Việc kiện toàn sẽ là cơ sở, động lực để Quỹ phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn sản xuất cho nông dân; góp phần quan trọng thúc đẩy các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Theo quy định, Quỹ Hỗ trợ nông dân là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc cơ quan Hội nông dân; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu và tài khoản riêng. Một trong những mục tiêu hoạt động chính của Quỹ là hỗ trợ hội viên Hội nông dân xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Quỹ thực hiện cho vay theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm, ngành nghề theo đúng phương châm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Phương thức cho vay có hoàn trả, có kỳ hạn và có hạn mức, không thu lãi nhưng có thu phí. Việc vay vốn không phải thế chấp tài sản mà được Hội nông dân cấp xã xác định dự án vay vốn để sản xuất kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý là 60,615 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 17,7 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cấp 41 tỷ đồng; nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động hằng năm của Quỹ 1,915 tỷ đồng). Với nguồn vốn này, Quỹ đã triển khai cho vay đối với 5.299 hộ nông dân. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ, một dự án cho vay tối thiểu 10 hộ, thời gian vay tối đa là 36 tháng. Cơ cấu nguồn vốn vay bao gồm: để thực hiện dự án chăn nuôi chiếm tỷ lệ 74%; sản xuất, chế biến chiếm tỷ lệ 11% và trồng trọt chiếm tỷ lệ 15%.
Có sự hỗ trợ vốn của Quỹ, các hộ hội viên nông dân đã mạnh dạn khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đưa các giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; nâng cao ý thức, trách nhiệm người nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển bền vững; đem lại thu nhập cao với mức bình quân tăng thêm từ 20% đến 30% so với trước khi vay vốn.
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, trong chăn nuôi, điểm sáng tiêu biểu là dự án chăn nuôi trâu bò. Từ tổng đàn ban đầu 8.065 con, kết thúc chu kỳ dự án đã tăng lên hơn 24.000 con. Bình quân mỗi hộ kết thúc chu kỳ vay 3 năm thu lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng. Hầu hết các dự án chăn nuôi bò đi theo hướng chăn nuôi tập trung, lựa chọn những con giống mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như giống bò 3 B, bò Lai sind, bò Brahman...
Các mô hình chăn nuôi gia cầm ngày càng chú trọng đến hướng chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, chăn nuôi kết hợp làm phân hữu cơ vi sinh và nuôi giun quế hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, dự án có sự liên kết với công ty, được các chuyên gia hướng dẫn, tư vấn về quy trình kỹ thuật nên vật nuôi tăng trưởng tốt, giá cả đảm bảo, được bao tiêu đầu ra. Các mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô trên 10.000 con/lứa với mỗi lứa gà trên 90 ngày, lứa vịt trên 40 ngày. Bình quân sau mỗi chu kỳ chăn nuôi, thu lãi từ 120 đến 150 triệu đồng/lứa và mỗi năm tổ chức chăn nuôi được 3 lứa gà, 6 - 7 lứa vịt.
Lĩnh vực trồng trọt tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Đó là việc xây dựng các nhà màng trồng rau, củ, quả hữu cơ; sử dụng công nghệ tưới tự động; trồng theo phương pháp thủy canh...tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng được các thương hiệu nông sản xứ Nghệ. Trong đó, tiêu biểu có sản phẩm cam Vinh trồng ở Đồng Thành (huyện Yên Thành) đã nhập khẩu được vào thị trường tiêu dùng “khó tính” Châu Âu. Ngoài ra, các sản phẩm như cam Xã Đoài, cam Bù Sen cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Lĩnh vực chế biến nông sản được đặc biệt chú trọng bởi đây là hướng đi từng bước giải quyết bài toán khó về đầu ra của sản phẩm nông nghiệp; góp phần khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm đang được hướng tới và đầu tư như sản xuất, chế biến chè trà xanh; chế biến các loại dược liệu từ cây cà gai leo, nhân trần, sâm thổ hào, nhung hươu; chế biến hải sản; sấy, đóng gói các loại trái cây...Một số sản phẩm cũng đã xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng ưa thích; đầu ra tương đối tốt, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tạo thêm việc làm cho gần 20.000 lao động khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần tích cực giảm áp lực di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Được hỗ trợ vốn và tiếp cận phương thức sản xuất, kinh doanh tiên tiến, hiệu quả, người nông dân có khả năng lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, tại kỳ họp cuối năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ thông qua Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Bên cạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bổ sung chức năng, nhiệm vụ thì nội dung hết sức quan trọng được xem xét, quyết định là nguồn vốn của Quỹ. Nguồn ngân sách tỉnh cấp mới qua các năm dự kiến là 70 tỷ đồng và đến năm 2028 dự kiến tổng nguồn Quỹ là 114,035 tỷ đồng. Ngoài ra sẽ đẩy mạnh các hình thức vận động vốn ngoài ngân sách như tranh thủ nguồn tài trợ, ủy thác cho vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hình thức vận động phù hợp để tăng trưởng nguồn vốn của Quỹ.
Vốn là điều kiện cần thiết và không thể thiếu để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi ngành, lĩnh vực. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân, được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, hạn mức phù hợp, thủ tục đơn giản lại càng có ý nghĩa. Việc kiện toàn Quỹ sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của nông dân, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân trong các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nông dân nghề; từ đó góp phần hiệu quả thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn./.