Vấn nạn kéo dài
Trong nhiều năm qua, tín dụng đen đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân tỉnh Nghệ An. Dù đã có nhiều cảnh báo từ báo chí và các phương tiện truyền thông, các hoạt động tín dụng đen với những lời mời gọi hấp dẫn về lãi suất cao vẫn tiếp tục diễn ra. Các vụ việc vỡ nợ lớn như tại Nghĩa Thuận - Thái Hòa (2014), Giang Sơn Đông – Đô Lương (T1/2015), Tân Sơn – Đô Lương (T2/2015), Quỳnh Thạch – Quỳnh Lưu (T8/2015), Trù Sơn – Đô Lương (T3/2016) Cửa Lò, Nghi Lộc (2017), thị trấn Con Cuông (2020) hay vụ việc mới nhất tại Quỳnh Long - Quỳnh Lưu (18/10/2024) đều có chung một kịch bản: huy động vốn từ người dân với lãi suất cao, rồi sau đó tuyên bố vỡ nợ khi ko còn khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, vấn nạn tội phạm công nghệ cao cũng không kém phần phức tạp. Các đối tượng tội phạm không chỉ tận dụng các công nghệ hiện đại mà còn lợi dụng tâm lý thiếu cảnh giác của người dân. Với những phương thức ngày càng tinh vi như giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng, các đối tượng này thực hiện lừa đảo qua tin nhắn và mạng xã hội, giả mạo cơ quan chức năng để đe dọa hoặc hứa hẹn những khoản vay "an toàn," chỉ nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản. Những chiêu thức này đánh vào sự cả tin của người dân, khiến nhiều người mất hết tài sản chỉ sau một tin nhắn hay một cú điện thoại lừa đảo.
Hậu quả không chỉ là sự mất mát tài sản mà còn là sự hoang mang, nghi ngờ đối với các dịch vụ tài chính trực tuyến, gây trở ngại cho quá trình chuyển đổi số của đất nước và địa phương. Thực trạng này còn đặt áp lực lớn lên hệ thống bảo vệ pháp luật, buộc các cơ quan phải đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm trong khi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, kiểm soát và xử lý các vụ việc vi phạm tinh vi.
Đặc biệt, ở nhóm người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên mới đi làm thường là đối tượng dễ bị lừa đảo nhất do thiếu hiểu biết về các thủ đoạn tinh vi này. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp phòng ngừa sâu rộng, bao gồm tăng cường giáo dục tài chính và công nghệ, giúp người dân nâng cao ý thức, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự đã có quy định cụ thể về lãi suất cho vay và các hành vi cho vay nặng lãi, nhưng quá trình thực thi còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng lợi dụng các kẽ hở như: Sử dụng cách tính lãi suất phức tạp, cộng gộp các chi phí phát sinh và chi phí dịch vụ để biến số tiền lãi thành một phần của khoản vay; lợi dụng các hợp đồng dân sự hợp pháp như hợp đồng vay mượn hoặc hợp đồng góp vốn, cho phép họ che giấu bản chất cho vay nặng lãi đằng sau những giao dịch bề ngoài hợp pháp; thực hiện các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt hoặc thông qua các ứng dụng ví điện tử khó kiểm soát hơn; yêu cầu người vay ký hợp đồng với lãi suất thấp theo quy định, nhưng đồng thời thực hiện các thỏa thuận miệng về mức lãi suất cao hơn… để che giấu các hoạt động lừa đảo dưới danh nghĩa các giao dịch hợp pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và xử lý.
Tăng cường tính răn đe, cải thiện cơ chế pháp lý và nâng cao nhận thức cộng đồng
Tín dụng đen và tội phạm công nghệ cao không chỉ để lại hậu quả tài chính mà còn tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội. Những vụ việc vỡ nợ và lừa đảo khiến người dân lo lắng, mất lòng tin vào xã hội và đồng thời đặt gánh nặng lên các cơ quan chức năng trong việc xử lý các hệ lụy liên quan... Vì vậy, việc nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, đồng thời củng cố pháp luật và các biện pháp phòng chống là điều vô cùng cần thiết.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen và tội phạm công nghệ cao, tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn cho người dân.
