Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị công lập

Qua cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nhận thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập đã bước đầu giúp các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả; huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc tích cực xây dựng, hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự. Nhiều đơn vị đã đảm bảo tổ chức tinh gọn, hiệu quả, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động gắn với trách nhiệm và hiệu quả công tác của người lao động; chủ động quyết định các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An giám sát chuyên đề tại Sở Nội vụ.

Quy trình, thủ tục thực hiện cơ chế, tự chịu trách nhiệm trong các các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh Nghệ An. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh Nghệ An có 64 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 01 và nhóm 02; 684 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 03 và 938 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 04; có 64/1.685 đơn vị đã tự chủ về nhân sự và sử dụng nguồn thu để bố trí người làm việc theo quy định của pháp luật. Một số đơn vị có mức độ tự đảm bảo kinh phí cao như: Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư); Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Anh Sơn… (tự chủ từ 70% - 100%).

Về xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu đã thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng; thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Đa dạng hoá loại hình, phương thức hoạt động và sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực xã hội hóa. Tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời từng bước đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của một bộ phận dân cư và góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thực hiện tự chủ tài chính nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, nhất là các huyện miền núi; nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá; chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính. Hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Các định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng và chưa thực sự phát huy hiệu quả; việc giao nhiệm vụ, đặt hàng được thực hiện theo đơn giá dự toán, không sát thực tế, có trường hợp dẫn đến thất thoát, lãng phí. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa chưa đủ mạnh. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn nhiều bất cập, lúng túng. Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công, còn những vướng mắc theo quy định tại Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan...

Một số mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW rất khó để địa phương thực hiện trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:  Mục tiêu về lộ trình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: “Phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính so với năm 2015”.  Mục tiêu về lộ trình sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2025: “Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”. Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy trong đó: 938/504 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, không có nguồn thu, hoặc có nguồn thu thấp dưới 10%. Các đơn vị sự nghiệp công lập này chủ yếu là các cơ sở giáo dục và đào tạo, là các đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, nguồn thu chủ yếu là thu học phí nên rất khó khai thác tăng thêm nguồn thu để nâng cao loại hình tự chủ. Giai  đoạn 2015-2021 (giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW), tỉnh Nghệ An đã tập trung giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, chủ yếu còn các loại đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ công cơ bản thiết yếu (giáo dục, y tế, bảo trợ an sinh xã hội), các đơn vị sự nghiệp công lập khác phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, do đó triển khai thực hiện nội dung này theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW rất khó thực hiện.

Nguyên nhân và một số giải pháp

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên là do số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay quá lớn, danh mục dịch vụ sự nghiệp công rất rộng, thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả; trong khi đó các hoạt động xã hội hóa dịch vụ công còn khó khăn do số cơ sở ngoài nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực này còn hạn chế, đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện khó khăn... 

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều Bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý còn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL. Tâm lý bao cấp, ỷ lại vào Nhà nước còn nặng nề, chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động và tài chính. Công tác quy hoạch, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và làm rõ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước chưa được thực hiện tốt.

Nhằm nâng cao năng lực tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong thời gian tới cần có những giải pháp tổng thể và quyết liệt từ phía các cơ quan nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, như:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp; định mức kinh tế - kỹ thuật để định giá từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát, quản trị theo hướng tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; hoạt động kiểm định, định giá, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; chính sách xã hội hóa phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Quan tâm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công dưới sự giám sát, quản lý của Nhà nước.

Phê duyệt đầy đủ mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực, trong đó đề nghị quy định rõ danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản và danh mục sự nghiệp công thiết yếu; Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công,...) và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người…