131220221222-p1410226.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có diện tích tự nhiên 13.745km2, chiếm 83% diện tích của tỉnh), dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh); đồng bào dân tộc thiểu số gần 500 ngàn người, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 40% dân số trên địa bàn miền núi; có 24 xã biên giới với 131 xã thuộc khu vực I, III và 588 thôn đặc biệt khó khăn. Do đó, việc triển khai thực hiện đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia) với các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai các cơ chế chính sách, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện các Chương trình. HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn; hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nghị quyết về phân bổ vốn, kế hoạch đầu tư công cũng như triển khai giao vốn sự nghiệp cho các đơn vị.

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh; ban hành kế hoạch cụ thể về triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, danh mục đầu tư giai đoạn 2021- 2025 chi tiết đến các danh mục dự án theo lĩnh vực… Các Sở, ban, ngành chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định.

Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện thành lập 10/12 Ban Chỉ đạo, 09/12 Tổ công tác các Chương trình mục tiêu quốc gia và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác cấp huyện; UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã rà soát kiện toàn, thành lập 99 Ban quản lý cấp xã, 94 Ban giám sát cộng đồng đảm bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghệ An, còn có một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

Một là, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới các cấp độ của giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung, chỉ tiêu mới và yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, việc làm rõ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn trong một số văn bản của một số Bộ, ngành còn chậm và thiếu, làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo triển khai, nhiều địa phương vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình với nhiều nội dung (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư) nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện (08 sở, ngành và 12 huyện, thị xã). Mặc dù hiện nay đã có 112 văn bản hướng dẫn của Trung ương và các Bộ, ngành (31 văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách, 81 văn bản chỉ đạo điều hành) nhưng ban hành chậm; một số văn bản thiếu tính kế thừa, một số nội dung chưa quy định rõ, hướng dẫn chưa phù hợp, khó thực hiện.

Hai là, căn cứ các tiêu chí, Uỷ ban Dân tộc đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, xác định danh sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ để triển khai nội dung Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tuy nhiên trong quá trình rà soát triển khai tại các địa phương vẫn còn vướng mắc, bất cập cần xây dựng tiêu chí xác định thôn, bản tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù và tháo gỡ khó khăn trong triển khai nội dung Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình.

Ba là, ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương chậm và mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 28/5/2022, nên quỹ thời gian thực hiện của năm không còn nhiều, gây áp lực đối với công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp.

Bốn là, nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực mới chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên cơ sở thực tế của việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm, vì vậy dẫn đến việc nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương không phù hợp và khó đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh phí hàng năm của địa phương.

qp.jpg
Một góc thị trấn Kim Sơn của huyện Quế Phong, Nghệ An

Năm là, chưa có định mức đất sản xuất/hộ làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất; chưa có định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, định mức tối đa của nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện công trình nước sinh hoạt tập trung; một số địa phương khó khăn khi không còn quỹ đất để cấp cho các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất (dự án 1). Đối với dự án 3: tiểu dự án 1 có 06 nội dung hỗ trợ, tuy nhiên, năm 2022 dự kiến chỉ thực hiện được 02 nội dung.

Sáu là, với những tỉnh có địa hình miền núi chiếm đa số và còn nhiều khó khăn như Nghệ An, việc phát huy nội lực thực sự rất hạn chế. Theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện. Đối với những dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, việc huy động sự đóng góp của người dân, kể cả bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động đều rất khó khăn, ngân sách nhà nước có thể phải hỗ trợ đủ 100% tổng mức đầu tư. Đây cũng là áp lực của tỉnh trong cân đối nguồn lực ngân sách địa phương, đồng nghĩa với khó thực hiện cơ chế huy động sự đóng góp của cộng đồng Nhân dân.

Từ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, tham luận kiến nghị Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt định mức hỗ trợ nguồn ngân sách Trung ương đối với một số nội dung của Chương trình: định mức diện tích đất sản xuất; định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất.

Thứ hai, đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngoài các chính sách đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, đối với Nhân dân các xã, các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được thụ hưởng một số chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, việc làm,...

- Phê duyệt các thôn, bản (không thuộc diện đặc biệt khó khăn và của các xã khu vực I, II, III) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 cũng như xây dựng, hoạch định các chính sách của địa phương, nhằm phát triển tổng thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

- Sớm ban hành tài liệu, bài giảng khung của các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức dân tộc để địa phương triển khai thực hiện.

- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, đặc biệt cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; một số cơ sở y tế, trường học xuống cấp, hư hỏng hoặc trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nhưng chậm được khắc phục. Đề nghị ưu tiên bố trí cho tỉnh Nghệ An từ các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế ADB..., vốn viện trợ không hoàn lại để tỉnh có thêm nguồn lực để hạn chế, khắc phục những yếu kém nói trên.

Thứ ba, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để các địa phương có căn cứ triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ , đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn đối với các đối tượng đã thực hiện việc bảo vệ rừng một cách liên tục từ trước, hiện nay có tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định rừng tự nhiên được Nhà nước giao cho các chủ rừng là tổ chức quản lý, bảo vệ và đang được hưởng nguồn từ ngân sách cấp hàng năm hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (được quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thứ năm, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn đối với việc lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoản 4, điều 10, Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định “Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha”; việc lập hồ sơ do đơn vị sử dụng ngân sách tự thực hiện hay phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện.

Thứ sáu, đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn việc ban hành quy định về định mức đất ở, đất sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, cơ sở để địa phương ban hành văn bản quy định định mức ở, đất sản xuất cho mỗi hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc trên địa bàn tỉnh.