quá trình giám sát và thực hiện kiến nghị qua giám sát.

Việc giám sát, xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp trong những năm qua đã được Thường trực và các Ban HĐND huyện tiến hành thường xuyên, tuy nhiên đến nay chưa có sai phạm, phát hiện liên quan…

Thưa quý vị đại biểu!

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực, các Ban của HĐND huyện cũng nhìn nhận khách quan rằng vẫn còn những vấn đề đặt ra trong công tác giám sát, cần quan tâm để có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đó là:

- Hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đối với đại biểu chưa rõ nét, theo đúng trình tự; hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp tuy sôi nổi nhưng số lượng đại biểu đăng ký chất vấn còn ít. Một số đại biểu kiêm nhiệm, có chức danh lãnh đạo ít khi tham gia chất vấn. Phần trả lời chất vấn có khi còn thiếu cụ thể, thiếu giải pháp và thời hạn khắc phục. Sự phối hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành chưa thật chặt chẽ. Do vậy, hiệu quả chất vấn có lúc chưa đạt như mong muốn.

- Sự tham gia của các đại biểu kiêm nhiệm trong giám sát chuyên đề của các Ban HĐND huyện còn hạn chế. Hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu về việc thi hành pháp luật ở địa phương, thực hiện nghị quyết của HĐND huyện còn hạn chế.

- Số lượng, quy mô và phạm vi giám sát của Thường trực và các Ban HĐND huyện tuy có tăng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhất là việc giám sát thực hiện những vấn đề lớn, phát sinh, cần giải quyết ngay có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Phương thức giám sát còn rập khuôn, ít có sự đổi mới. Giám sát ở cơ sở chủ yếu vẫn nghe trình bày báo, ít chất vấn, tranh luận nên kết quả giám sát chưa thật sâu sắc.

- Việc thực hiện kiến nghị sau giám sát và việc thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời, hiệu quả.

Từ những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát trong thời gian qua của HĐND huyện Hưng Nguyên, chúng tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Lựa chọn nội dung giám sát. Việc lựa chọn nội dung giám sát có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát, nội dung giám sát phải thiết thực phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm; được các cấp, các ngành và dư luận xã hội quan tâm.

Việc lựa chọn nội dung giám sát phải trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề dễ nảy sinh phức tạp, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải, có thể kết hợp nhiều nội dung có liên quan vào một đợt giám sát, khảo sát, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan giám sát, nhằm phát huy tốt vai trò đại diện của nhân dân.

Thứ hai: Công tác chuẩn bị. Xây dựng và ban hành chương trình giám sát năm của Thường trực, các Ban HĐND, các Tổ Đại biểu HĐND cần chú ý đến việc sắp xếp thời gian, đơn vị, địa điểm sao cho hợp lý, khoa học, tránh chồng chéo, trùng lắp. Kế hoạch, đề cương giám sát phải được xây dựng thật cụ thể, chi tiết; xác định mốc thời gian báo cáo, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu và gửi đến cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, Thường trực, các Ban HĐND xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị, thời gian giám sát và các dự án, công trình, mô hình,...cần phải thẩm tra, kiểm tra thực tế. Nếu xét thấy báo cáo không đảm bảo yêu cầu theo đề cương giám sát cần đề nghị đơn vị báo cáo bổ sung hoặc xây dựng lại báo cáo theo đúng yêu cầu đặt ra.

Thành phần đoàn giám sát phải tinh gọn, có sự tham gia đầy đủ của đại biểu HĐND có chuyên môn và đại biểu HĐND ứng cử trên địa bàn nơi đoàn đến giám sát. Ngoài ra tùy theo từng nội dung giám sát, khảo sát cụ thể, thành phần đoàn có thể mời đại diện một số ngành, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu sâu về nội dung giám sát cùng tham gia.

Thứ ba: Tổ chức giám sát. Các thành viên Đoàn giám sát phải nghiên cứu tập hợp đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung giám sát, bao gồm các quy định của Trung ương, các Nghị quyết của HĐND, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện của UBND. Việc giám sát không chỉ là kiểm tra mà mục đích chính là để xem xét, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những vấn đề còn vướng mắc, những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng và nguyên nhân (khách quan, chủ quan), trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động giám sát để rút ra những kết luận và có những kiến nghị xác đáng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn hoặc điều chỉnh, bổ sung những quy định cho phù hợp, nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Thứ tư: Sau khi kết thúc giám sát. Hiệu quả giám sát của HĐND thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị của HĐND được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. Do vậy, hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban HĐND phải được quan tâm và giám sát thường xuyên, đồng thời theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan chỉ đạo, triển khai thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát đảm bảo kịp thời, hiệu quả và phải báo cáo kết quả thực hiện, xử lý, giải quyết đến HĐND.

Từ thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND huyện những năm qua, Chúng tôi xin nêu một số giải pháp để các các đại biểu cùng nhau thảo luận nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp:

Một là, thực hiện tốt công tác nhân sự, cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, khuyến khích đại biểu tái cử. Đảm bảo hợp lý tỷ lệ đại biểu ở các cơ quan chính quyền và đại biểu công tác ở các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp theo hướng giảm số đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp.

Hiện nay, Trưởng các Ban HĐND tại một số huyện đang hoạt động kiêm nhiệm. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 thì chức danh Trưởng các Ban HĐND huyện là đại biểu HĐND huyện có thể hoạt động chuyên trách. Do đó, trong công tác cán bộ nhiệm kỳ tới đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, chỉ đạo để Trưởng các Ban HĐND huyện là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Hai là, nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND. Cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức không ngừng để nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp. Đại biểu HĐND cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng giám sát; đại biểu kiêm nhiệm cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát.

Ba là, không ngừng đổi mới hình thức, phương thức giám sát đảm bảo thực chất, hiệu quả hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình giám sát phải tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật; phải đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, từ việc đề xuất lựa chọn nội dung giám sát đến việc tổ chức Đoàn giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai. Trường hợp cần thiết có thể mời chuyên gia tham gia đoàn giám sát hoặc tranh thủ ý kiến của những người có am hiểu sâu, rộng lĩnh vực giám sát để nâng cao chất lượng giám sát.

Bốn là, công tác hậu giám sát. Hiệu quả giám sát của HĐND thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị qua giám sát được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. Việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát là rất cần thiết. Việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và cơ quan, đơn vị thực hiện phải báo cáo kết quả thực hiện đến HĐND theo quy định.

Năm là, tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQVN các cấp và các đoàn thể trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện cho đại biểu HĐND trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND; qua đó đại biểu rèn luyện kỹ năng thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, nâng cao năng lực giám sát.

Sáu là, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy giúp việc cho HĐND cấp huyện. Bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện cần được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; bố trí đủ số lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo và phân tán nguồn lực; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tham mưu, giúp việc; bố trí hợp lý các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám sát.