Tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính

Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã quy định 6 chính sách thuộc 3 lĩnh vực tài chính – ngân sách; quản lý rừng, đất đai; quản lý quy hoạch.

Trên cơ sở Nghị quyết số 36/2021/QH15, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh tích cực triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Theo đồng chí Nguyễn Việt Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội đã tạo thêm nguồn lực và sự chủ động cho tỉnh trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Như thông qua thực hiện chính sách phân bổ thêm 45% số chi ngân sách địa phương tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, trong năm 2023, Nghệ An được phân bổ thêm 1.800 tỷ đồng và từ nguồn bổ sung tăng thêm được tỉnh phân bổ tăng thêm chi sự nghiệp giáo dục, quản lý nhà nước và thực hiện các cơ chế chính sách mới theo các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành và hỗ trợ thêm nguồn lực để thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (gồm dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An); đường giao thông liên xã từ xã Tây Sơn đến xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn); xây dựng đường và cầu vượt lũ xã Châu Kim (huyện Quế Phong; nâng cấp mở rộng đường Lê Hồng Sơn (huyện Nam Đàn)).

Đoàn ĐHQH tỉnh Nghệ An trao đổi với lãnh đạo huyện Diễn Châu về tiến độ thực hiện dự án thuộc Nghị quyết 36 của Quốc hội tại địa phương

Đặc biệt, hiện tỉnh đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện chính sách vay đối với vay lại nguồn Chính phủ vay nước ngoài với tổng hơn 2.019 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án. Gồm Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh; Dự án phát triển thủy sản bền vững tỉnh Nghệ An; Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An; Dự án nâng cấp, sửa chữa hệ thống trạm bơm dọc sông Lam. “Khi có nguồn vốn vay lại nguồn Chính phủ vay nước ngoài để thực hiện 4 dự án nêu trên, sẽ vừa tạo động lực phát triển, vừa giải quyết một số khó khăn, ách yếu của tỉnh và một số địa phương” – Phó Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh.

Về thực hiện chính sách quy hoạch với việc cho phép tỉnh được phân cấp điều chỉnh cục bộ các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đồng chí Vũ Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Đây là bước đột phá về cải cách hành chính, bởi thay vì trình các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ, thì thời gian qua, tỉnh đã chủ động điều chỉnh cục bộ 3 quy hoạch. Cụ thể điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Vinh; Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam và Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tương tự, thực hiện chính sách phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng dưới 50 ha và đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, cũng thực sự tạo ra bước cải cách về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cho tỉnh.

Đến thời điểm này, trên cơ sở thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 lúa và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được phân cấp cho tỉnh theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội, HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa 2 vụ và đất rừng sản xuất để thực hiện 6 công trình, dự án. Cụ thể chuyển đổi hơn 110 diện tích đất 2 lúa để thực hiện 5 công trình, dự án và chuyển đổi gần 86 ha đất rừng trồng để thực hiện 1 dự án.

Trong số các dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có một số dự án đang tập trung triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo được sự đồng thuận của người dân. Như Dự án Khai thác mỏ cát silic thuộc địa bàn xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) đã giải phóng xong gần 86 ha diện tích đất rừng sản xuất; hay dự án cụm công nghiệp Diễn Thắng, tại xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) cũng đang giải phóng mặt bằng chỉ còn 6 hộ dân.

Nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Thực tiễn sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội, theo phản ánh từ các sở, ngành cấp tỉnh vẫn đang đặt ra một số khó khăn, vướng mắc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tháo gỡ.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 36/2021/QH15 cho phép Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, phân cấp cho HĐND tỉnh thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, trong khi đó lại không đề cập đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước 1 vụ. Mà theo đồng chí Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là một bất cập, bởi vì nhiều dự án được thực hiện trên cả phần diện tích đất trồng lúa 02 vụ và 01 vụ đan xen lẫn nhau. Tương tự, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha được phân cấp, nhưng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng chắn sóng, chắn cát không được phân cấp cho tỉnh cũng chưa giải quyết được nhu cầu thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, Nghị quyết có thời gian thực hiện trong 5 năm và đến thời điểm này qua gần 2 năm triển khai thực hiện nhưng vẫn có một số chính sách vẫn chưa được thực hiện, như: chính sách vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và chính sách bổ sung nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại Dự án Khai thác mỏ cát Silic, tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai

Cuối tháng 8 vừa qua, thông qua chương trình giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có những đánh giá tích cực về hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội dành cho Nghệ An đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 36/2021/QH15 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn cho phép HĐND tỉnh Nghệ An được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (không chỉ là đất trồng lúa từ 02 vụ trở lên) đối với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 50 ha (không chỉ là đất rừng phòng hộ đầu nguồn).

Đối với Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 06/4/2022 của Chính phủ nhằm đảm bảo hiệu quả về mặt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong thu hút đầu tư, triển khai các công trình, dự án. Cụ thể, đề nghị Chính phủ lồng ghép nội dung lấy ý kiến theo hướng chỉ tổ chức lấy ý kiến 01 lần đối với người sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi dự án, bao gồm thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường; huỷ bỏ nội dung tổ chức thẩm định của UBND tỉnh.

Mặt khác, để tạo thuận lợi cho địa phương trong việc thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 tại khoản 2 Điều 1 nội dung: “Trong trường hợp có điều chỉnh mục đích sử dụng đất, nếu chỉ tiêu sử dụng đất toàn đô thị của loại đất đó vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng thì được phép điều chỉnh mà không cần dựa trên nguyên tắc cân đối chỉ tiêu”.

Một số chính sách cụ thể đề nghị Quốc hội bổ sung cho tỉnh theo đề xuất của Sở Tài Chính, gồm: phân cấp cho tỉnh quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để thực hiện các công trình, dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới cơ sở vật chất, công trình; xây dựng mới các hạng mục có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; cho phép tỉnh được hưởng 70% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh; cho phép tỉnh Nghệ An tđiểm thực hiện chính sách quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án; ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh