Một trong những vấn đề khó khăn mà ngành giáo dục đã và đang phải đối mặt đó là tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đã xảy ra một số địa phương. Qua báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”, cũng cho thấy, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên dạy ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Ngoài ra, cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới.

Thừa - thiếu giáo viên cục bộ là vấn đề không mới. Thực trạng này đã được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua. Hiện số lượng giáo viên phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng được định mức theo quy định: cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên; thừa cục bộ 5.091 giáo viên.

Theo Quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, với nguồn nhân lực giáo viên như hiện tại thì số lượng biên chế được bổ sung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu còn thiếu theo định mức. Thực tế cũng cho thấy, định mức giáo viên hiện nay là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đây cũng chính là nút thắt lớn cần tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của học sinh, của giáo viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đó là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhiều môn học mới vẫn chưa có giáo viên. Trong khi đó, các địa phương vẫn còn khó khăn trong việc bồi dưỡng, đào tạo và tuyển dụng giáo viên ở những môn học mới. Ngoài ra, dân số gia tăng cơ học, gia tăng ở những thành phố lớn, khu công nghiệp, cùng với việc thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nên ở một số địa phương tập trung mật độ dân cư lớn thì số lượng trẻ mầm non và tiểu học cũng cao, số lượng học sinh tăng mà số lượng giáo viên thì không được bổ sung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tồn tại dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở cấp mầm non và tiểu học thời gian qua.

Trong khi đó, yêu cầu lớn được đặt ra đối với ngành giáo dục, đó là vừa phải giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên ở các địa phương, ở các cấp giáo dục, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Để giải quyết song hành 2 yêu cầu này thực sự là một bài toán khó!

Trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội cũng nêu rõ: “sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi”. Để thực hiện yêu cầu này, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, xác định lại định mức giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên theo quyết định của Bộ Chính trị nhằm khắc phục tình trạng chưa tuyển đủ giáo viên theo biên chế đã được phân bổ. Cùng với đó, cần có chính sách để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, luân chuyển đội ngũ giáo viên giữa các địa phương, cấp học.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng thừa - thiếu giáo viên? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này là điều mà cử tri, nhân dân rất chờ đợi ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này.