Từ thực tiễn hoạt động giải trình trong hơn 10 năm qua, bài viết này xin gợi ý một số kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức và tham gia phiên giải trình như: Xác định vai trò của các chủ thể; xác định vấn đề cần giải trình; chuẩn bị bộ câu hỏi, kịch bản phiên giải trình; điều hành của ban chủ tọa; đại biểu tham gia hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phần 1 - Phiên giải trình: “Ba mặt một lời”
Thứ nhất, ai là chủ thể tổ chức phiên giải trình? Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp có thẩm quyền tổ chức phiên giải trình. Ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, chủ tọa phiên giải trình có thể là Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban hoặc một Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban. Ở HĐND, chủ tọa phiên giải trình thường là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Số lượng thành viên Ban Chủ tọa phiên giải trình do Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban, Thường trực HĐND quyết định, thường từ 3-5 người. Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được mời tham dự và phát biểu ý kiến, hỏi thêm tại phiên giải trình.
Thứ hai, ai được mời đến giải trình hoặc cung cấp thông tin tại phiên giải trình? Trước hết, đại diện các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm liên quan đến nội dung đưa ra giải trình. Ví dụ, đối với phiên giải trình về thực hiện các chính sách xã hội ở cấp tỉnh, đó là UBND, các Sở, ban ngành như Sở Lao động, Thương binh, Xã hội; Sở Y tế; Sở Tài chính; Bảo hiểm xã hội, UBND các huyện, xã.
Đồng thời, đặc biệt quan trọng cần mời những người có thể cung cấp thông tin, sự kiện, số liệu về vấn đề liên quan: các cá nhân hoặc tổ chức chịu tác động của chính sách, pháp luật; những người nắm thông tin về vấn đề. Chẳng hạn, liên quan đến chính sách xã hội, đó có thể là người nghèo, cận nghèo, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động v.v…; các tổ chức xã hội có liên quan đến chính sách xã hội, các chuyên gia về các vấn đề xã hội, chuyên gia kinh tế, pháp lý liên quan đến các vấn đề xã hội. Đây là những người chứng kiến sự việc hoặc có thể làm chứng, đối chứng thông tin do các cơ quan Nhà nước giải trình.
Thứ ba, chọn vấn đề đưa ra giải trình. Phải là vấn đề chưa được làm rõ, còn có những thông tin khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau về vấn đề đó, thuộc trách nhiệm giải quyết của đối tượng giám sát (các Bộ, ngành; UBND, Sở, ngành liên quan). Nội dung được lựa chọn nên ưu tiên những vấn đề “nóng”, được nhiều người quan tâm và liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Ngoài ra, các nội dung cần được giải trình nên thuộc chương trình hoạt động của các cơ quan của Quốc hội; HĐND, Thường trực HĐND trong từng năm của nhiệm kỳ.
Nếu chọn tiến hành phiên giải trình về một vụ việc cụ thể, vẫn cần phải tổng hợp, khái quát thành vấn đề chính sách và thực hiện chính sách để lựa chọn thành vấn đề cần được giải trình. Việc khái quát này cần có sự đánh giá, tổng hợp một cách khách quan, tổng quát, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, đầu tư nghiêm túc, lâu dài.
Không nên chọn quá nhiều nội dung, hoặc nội dung phạm vi rộng cho một buổi giải trình; nếu có nhiều nội dung cần phải giải trình thì nên bố trí thời gian tăng lên, một hay hai ngày tuỳ theo nội dung.
Ví dụ, qua một đợt giám sát đối với việc thực hiện chính sách của Trung ương và địa phương về tình hình giảm nghèo trên địa bàn, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy một số vấn đề chưa được làm rõ, giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng dân cư, các hộ nghèo, cận nghèo, các chuyên gia vẫn còn có thông tin khác nhau. Đặc biệt, thông tin từ phía các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều điểm khác với thông tin mà HĐND có được trong một vài năm qua. Thường trực HĐND quyết định tổ chức phiên giải trình, yêu cầu UBND, các Sở ngành có liên quan giải trình về (1) Công tác bình xét hộ nghèo, nhất là việc xét cho thoát nghèo; (2) Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vốn đối với hộ nghèo; (3) Chính sách hỗ trợ đối với các hộ cận nghèo.
Thứ tư, chuẩn bị bộ câu hỏi chi tiết cho ban chủ tọa phiên giải trình. Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND phân công đơn vị tham mưu, giúp việc chuẩn bị và phê duyệt bộ câu hỏi nhằm giúp những người điều hành phiên giải trình chủ động, không bỏ sót câu hỏi các bên liên quan, thu thập được thông tin cần thiết.
Bộ câu hỏi gồm các câu hỏi cụ thể, chi tiết, được soạn theo các nhóm nội dung đã được chọn để tiến hành giải trình; đồng thời soạn theo các nhóm đối tượng được mời đến giải trình hoặc cung cấp thông tin. Từ những nội dung lớn và nhóm đối tượng, cần chia nhỏ vấn đề ra để soạn các câu hỏi. Các câu hỏi cần ngắn ngọn, đơn giản, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề.