Thứ nhất, cần thiết sửa đổi và bổ sung một số điều khoản trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự nhằm giảm thiểu các kẽ hở mà các đối tượng thường lợi dụng. Các sửa đổi cần tập trung vào:
- Rõ ràng hóa định nghĩa và quy định cụ thể hơn về hành vi cho vay nặng lãi để đảm bảo dễ dàng hơn trong việc xác định hành vi cho vay lãi suất cao, kể cả trong các trường hợp lãi suất được tính toán thông qua các phí dịch vụ "ẩn". Theo quy định hiện hành, mức lãi suất tối đa cho vay được quy định tại Bộ luật Dân sự, và vượt quá mức này được xem là hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này, ngụy trang lãi suất vượt ngưỡng dưới dạng phí dịch vụ hay phí xử lý hồ sơ, khiến việc xác định vi phạm trở nên khó khăn. Do đó, cần bổ sung vào quy định pháp luật một số tiêu chí rõ ràng để xác định hành vi cho vay nặng lãi, không chỉ dựa trên lãi suất danh nghĩa mà còn tính cả tổng chi phí thực tế mà người vay phải chịu.
- Kiểm soát các giao dịch tiền mặt và dịch vụ thanh toán điện tử: Tăng cường quy định về minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, yêu cầu sử dụng các phương thức thanh toán điện tử có thể kiểm tra, giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch tín dụng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi và phát hiện các giao dịch nghi vấn.
- Bổ sung các quy định về xử lý hành vi lừa đảo công nghệ cao: Các phương thức lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, do đó, cần ban hành các quy định rõ ràng và cụ thể hơn để xử lý các hành vi giả mạo, đánh cắp thông tin qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội. Hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng các thủ đoạn giả mạo tài khoản ngân hàng, tổ chức tài chính, và thậm chí là cơ quan chức năng trên các nền tảng trực tuyến. Để xử lý, cần đưa ra quy định chi tiết về việc xử phạt các hành vi tạo lập, sử dụng hoặc phát tán thông tin giả mạo nhằm lừa đảo người dùng.
- Hợp tác giữa các cơ quan chức năng: Các cơ quan như công an, ngân hàng, cơ quan quản lý viễn thông cần có các kênh trao đổi thông tin nhanh chóng và minh bạch để có thể xử lý các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Việc xây dựng một cơ chế hỗ trợ trực tuyến để người dân báo cáo các hành vi đáng ngờ có thể giúp phát hiện và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao từ sớm.
Thứ hai, đẩy mạnh sự tham gia của địa phương: tăng cường vai trò của các chính quyền cấp xã, phường trong công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức về tín dụng đen và lừa đảo qua mạng. Cán bộ địa phương, các tổ chức xã hội có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc cảnh báo người dân và hướng dẫn họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính an toàn, chính thức.
Thứ ba, phòng chống tín dụng đen và tội phạm công nghệ cao là nhiệm vụ lâu dài và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, tổ chức tài chính, và cả cộng đồng dân cư. Trong đó, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ tín dụng an toàn, để khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính chính thống, tăng cường các chương trình cho vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính chính thức, đảm bảo lãi suất cạnh tranh và minh bạch để người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần xây dựng những sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp hoặc không có tài sản thế chấp.
Thứ tư, có thể thiết lập các điểm tư vấn tài chính tại các khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để giúp người dân được tư vấn kịp thời, chính xác về các sản phẩm tài chính an toàn. Những điểm tư vấn này có thể là sự phối hợp giữa ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức chính quyền địa phương.
Hiện nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đang tiến hành giám sát chuyên đề về công tác phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua giám sát để đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành liên quan và đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện tốt hơn công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này. Tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ sớm được kiểm sát, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân./.