Ở địa phương, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đó là quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Việc giám sát được tiến hành thường xuyên hoặc theo chuyên đề trong trường hợp cần thiết. Nội dung giám sát bao gồm sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản đó; sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản và sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành của cùng một cơ quan. Về mặt chế tài, thẩm quyền xử lý, Hội đồng nhân dân bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trái với nghị quyết của mình, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
Trong quá trình quản lý, thực thi nhiệm vụ, bên cạnh văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật với tính chất là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc được các cơ quan có thẩm quyền ban hành khá nhiều. Theo thống kê, báo cáo của Sở Tư pháp, trong vòng 5 năm (từ 2017 - 2022), chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành tổng số 7.425 văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật góp phần quan trọng đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực thi nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, mặc dù phải tuân theo quy định, quy trình chặt chẽ khi xây dựng, ban hành song số lượng văn bản trái quy định hoặc có sai sót về thể thức, kỹ thuật vẫn còn đáng phải quan tâm. Cũng trong giai đoạn trên, qua 2 đợt kiểm tra của Bộ Tư pháp, ở cấp tỉnh có 16 văn bản trái quy định pháp luật. Hàng năm, cơ quan Tư pháp kiểm tra tại 2 - 3 đơn vị cấp huyện trung bình phát hiện 3 - 4 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, khoảng 30 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật; ở cấp xã, phát hiện trung bình 7 - 12 văn bản trái về nội dung, thẩm quyền và khoảng 60 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật. Với vai trò, tính chất của công cụ pháp lý này, văn bản quy phạm pháp luật trái quy định hoặc có sai sót sẽ để lại những hệ quả lớn, tạo ra sự xung đột trong công tác quản lý, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng liên quan.
Điều đáng quan tâm hơn là ngoài công tác kiểm tra của các cơ quan hành chính, công tác giám sát của cơ quan dân cử đối với đối tượng này thời gian qua chưa được phát huy rõ nét. Kết quả theo dõi, giám sát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới ban hành chưa được thể hiện cụ thể; chưa được tổng hợp, cập nhật và công khai theo quy định. Giám sát theo chuyên đề mới thực hiện ở một số ít đơn vị cấp huyện còn chủ yếu là dưới hình thức lồng ghép trong giám sát chuyên đề khác hoặc xem xét Báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính v.v...
Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân mặc dù đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân song cơ chế để thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được hướng dẫn chi tiết. Việc triển khai quy trình giám sát cũng như cách thức, phương pháp nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản và nhất là việc xử lý sau giám sát như thế nào chưa có hướng dẫn, làm cơ sở để các cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, bài bản. Vấn đề khác cũng đang bỏ ngỏ đó là giám sát, xử lý việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Loại văn bản quy phạm pháp luật này của chính quyền địa phương chiếm phần lớn trong tổng số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Việc chậm trễ vi phạm nguyên tắc phải bảo đảm tính kịp thời trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo khoảng trống trong công tác quản lý nhà nước.
Ở cấp trung ương, để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan của Quốc hội, ngày 22/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Nghị quyết đã quy định cụ thể từ đối tượng, phạm vi, nội dung, nguyên tắc giám sát cho đến trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, trách nhiệm của cơ quan liên quan và biện pháp xử lý việc chậm ban hành cũng như ban hành văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật. Việc giám sát và báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật được quy định đảm bảo tính nề nếp, thường xuyên, liên tục, hệ thống. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi Báo cáo hằng năm về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát chậm nhất là ngày 20/3 của năm tiếp theo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 và gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp giữa năm; gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội và các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp nội dung thuộc bí mật nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, thiết nghĩ, bên cạnh căn cứ 2 đạo luật quan trọng là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu, vận dụng phù hợp Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 nêu trên vào hoạt động giám sát của mình. Có như thế việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan dân cử địa phương mới được phát huy, đi vào bài bản, nề nếp hơn; từ đó góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế về quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội./.