Vì vậy, việc tạo sinh kế khơi dậy khát vọng, năng lực vươn lên trong phát triển kinh tế; xây dựng văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc thù ở Nghệ An là vấn đề hết sức quan trọng.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX xác định “Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng miền núi đặc biệt khó khăn theo hướng thiết thực, bền vững”[1]. Nói cách khác, công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi, tôn giáo là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An. Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Bộ Chính trị đã chỉ đạo “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu”[2].

Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) học nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Những năm qua tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An đã có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động... đảm bảo điều kiện khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí chưa cao, không đồng đều nên vẫn còn một số tệ nạn xã hội như buôn bán ma túy, buôn bán người; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, di cư tự do trái pháp luật... có thể tiềm ẩn một số yếu tố gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Muốn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều quan trọng nhất hiện nay là làm cách nào để loại bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại, tạo sinh kế bền vững, phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống của chính họ. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, một số giải pháp được đưa ra:

Cọn nước ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương

Thứ nhất, quan tâm cơ chế vừa đầu tư phát triển kinh tế, vừa hỗ trợ trực tiếp cho đời sống đồng bào. Từ trước đến nay ta vẫn đang phần nhiều chú trọng giúp đỡ mang tính hỗ trợ cái ăn, cái mặc. Việc này cần có sự thay đổi, nhìn nhận lại, hướng tới việc làm thế nào để bà con tự vươn lên, tự tạo động lực cho mình. Để làm được điều này cần quan tâm khai thác được tiềm năng, lợi thế của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân. Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai tại 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư ở 12 huyện, thị. Nhưng điều cần quan tâm nhất hiện nay trong chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào ở Nghệ An trước tiên là tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông. Cơ sở hạ tầng là nút thắt kinh tế, là lối thoát nghèo bền vững cho đồng bào, tuy nhiên hiện nay tỉnh còn nhiều vùng cơ sở hạ tầng còn khó khăn, địa bàn xa, địa hình phức tạp. Toàn tỉnh vẫn còn 3 xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, huyện Tương Dương chưa có đường ô tô nội huyện đến trung tâm xã, chiếm 2,29%. Vì vậy việc cần làm sớm, làm ngay đó là tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông; thu hút đầu tư phát triển các dự án để khai thác các thế mạnh của đồng bào; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quan tâm nâng cấp cửa khẩu Thanh Thủy, cửa khẩu Nậm Cắn và cửa khẩu phụ ở Thông Thụ để phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu, biến các cửa khẩu thành trung tâm kinh tế, hàng hóa; thành mắt xích quan trọng của tiểu vùng trên hành lang kinh tế Đông Tây. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.

Thứ hai, thu hút đầu tư, chú trọng phát triển các hàng hóa mang tính lợi thế, đặc sản của đồng bào, hướng tới “phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, đảm bảo cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”[3]. Phát triển các lợi thế địa phương, dân tộc, nhất là sản xuất các cây, con đặc sản bản địa, đặc sản các dân tộc như: khoai sọ, bí, dưa rẫy, cải, bò Mông, lợn đen, gà đen, vịt Quỳ Châu... theo phương thức sản xuất tập trung quy mô hàng hóa, có khối lượng nhiều. Các cấp, các ngành cần có chiến lược tổ chức thị trường quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra sản phẩm lâu dài cho bà con. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp cần sớm đưa các trạm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giúp bà con ứng dụng để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất và mục tiêu thực phẩm an toàn, sạch, là đặc sản vùng miền. Quan tâm sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm có thế mạnh của vùng. Để thực hiện tốt điều này cần có cơ chế ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản; khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tìm kiếm và phát triển thị trường, nhằm phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, ổn định đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, tránh tình trạng sản xuất ra không có người tiêu thụ hoặc tiêu thụ theo cơ chế tự phát.

