Những vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng

Chỉ trong vài tháng gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động gây thương vong nghiêm trọng đã xảy ra liên tiếp trên khắp cả nước, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động. Những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng gần đây khiến 18 người chết, 11 người bị thương xảy ra ở Yên Bái, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, trong đó mới đây nhất vào ngày 13/5 tại phân xưởng khai thác 7, Công ty Than Quang Hanh - TKV (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) xảy ra vụ tai nạn lao động do tụt lở lò than khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương.

Hiện trường vụ nổ lò hơi kinh hoàng tại tỉnh Đồng Nai làm 6 người chết, 5 người bị thương vào đúng này Quốc tế lao động 1-5

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2023 xảy ra 15 vụ tai nạn lao động làm 9 người bị chết, 10 người bị thương, tính riêng 4 tháng đầu năm 2024 xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 02 người bị chết tại Công ty Điện lực Nghệ An và Công ty TNHH Hợp Thịnh (Qùy Hợp); 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp, trong đó có 06 người bị bệnh bụi phổi than nghề nghiệp (Công ty Cổ phần Than Khe Bố); đặc biệt vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Châu Tiến làm 76 người lao động bị bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp, trong đó đã có 5 người chết, 08 người được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể cao nhất từ 81-90%.

Mỗi vụ tai nạn lao động, mỗi người lao động bị bệnh nghề nghiệp, bị chết do mắc bệnh nghề nghiệp là nỗi đau tột cùng, nỗi khổ cho những người lao động và gia đình họ. Bởi tai nạn xảy ra, những vụ việc phát hiện bệnh nghề nghiệp kéo theo đó là bao nỗi niềm đau khổ, dằn vặt lương tâm của người liên quan. Thân nhân nạn nhân nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ từ chủ sử dụng lao động và bảo hiểm xã hội, nhưng hẫng hụt vì mất người, hoặc phải mang một gánh nặng trong nhà có người tàn phế, bệnh tật. Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp có người bị tai nạn lao động cũng phải chịu trách nhiệm đối với các chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, chưa kể đến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Người lao động của Công ty TNHH Châu Tiến làm việc trong môi trường độc hại

Những tai nạn, những vụ việc người lao động bị bệnh nghề nghiệp này là một hồi chuông cảnh báo để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần tăng cường chú trọng và tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn vệ sinh lao động một cách nghiêm túc nhằm phòng tránh những sự cố gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khoẻ của người lao động; cũng đồng thời là hồi chuông cảnh báo để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý đối với việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, không quan trắc môi trường lao động; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn, thiếu kiểm tra, giám sát; người lao động còn chủ quan, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động, vi phạm quy trình làm việc an toàn.

Cụ thể nguyên nhân gây ra hàng loạt người lao động bị bệnh bụi phổi Silic ở mức cao tại Công ty TNHH Châu Tiến được cơ quan chức năng xác định là do Công ty TNHH Châu Tiến đã không chấp hành đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; có nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được cơ quan chức năng chỉ ra tại Kết luận số 60/KL-ĐKT ngày 3/8/2023 của Đoàn kiểm tra liên ngành. Kết luận chỉ rõ, suốt 5 năm, từ 2017 đến năm 2022, Công ty thực hiện không đầy đủ theo quy định của pháp luật về: Quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định; phân loại số lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tiếp xúc với các yếu tố tác hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nguy cơ mất an toàn tại các mỏ đá, đầu năm 2024 một vụ tai nạn lao động làm 01 người chết tại một mỏ đá của Công ty TNHH Hợp Thịnh-Qùy hợp

Trên thực tế, vấn đề an toàn vệ sinh lao động đã được các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An quan tâm triển khai thực hiện như: UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành, địa phương theo thẩm quyền đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các quy định; các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động đã được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng; công tác bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đã được quan tâm, tổ chức thực hiện; việc quản lý máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động và công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động được quan tâm thực hiện theo đúng quy định; việc chi trả, giải quyết chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời;... Tuy nhiên, những vụ tai nạn lao động, những vụ việc hàng loạt người lao động bị bệnh nghề nghiệp cho thấy công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có nguy cơ tiềm ẩn, bất kỳ ở đâu cũng có thể xảy ra tai nạn lao động, chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ, chủ quan và thiếu trang bị kiến thức, phương tiện, quy trình phòng bị về an toàn vệ sinh lao động thì tính mạng người lao động rất dễ bị đe dọa. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất đa dạng, từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, kiểm tra, giám sát của người sử dụng lao động hay sự chưa thực sự hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Vào cuộc một cách nghiêm túc, thực chất

An toàn vệ sinh lao động có ý nghĩa và mục đích rất lớn đối với người lao động, người sử dụng lao động và xã hội. An toàn vệ sinh lao động giúp bảo vệ sức khỏe, nâng cao năng suất và chất lượng lao động, giảm thiểu chi phí điều trị và bồi thường, tăng cường uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại một doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Diễn Hồng, huyện Diễn Châu

Bảo đảm an toàn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Để ngăn chặn những vụ tai nạn lao động, những vụ việc người lao động bị bệnh nghề nghiệp, cần sự quan tâm vào cuộc một cách nghiêm túc, thực chất từ nhiều phía: cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động.

Về phía cơ quan quản lý nước cần ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ sạch, góp phần cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động, cán bộ thanh tra, kiểm tra; đổi mới, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn cho người lao động trên nền tảng số, mạng xã hội,... Đồng thời, hàng năm triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, Tháng Công nhân, tránh hình thức, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Song song với đó cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề có nguy cơ cao về an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các đồng chí lãnh đạo tặng quà cho những người lao động bị tai nạn lao động nhân Lễ phát động tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024

Đối với người sử dụng lao động cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; thường xuyên tổ chức huấn luyện, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị bảo hộ lao động; kiểm định, khai báo đầy đủ việc sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời, thường xuyên tự kiểm tra, rà soát các vị trí sản xuất; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất; triển khai thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong công tác an toàn vệ sinh lao động; nghiên cứu, lựa chọn sử dụng công nghệ sản xuất phù hợp, nâng cao mức độ đảm bảo an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động;... thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định.

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững

Đối với người lao động cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng đầy đủ, đúng cách các trang thiết bị bảo hộ lao động; tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phản ánh những vấn đề có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động; đồng thời tích cực đề xuất ý kiến, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không chỉ là những khẩu hiệu suông, mà cần được cụ thể hóa bằng hành động thiết thực, sự vào cuộc một cách thực chất, hiệu quả từ nhiều phía. Toàn xã hội cần chung tay vào cuộc để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.