Thống nhất về trình tự, thủ tục, trách nhiệm

Trong nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tạo thống nhất ở một số hình thức giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám sát.

tao-thong-1663457043890--n1.jpg
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Long An làm việc tại UBND huyện Đức Huệ về công tác quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công. Ảnh: C. Thành

Đơn cử, chất vấn là một hình thức giám sát rất quan trọng, Nghị quyết hướng dẫn tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, cụ thể là: Những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri; vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp HĐND hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời; vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục.

Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND được hướng dẫn thực hiện theo trình tự thống nhất, từ trình, xem xét, quyết định chương trình giám sát hằng năm đến việc xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể. Nghị quyết yêu cầu trong hồ sơ trình đề xuất chương trình giám sát hàng năm, phải có báo cáo tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND đã thực hiện trong 2 năm trước thời điểm đề xuất. Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát cũng phải được ban hành kịp thời, chậm nhất sau 15 ngày chương trình giám sát được thông qua; đồng thời, kế hoạch phải được tích hợp trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Thường trực, Ban của HĐND.

Trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong hoạt động giám sát cũng được Nghị quyết quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát...

Quan tâm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát

Đây là vấn đề thường bị "sao nhãng", nhiều cuộc giám sát rất "công phu", kết luận và kiến nghị cụ thể nhiều vấn đề, nhưng việc giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát ít được quan tâm, dẫn đến hiệu lực giám sát bị hạn chế. Nghị quyết đã quy định rõ vấn đề này: Chậm nhất ngày 30.3 và 30.8 hằng năm, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã tổng hợp kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Trong đó, làm rõ những nội dung chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu (nếu có) để báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp.

Thường trực HĐND xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát trên cơ sở báo cáo của Văn phòng và đưa ra kết luận, gồm những nội dung: Đánh giá kết quả việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu sự giám sát; những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị. Sau khi xem xét, Thường trực HĐND báo cáo HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND.

HĐND xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Sau khi xem xét, HĐND ban hành nghị quyết hoặc kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Nghị quyết, kết luận bao gồm các nội dung sau đây: Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu sự giám sát; những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó nêu rõ yêu cầu, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Công khai kết quả thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Đây là nội dung rất mới, thể hiện tư duy đổi mới trong hoạt động giám sát của HĐND, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong Nghị quyết. Cụ thể tại Điều 28. Việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát: Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Thực hiện việc công khai này sẽ giúp không chỉ các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND mà cả cử tri và Nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện kiến nghị, tạo áp lực xã hội lên các cơ quan bị giám sát để thực hiện nghiêm túc các kiến nghị giám sát.

Điều 29. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND: Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan. Khi thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động giám sát sẽ tránh được trùng lắp, chồng chéo trong giám sát tại cùng một thời điểm; các chủ thể giám sát có thể sử dụng thông tin, dữ liệu của nhau; phối hợp với nhau trong hoạt động giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả.

LƯƠNG ANH TẾ

Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương