Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV tổ chức vào tháng 7.2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý các đại biểu Quốc hội - những người mới được cử tri cả nước bầu chọn trước đó 2 tháng - về tinh thần trách nhiệm, ý thức gần dân, thái độ trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và trách nhiệm đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội Khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. HĐND các địa phương cũng đặc biệt quan tâm và xem đó như là "tuyên ngôn", mục tiêu học hỏi, vận dụng cho hoạt động của mình.
Từ những chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động Quốc hội
Nhìn nhận lại hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay càng thấm thía, những kỳ vọng đó đã thành hành động cụ thể. Tinh thần đổi mới, hành động, trách nhiệm của Quốc hội đã được minh chứng qua kết quả từ hoạt động lập pháp, quyết định và giám sát tối cao.
Các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, khả thi cao, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội đã được quan tâm xây dựng. Những chuyển động nổi bật trong hoạt động của Quốc hội mà không chỉ cán bộ, Đảng viên mà cử tri cũng thấy, cảm nhận rõ. Đó là việc Quốc hội lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến toàn dân đối với toàn văn dự thảo Luật Đất đai; là việc lựa chọn những nội dung giám sát rất khó nhưng lại rất thiết thực và cũng trùng khớp với kiến nghị giám sát của cử tri như: huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như Dự án Sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1...
Hoạt động chất vấn tại các phiên họp Quốc hội, một hình thức giám sát luôn được truyền hình trực tiếp và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân đã có bước tiến mạnh mẽ bằng việc mở ra quyền tranh luận của đại biểu, được quy định tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua đó, giúp cho hoạt động chất vấn tại nghị trường đã thu hút càng thu hút hơn, người dân đã quan tâm, càng quan tâm hơn, từ đó yêu quý, tin tưởng hơn người đại biểu và cơ quan đại diện của mình.
Bên cạnh đó, Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động HĐND" và chủ trương chuyển đổi số mạnh mẽ trong hệ thống cơ quan dân cử cũng sẽ là những “cú hích” tác động mạnh mẽ, đẩy hoạt động dân cử tiếp tục đi lên.
Lan tỏa mạnh mẽ đến HĐND các địa phương
Như một “làn gió mới”, những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội đã lan tỏa mạnh mẽ đến Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các địa phương, nhiều “lối mòn” trong hoạt động của cơ quan dân cử địa phương đã được dỡ bỏ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều hoạt động và quy định mở tạo thuận lợi cho HĐND hoạt động thông qua việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động HĐND hàng năm, từ đó rút ra nhiều đánh giá, kinh nghiệm và kiến nghị; không tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực hàng năm, thay vào đó bằng Hội nghị tại 3 miền tổ chức 2 lần/nhiệm kỳ. Những đổi mới này giúp HĐND cảm nhận thấy mình có được một người đồng hành tin tưởng; thấy mình được quan tâm, lắng nghe hơn; thấy mối gắn kết giữa các cơ quan dân cử và một kênh cùng động viên, học hỏi lẫn nhau để hoạt động tốt hơn, được thực tế minh chứng rất rõ ràng, cụ thể.
Theo đó, trong hoạt động quyết định, nếu như trước đây, có những khi HĐND và UBND cùng "xuê xoa" bởi đều là người trong "một nhà" - Chính quyền địa phương. Nhưng trong bối cảnh của nhiệm kỳ mới, không phải mọi vấn đề UBND trình đều nhận được cái “gật đầu” của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và kể cả Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Có những nội dung trình đến, HĐND phải "lắc đầu" nhưng đó là cái lắc đầu không sợ "mất lòng", bởi nó vì cái chung, cho sự đồng thuận lâu dài, để gìn giữ cho nhau, cho sự phát triển bền vững và thật mừng là những quan điểm khác nhau đó theo thời gian cũng được thấu hiểu, cảm thông để đạt đến sự nhất trí.
Trong hoạt động giám sát và kiến nghị, có cảm giác các Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND đã mạnh mẽ, quyết liệt và dũng khí hơn khi chọn những nội dung rất khó, phức tạp để giám sát và kiến nghị. Đối với địa bàn tỉnh Đồng Nai, có thể nêu ví dụ bằng việc Đoàn ĐBQH giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trái phép; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng dự án Khu dân cư A1-C1 (đô thị Dầu Giây) huyện Thống Nhất. Đối với HĐND tỉnh, là việc lần đầu tiên tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND và chọn nội dung vừa khó, vừa phức tạp, liên quan đến mọi ngành, mọi cấp, mọi nhà, đó là thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục thu hồi đất và công tác cải cách hành chính.
Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cũng nâng tầm và hướng đến những vấn đề khó như quy hoạch xây dựng, giám sát các vụ việc đơn thư khiếu nại kéo dài và các vụ việc theo phản ánh của thông tin, báo chí. Những kiến nghị sau giám sát luôn dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật và "thẳng như mực tàu", sẽ góp phần vào việc chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý, từ đó nâng vai trò, vị thế của đại biểu dân cử và cơ quan dân cử.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến một công cụ mà Quốc hội đã trao cho, đó là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 với 2 quy định chi tiết đặc biệt quan trọng. Đó là giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND và tranh luận trong phiên chất vấn. Nếu như phiên giải trình là một quy định chi tiết, thuận lợi cho thực hiện thì tranh luận thực sự là một quy định mang tính chất “đòn bẩy” cho hoạt động HĐND. Ở HĐND tỉnh Đồng Nai, khi thực hiện quy định này đã tạo nên sức "nóng” trong phiên chất vấn về các nội dung: chuyển đổi số; tình trạng sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử; đào tạo nghề phục vụ cảng hàng không quốc tế Long Thành từ đó giúp hoạt động chất vấn hiệu quả hơn.