Vịt bầu Quỳ Châu

Thứ ba, chú trọng phát triển kinh tế rừng. Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước và tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào dân tộc sinh sống. Theo số liệu rà soát ba loại rừng năm 2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện nay, Nghệ An có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 1.147.752 ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 328.409 ha, rừng đặc dụng là 171.029 ha, đất rừng sản xuất là 648.314 ha. Trước đến nay đồng bào dân tộc ở đây nghèo cũng vì chỉ có rừng là duy nhất, tuy nhiên xét về tiềm năng tương lai, nếu đi đúng hướng thì rừng là nguồn tài nguyên có thể giúp đồng bào dân tộc trở thành giàu có. Phần lớn những dược liệu quý nhất của Nghệ An hiện nay đều sống ở đất rừng, sống dưới tán rừng. Nói vậy để thấy rằng việc gắn rừng với dược liệu để thực hiện chiến lược rừng với chiến lược dược liệu là vấn đề hết sức quan trọng. Nói cách khác, chỉ có trồng rừng nhiều tầng để kinh doanh tổng hợp thì mới phát huy được thế mạnh của những cánh rừng già tại Nghệ An. Mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW đã đề ra “đến năm 2030 tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%”… đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung Bộ; phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ carbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”[4]. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có một chương trình tổng thể, nhất quán về chủ trương, có cơ chế và các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn việc phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển dược liệu theo hai hướng: Bảo tồn và khai thác dược liệu trong tự nhiên, phát triển dược liệu dưới các tán rừng nguyên sinh và trồng tập trung một số đối tượng cho phép. Trong đó, đặc biệt quan tâm theo hướng ưu tiên trồng rừng đa sản phẩm, rừng “hỗn giao” có gỗ, có sản phẩm phi gỗ, sản phẩm dài ngày, sản phẩm ngắn ngày, các loài dược liệu, kết hợp trồng hoa lan, nuôi ong lấy mật… làm như vậy sẽ đảm bảo vừa có thu nhập trước mắt, vừa đảm bảo thu nhập lâu dài,  lại vừa đáp ứng được điều kiện với thị trường tín chỉ các bon trong tương lai. Mặt khác, tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống có thể xen canh để nuôi trồng thêm các loại dược liệu dưới các tán rừng theo chương trình dược liệu mà tỉnh đã xác định. Để làm được điều này trước mắt cần tập trung hướng dẫn nhân dân đẩy nhanh lộ trình chuyển hóa rừng cây nhỏ thành rừng cây gỗ lớn, thông qua việc hướng dẫn nhân dân thu hoạch tỉa, kéo dài thời gian chăm sóc những cây còn lại thành cây gỗ lớn. Đối với diện tích trồng mới, tập trung hướng dẫn nhân dân trồng rừng cây gỗ lớn nhiều tầng. Có cơ chế đãi ngộ cho người trồng rừng, quản lý rừng.

Rừng săng lẻ Tương Dương

Thứ tư, phát triển sinh kế các giá trị văn hóa của dân tộc. Nghệ An với 47 dân tộc thiểu số, đồng nghĩa với đó là 47 giá trị, bản sắc văn hóa khác nhau. Mỗi dân tộc đều có những sản phẩm văn hóa truyền thống. Mọi sinh hoạt văn hóa của mỗi dân tộc đều được gắn chặt với những nghi thức chặt chẽ trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội mang tính đặc sắc riêng. Đây là vấn đề cần có các giải pháp tăng cường gắn kết giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động lữ hành, phát triển du lịch, thông qua các hình thức “Du lịch cộng đồng”, “Du lịch di sản”, “Du lịch cội nguồn”… Hiện nay, trên địa bàn các huyện miền núi đã hình thành một số khu du lịch cộng đồng, bước đầu đã đưa lại kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số như: khu du lịch thác Khe Bàn, xã Châu Bình và làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ; du lịch cộng đồng tại Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, bản Nà Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông… Để khai thác tối đa các giá trị tại các khu du lịch cần quan tâm tăng cường phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể theo hướng hỗ trợ, phát triển sinh kế, phát triển công nghiệp văn hóa. Gắn du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa, đặc sản bản địa, địa phương.

Hướng các sản phẩn văn hóa truyền thống của đồng bào thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, đến với thị trường thế giới. Để thực hiện tốt điều này, các cấp, ngành cần tạo môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị cho đồng bào, trong đó cơ quan chính quyền đại diện cho cơ chế, chính sách; doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ kỹ thuật và tạo động lực cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong sản xuất và phát triển sản phẩm vùng dân tộc, xây dựng thương hiệu riêng, bền vững cho các sản phẩm văn hóa của đồng bào. Tổ chức, quan tâm phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như nghề ghế mây, bồ đựng quần áo, hộp kim chỉ, nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai như võng, lưới săn thú, lưới đánh cá của đồng bào dân tộc Thổ. Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Thái… Quan tâm hỗ trợ Nhân dân tạo các mô hình khởi nghiệp, kinh doanh ở vùng đồng bào. Tổ chức nhiều sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào… từ đó tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế trong các vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước./.


[1] Tỉnh ủy Nghệ An: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, Nghệ An, 2020, tr. 144 - 145

[2] Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tr.7

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, t51, tr.104

[4] Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045