Ngoài bộ câu hỏi do Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND chủ trì chuẩn bị, tự bản thân mỗi đại biểu được mời tham gia phiên giải trình cũng cần xây dựng những câu hỏi theo ý kiến cá nhân về những vấn đề mình phát hiện được. Những ý kiến của đại biểu có thể đưa ra thảo luận trước, trong các cuộc họp chuẩn bị và đóng góp vào trong bộ câu hỏi chung của cơ quan mình. Trường hợp cần thiết, đại biểu có thể tham khảo ý kiến chuyên gia về lĩnh vực này.
Thứ năm, xây dựng kịch bản và điều hành phiên giải trình. Kịch bản điều hành nêu rõ trình tự tiến hành, thời gian, phân công các thành viên Ban chủ tọa phụ trách hỏi – đáp đối với mỗi nội dung lớn. Thông thường Ban chủ tọa có 3-5 người; mỗi người điều hành hỏi – đáp một nội dung lớn. Các thành viên Ban Chủ tọa nên có sự hỗ trợ qua lại trong điều hành, kết quả sẽ đạt cao hơn, không khí hội nghị sẽ sinh động hơn.
Thành viên Ban Chủ tọa nêu câu hỏi, yêu cầu giải trình một cách ngắn gọn, rõ ràng. Có thể điều hành tùy theo phương thức hỏi - trả lời (hỏi câu nào trả lời câu đấy) hay hỏi - hỏi - trả lời (hỏi một số lượng câu hỏi nhất định, có thể là 3, 5 câu hỏi rồi mới trả lời).
Chủ tọa điều hành phiên giải trình cần kiên quyết và linh hoạt, bám sát chủ đề, nội dung giải trình (cắt những câu trả lời không đúng trọng tâm, đảm bảo về mặt thời gian dự kiến cho từng nội dung); điều hành theo kiểu cuốn chiếu (hết nội dung này mới chuyển sang nội dung khác).
Thành viên Ban chủ tọa có thể hỏi nhiều câu đối với một người, hỏi thêm, hỏi lại cho đến khi vấn đề đã được sáng tỏ Chủ tọa mới chuyển sang nội dung khác. Nên có những phương án, biện pháp dự phòng, lường trước một số trường hợp có thể phát sinh ngoài kịch bản để kịp thời xử lý.
Kết thúc phiên giải trình, chủ trì phiên họp đưa ra kết luận yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề còn tồn tại theo mốc thời gian cụ thể, báo cáo tiến độ thực hiện để Quốc hội, HĐND giám sát việc thực hiện.
Thứ sáu, đại biểu Quốc hội, HĐND hỏi tại phiên giải trình. Khi được mời nêu câu hỏi, đại biểu nên sử dụng câu hỏi đơn giản, hỏi trực diện vào nội dung cần hỏi. Trong trường hợp người giải trình chưa trả lời đúng, trúng, đủ vấn đề hoặc từ câu trả lời của người giải trình đại biểu phát hiện thấy có vấn đề cần được hỏi thêm, đại biểu có thể xin phép chủ tọa để hỏi lại, hỏi thêm, hỏi nối tiếp để làm rõ hơn nội dung của vấn đề. Hỏi thêm về những nội dung chưa được đề cập trong câu trả lời trước đó; hỏi lại về nội dung đã được trả lời, nhưng chưa được rõ ràng; hỏi nối tiếp là dựa trên ý tứ trong câu trả lời để hỏi mở rộng về vấn đề đang được giải trình.
Thứ bảy, mặc dù theo Luật, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND mới có thẩm quyền tổ chức phiên giải trình, nhưng các chủ thể khác có thể vận dụng phương thức, cách thức tiến hành phiên giải trình để áp dụng vào các hoạt động khác ở Quốc hội, HĐND. Chẳng hạn, trong khi giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH, các Ban của HĐND có thể dùng những kỹ thuật, kỹ năng hỏi của phiên giải trình để khai thác thông tin đa chiều, kiểm chứng thông tin lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người dân. Chỉ có điều, cần lưu ý, không nên sử dụng thuật ngữ “phiên giải trình” trong các hoạt động đó, vì Luật không quy định.
Tóm lại, cách thức tổ chức phiên giải trình nêu trên nhằm làm được ba việc như đã nhấn mạnh ở bài viết trước: Nghe – Nói – Hỏi. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND nghe tất cả các bên liên quan cung cấp thông tin, lập luận, chứng cứ trong giám sát để làm rõ trách nhiệm. Nhưng muốn nghe được nhiều, thì người được mời đến phải nói nhiều, phải có những thủ tục để người ta nói là chính; thành viên Ban chủ tọa, đại biểu phải biết cách hỏi để khai thác thông tin, để người ta chịu nói.