Năm 2022, HĐND các cấp nói chung, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nói riêng đã triển khai chương trình công tác, thực hiện hoàn thành có thể nói xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần vào những kết quả, những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh cao và toàn diện, với 27/28 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và môi trường đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt rất cao, thể hiện trên cả hai phương diện: một là cao hơn từ trước đến nay và cao hơn các địa phương khác trong cả nước và khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,08%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 1 tỷ USD, trong đó có những dự án đầu tư FDI lên đến 500 triệu USD. Lần đầu tiên tỉnh Nghệ An đứng tốp 10 trong cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Nghi Lộc và các khu công nghiệp bắt đầu nói đến câu chuyện thiếu đất, thiếu công nhân bởi vì dự án vào nhiều và dự án lớn. Và lần đầu tiên chúng ta đạt được tổng thu ngân sách trên 20.000 tỷ đồng...
Bên cạnh một số kết quả nổi bật, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Còn 1/28 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, đó là tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội; tổng thu ngân sách cao nhưng cơ cấu chưa hợp lý, như thu từ cấp quyền sử dung đất khá nhiều…; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư khá thấp so với năm 2021 và bình quân chung trong cả nước. Trong cải cách hành chính, thực thi công vụ đang còn nhiều vấn đề cần quan tâm…
Về nhiệm vụ năm 2023, đây là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, vì vậy đề nghị Thường trực HĐND cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình công tác năm 2023; trước mắt là khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trước và sau tết Quý Mão gắn với triển khai nhiệm vụ năm 2023, trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, gắn với việc xây dựng dự thảo nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến sẽ trình Trung ương vào năm 2023; Cùng với đó, quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030 đang trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ liên quan đến quy hoạch vùng huyện, quy hoạch huyện, các loại quy hoạch về đất đai, xây dựng, quy hoạch phân khu… Vì vậy, các huyện, thành phố, thị xã cần triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch trên địa bàn; Ngoài ra, cần triển khai kịp thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có triển khai kế hoạch phân bổ cho năm 2022 và 2023.
Thứ hai, trong hoạt động của HĐND, cần tiếp tục tăng cường công tác khảo sát, giám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/09/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Khảo sát để phục vụ công tác thẩm tra các nghị quyết trình kỳ họp nhằm xem xét tính cần thiết, tính phù hợp, hợp pháp, hợp hiến và khả năng cân đối nguồn lực của nghị quyết; để xem xét nội dung cử tri quan tâm, bức xúc... từ đó đưa ra giải trình hoặc chất vấn tại kỳ họp, hoặc thành lập các đoàn giám sát chuyên đề. Hoạt động khảo sát có nhiều cách làm khác nhau, có thể trực tiếp làm việc với các cơ quan ban ngành, hoặc thu thập thông tin qua tiếp xúc cử tri, qua các đại biểu, tổ đại biểu…
Về hoạt động giám sát, cần tập trung giám sát chuyên đề, tái giám sát, giám sát các kết luận, kiến nghị. Bên cạnh đó, cần tăng cường chia sẻ thông tin để tránh sự chồng chéo về chủ thể, đối tượng giám sát với các hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực và các Ban HĐND các cấp, qua đó tránh việc gây phiền hà đối với cơ sở…
Thứ ba, về hoạt động giải trình và chất vấn. Theo kinh nghiệm của HĐND tỉnh là thống nhất nội dung trước khi tiến hành giải trình và chất vấn 3 tháng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 03 phiên giải trình: công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác quản lý tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đến nay, qua các phiên giải trình đều đem lại hiệu quả, các vấn đề về tồn đọng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp đất trái thẩm quyền, xử lý tài sản công sau sáp nhập … đang từng bước được giải quyết khá căn cơ, tiến triển tốt.
Thứ tư, cần tiếp tục quan tâm tổ chức tốt các kỳ họp.
Để tạo sự chủ động cho các cơ quan trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết cũng như công tác khảo sát của các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với UBND cùng cấp về danh mục các nghị quyết cần trình HĐND ngay từ đầu năm, những nghị quyết không trình từ đầu năm nhưng không có lý do đặc biệt sẽ không được xem xét.
Về kỳ họp thường lệ, theo quy định, kỳ họp cuối năm cần phải họp và bế mạc trước ngày 10/12 hàng năm, vì theo Luật Ngân sách, HĐND tỉnh phải quyết định ngân sách năm sau trước 10/12, và cấp huyện là trước 20/12. Đối với kỳ họp giữa năm mặc dù không quy định nhưng Thường trực HĐND tỉnh cũng đã thống nhất là sẽ họp trước 10/7. Theo đó, cần chủ động để chuẩn bị cho kỳ họp từ sớm, từ xa.
Về kỳ họp chuyên đề, năm 2022, HĐND tỉnh đã tổ chức 05 kỳ họp chuyên đề để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương.
Đối với kỳ họp này, theo kinh nghiệm của HĐND tỉnh thời gian qua, nếu có nội dung thuộc kỳ họp thường lệ nhưng đã chuẩn bị xong, thì sẽ được trình kỳ họp chuyên đề để vừa đảm bảo tiến độ thời gian, vừa giảm tải cho kỳ họp thường lệ. Thường trực HĐND tỉnh cũng đang nghiên cứu để có thể kết hợp hình thức họp trực tiếp và trực tuyến đối với các kỳ họp có thời gian ngắn và ít nội dung.
Thứ năm, cần tiếp tục quan tâm, chú trọng hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp để thông báo nội dung, chương trình, kết quả kỳ họp và lắng nghe ý kiến kiến nghị cử tri. Bên cạnh đó, có thể linh hoạt và mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri, theo đó, ngoài tiếp xúc cử tri truyền thống, có thể tiếp xúc theo chuyên đề. Đặc biệt, việc tổng hợp kiến nghị cử tri cần có thông tin đầy đủ, cụ thể của cử tri (họ tên, nơi cư trú, số điện thoại…) để có thể kịp thời gửi kết quả trực tiếp đến cử tri, khắc phục tình trạng nội dung kiến nghị của cử tri đã được trả lời nhưng cử tri không biết dẫn đến kiến nghị nhiều lần.
Thứ sáu, cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND của các huyện, thành phố, thị xã. Việc Trưởng Ban HĐND cấp huyện bố trí chuyên trách hay kiêm nhiệm cần phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND, nghiên cứu xây dựng và ban hành quy trình ISO về tổ chức các kỳ họp để vận hành công việc tốt hơn.
Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Thường trực HĐND tỉnh có chủ trương tổ chức bồi dưỡng đồng thời cho đại biểu HĐND cả 3 cấp. Giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các Ban, phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội, Sở Nội vụ để thực hiện, đảm bảo quy mô, hiệu quả trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thứ bảy, tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện; giữa Thường trực HĐND cấp huyện và cấp xã; giữa Thường trực HĐND các huyện, thành, thị khác trong cụm; trong nội bộ huyện thì cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt là giữa 3 bên HĐND – UBND và MTTQ, với quan điểm phối hợp đa chiều, tinh thần cộng sự, đoàn kết, vì nhiệm vụ chung của địa phương.
Thường trực HĐND các huyện, thị xã tại cụm tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.
...
Thanh Hà (lược ghi)