Trước hết, phẩm chất đầu tiên của đại biểu dân cử là sự gắn bó với cử tri, nói lên tiếng nói cử tri. Mỗi đại biểu khi bước chân vào nghị trường đều biết, mình có mặt ở đây là do cử tri bầu ra, thay mặt cử tri bàn và quyết những chuyện quốc kế, dân sinh như đã từng hứa khi vận động bầu cử. Như nhiều đại biểu từng nhấn mạnh, trách nhiệm của đại biểu là nói, để cùng tìm ra những bất cập, chưa thuận, để cùng tìm giải pháp. Trong một khóa tập huấn, một đại biểu Quốc hội khóa trước đã chia sẻ với các đồng nghiệp khóa mới: “Từ khi nghỉ, điều tôi tiếc nuối nhất là không còn được nói tại Quốc hội, vì không ở đâu mà những điều tôi nói lại tác động mạnh đến công việc chung như vậy. Các anh chị có dịp thì cố gắng nói, đừng ngại, đừng bỏ phí cơ hội lớn như thế này”. Thậm chí với những vấn đề phức tạp không thể nói một lần, nhiều khi phải thuyết phục từ kỳ họp này qua kỳ khác.

Về kỹ năng, nói như thế nào ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhất là đối với các đại biểu trẻ, lần đầu hoạt động ở nghị trường, trong khi cơ hội cho đại biểu lên tiếng tại kỳ họp không nhiều, nhất là ở Hội đồng nhân dân? Câu trả lời là học hỏi, qua các khóa tập huấn, qua đồng nghiệp. Học chuẩn bị kỹ bài phát biểu; chuyển tải thông điệp; chủ động ứng biến với diễn biến cuộc thảo luận; sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ…Lắng nghe, đọc những bài phát biểu, chất vấn của các đại biểu khác để học kiến thức, cách nói ở nghị trường. Như một đại biểu Quốc hội cho biết: “Ngay từ bài phát biểu đầu tiên tôi không cho phép mình dễ dãi”. Cô nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, nhờ chuyên gia tư vấn, quan tâm ý kiến của cử tri, liên hệ thực tế, hoàn chỉnh bài, nhờ các đại biểu đi trước chỉ bảo từng cử chỉ khi nói tại hội trường. Sau khi phát biểu xong, nhờ các đại biểu khác nhận xét, góp ý.

Một vấn đề hay được bàn đến là ở nghị trường, nói hay đọc bài phát biểu? Nhiều đại biểu cho rằng, cố gắng nói chứ không đọc, nhất là tránh cắm cúi đọc từ đầu đến cuối, cho dù đó là bài phát biểu đã được chuẩn bị kỹ về nội dung, có chất lượng. Bởi lẽ, khi nói có điểm nhấn, truyền cảm sẽ làm tăng sự tương tác trong hội trường, giữa đại biểu với Nhân dân đang theo dõi qua truyền hình trực tiếp, tạo hiệu ứng cao. Điều quan trọng hơn, mỗi lần lên tiếng là chuyển tải được thông điệp, để lại dư âm, “làm cho con tim và khối óc của người nghe bừng sáng”, thúc đẩy giải quyết vấn đề.

Về tâm thế nói, đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, điều quan trọng nhất trong phát biểu ở nghị trường là không đứng trên vị thế cá nhân, mà suy nghĩ cho Nhân dân, ở vị trí của người đại diện. Muốn thế, đại biểu buộc phải tìm hiểu người dân đang tâm tư vấn đề gì, có đơn đặt hàng nào với chính quyền hay không; chủ động “bắt mạch cuộc sống”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đúc kết bài học, ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nói có tinh thần xây dựng, đừng bao giờ đặt vấn đề thắng - thua. Dĩ nhiên các đại biểu muốn giữ được thái độ điềm đạm, bình tĩnh ngay cả khi trong lòng rất bức xúc trước những vấn đề bất cập. Tuy nhiên, như một đại biểu Quốc hội từng chia sẻ: “Cứ lúc nào cũng hát ngọt cho nhau nghe thì dễ quá. Dám nói lên sự thật thì nhiều khi không êm tai, nhưng nếu không toát lên sự thật thì liệu bao giờ có sự điều chỉnh, thay đổi?”. Sự gay gắt có thể được chấp nhận nếu đàng sau sự đó là nỗi niềm chính đáng của cử tri và ẩn chứa sức mạnh của sự thật. Hơn nữa, kinh nghiệm chung của các đại biểu hay phát biểu thẳng thắn là chưa bao giờ đi đến mức căng thẳng, “không nhìn mặt nhau được nữa”.

Cuối cùng, để đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể nói ở nghị trường, cần có những điều kiện khách quan nhất định. Trong đó, quy trình, thủ tục thảo luận, tranh luận tại kỳ họp đóng vai trò quan trọng để đại biểu có cơ hội lên tiếng; tăng thời gian làm việc ở các ủy ban, nơi số lượng đại biểu ít hơn nhiều so với phiên họp toàn thể, tập trung thảo luận các vấn đề chuyên sâu. Đặc biệt, như nhiều người đã chỉ ra qua các nhiệm kỳ, cần có cơ chế để lựa chọn nhiều hơn những đại biểu với vị thế độc lập hơn, ít bị “vướng víu” khi phát biểu ở nghị trường

Nguyên Lâm