Giải trình được hiểu là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát. Có thể thấy, hoạt động này có nét tương đồng với hoạt động điều trần ở nghị viện các nước trên thế giới.

Từ mục đích, yêu cầu và thực tiễn tổ chức thực hiện đã toát lên ý nghĩa của hoạt động giải trình. Vấn đề đưa ra để giải trình xuất phát từ thực tiễn, ở mức độ đậm nhạt đã có sự thâm nhập, tác động vào đời sống người dân và là đối tượng của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước. Khi đưa ra giải trình, vấn đề được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, đa chiều. Trong quá trình giải thích vấn đề sẽ có yêu cầu đối chất, phản biện từ các bên liên quan. Do đó, trách nhiệm đối với vấn đề đặt ra được truy vấn đến cùng; nguyên nhân khách quan, chủ quan được chỉ rõ. Chủ thể quản lý có điều kiện thấy rõ sự đánh giá, nhìn nhận của Nhân dân, cử tri, xã hội về đối tượng, lĩnh vực quản lý của mình. Ngược lại, Nhân dân, cử tri, xã hội được thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của chủ thể quản lý.

bna-img-9227-5663.jpg
Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh

Như vậy, thông qua giải trình, với sự cung cấp đầy đủ thông tin từ nhiều chiều sẽ làm sáng tỏ vấn đề, tạo sự thống nhất, đồng thuận vì mục tiêu phát triển chung. Các cơ quan, cá nhân liên quan thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm sự công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động giải trình

Như đã nêu trên, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 lần đầu tiên đề cập đến hoạt động giải trình do Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức. Và Luật cũng chỉ mới dừng lại ở việc giải thích từ ngữ, quy định đối tượng có trách nhiệm giải trình, thành phần tham dự và chủ yếu là trình tự tiến hành. Do đó, trên thực tế, mỗi địa phương có cách tổ chức phiên giải trình khác nhau, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa “quy lát”, bài bản.

Ngày 12/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân. Cùng với các hình thức giám sát khác, hoạt động giải trình đã được quy định đầy đủ, cụ thể, định tính, định lượng một cách rõ nét. Đặc biệt, tiêu chí lựa chọn nội dung giải trình đã được xác định, trong đó có nhóm vấn đề mới, phức tạp được xã hội quan tâm mà chưa có giải pháp thực hiện. Như vậy, bên cạnh làm rõ trách nhiệm của đối tượng, giải trình còn là cơ sở để khắc phục lỗ hổng hướng đến sự hoàn thiện chính sách pháp luật, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi mặt đời sống xã hội. Nghị quyết còn quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nói chung và giải trình nói riêng; chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với vấn đề đã được Hội đồng nhân dân kết luận; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ và bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan…

Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả phiên giải trình

Ngay khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII đã tổ chức các phiên giải trình đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và nguyện vọng của cử tri. Đến nay, các phiên giải trình tiếp tục được duy trì và ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn, đáng lưu ý là nhiều nội dung triển khai hiệu quả trên thực tế đã được thể chế hóa trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc chuẩn bị được tiến hành chủ động, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa: lựa chọn nội dung, ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì, phối hợp; khảo sát, nghiên cứu. Đặc biệt là vấn đề đã giải trình được thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình, tiến độ thực hiện nội dung đã kết luận. Kết quả phiên giải trình trước được soi chiếu tại phiên giải trình sau. Do đó, những vấn đề đặt ra được đeo bám đến cùng; khó khăn, vướng mắc cũng kịp thời được tháo gỡ. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã tổ chức giải trình về các nội dung: công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp tới đây là về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, trên cơ sở đã có Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , xin đề xuất một số kiến nghị để phát huy hiệu quả hoạt động giải trình:

Thứ nhất, xem xét tăng tần suất, số lượng các phiên giải trình. Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã gợi mở những vấn đề rất mới, tăng dư địa nội dung giải trình như: vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về việc tiếp công dân; vấn đề mới, phức tạp được xã hội quan tâm mà chưa có giải pháp thực hiện…

Thứ hai, mở rộng đối tượng giải trình, trong đó cần quan tâm thêm lĩnh vực tư pháp, yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp cũng như cá nhân có liên quan tham gia giải trình theo quy định.

Thứ ba, quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy định của Luật, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với tất cả các khâu trong chu trình hoạt động giám sát nói chung, giải trình nói riêng: lựa chọn nội dung, lập kế hoạch; theo dõi, giám sát quá trình thực hiện; công khai kết quả thực hiện; xử lý đối tượng có trách nhiệm thực hiện nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ kết luận giám sát, giải trình; cập nhật kịp thời thông tin, dữ liệu hoạt động…

Thứ tư, tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan của Quốc hội, địa phương bạn cũng như giữa các cấp để hoạt động của cơ quan dân cử luôn bắt nhịp với yêu cầu cuộc sống và đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân./.

Nguyễn Thị Anh Hoa