Nhiều mô hình tốt

Ngày 26.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị Đối thoại cấp cao về hợp tác quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

nhung-bien-phap-bao-ve-tai-nguyen-thien-nhien_1661510201620.jpgTăng cường hợp tác, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên

Chia sẻ thành công trong xây dựng mô hình cộng đồng thôn quản lý rừng ngập mặn, bà Ngô Thị Liên, Trưởng cộng đồng thôn Hạ, xã Đồng Rui, Quảng Ninh cho biết, từ những năm 2000, địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển rừng ngập mặn. Năm 2005, xã đã thành lập 4 cộng đồng thôn quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn và hoạt động rất có hiệu quả, thường xuyên nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động, bảo vệ, xử lý các đối tượng xâm hại rừng. Từ năm 2000 đến năm 2010, thực hiện thu hồi các diện tích đầm nuôi trồng thủy sản bỏ hoang để đưa vào trồng rừng mới. Đến nay diện tích đất, rừng ngập mặn toàn xã đã lên tới 2.782ha. Thành tích này đưa xã Đồng Rui trở thành xã tâm điểm trong công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phục hồi trên toàn tỉnh.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai cho biết các mô hình thí điểm hợp tác trong phát triển dược liệu gắn với công tác bảo tồn, phát triển rừng đã đạt được một số kết quả khả quan. Lào Cai có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn (417.463ha), với nhiều loại lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, tinh dầu có giá trị cao có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế dưới tán rừng.

Với mô hình thí điểm, giao rừng để cộng đồng quản lý và bảo tồn phát triển nguồn gene, trong đó có các loài cây dược liệu, người dân đã chủ động về nguồn giống, có việc làm, có thu nhập và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm dựa vào tri thức bản địa đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Với việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên, cộng đồng còn được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 - 600.000 đồng/ha/năm.

Từ thực tế kết quả mô hình hợp tác khai thác, nguồn lợi ngao, sò của Bến Tre, bà Trần Thị Thu Nga, nguyên chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh cho biết, tính hệ thống của tổ chức cộng đồng ngư dân ngày càng rõ nét; diện tích nuôi ngao, chất lượng ngao ngày càng được cải thiện; tính công khai, minh bạch trong nuôi trồng ngao được phát huy và sự phối hợp giữa các bên liên quan ngày càng chặt chẽ.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện hợp tác, quản lý tài nguyên, các chuyên gia cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế. Các chuyên gia cho rằng, khó khăn đầu tiên liên quan đến chi phí giao dịch thời gian và nguồn lực dành cho xây dựng quan hệ đối tác và thương lượng thỏa thuận đồng quản lý. Những cam kết các bên tham gia tiến trình đồng quản lý không bảo đảm gắn bó lâu dài. Vai trò và năng lực của cộng đồng địa phương trong quản lý tài nguyên thiên nhiên còn yếu. Năng lực cần thiết để thúc đẩy tiến trình thương thảo, xây dựng kế hoạch và thỏa thuận đồng quản lý cũng chưa đáp ứng. Hơn nữa, phương pháp này không phải lúc nào cũng khả thi, trong một số trường hợp có thể làm ảnh hưởng tới tiến trình phân quyền trong quản lý.

Ba khuyến nghị của UNDP

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, phương thức đồng quản lý cần được nhân rộng, không chỉ trong ngành lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản mà cả trong các lĩnh vực khác nhằm nâng cao giá trị nông lâm thủy sản, phục hồi tài nguyên thiên nhiên.

Cùng quan điểm, bà Caitlin Wiese, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng để duy trì tăng trưởng lâu dài, Việt Nam cần hướng tới đầu tư, duy trì, và tái tạo nguồn lực tự nhiên mà người dân, cộng đồng và nền kinh tế đang phụ thuộc. Chính phủ cần sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân. Để đạt được mục tiêu này, cần trao quyền và tăng cường hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong đồng quản lý nguồn lực tự nhiên và chia sẻ lợi ích, cũng như lồng ghép cách tiếp cận này trong các kế hoạch phát triển và quy trình lập và phân bổ ngân sách

Để tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam, đại diện UNDP đưa ra 3 khuyến nghị. Thứ nhất, cần tạo ra môi trường, chính sách thúc đẩy nhằm nâng cao vai trò, lợi ích của cộng đồng địa phương, tăng thời gian thỏa thuận cũng như tạo điều kiện để các bên thực hiện cam kết. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực thể chế, sự cam kết của các ban, ngành liên quan đồng hành với các cộng đồng địa phương.

Thứ hai, xây dựng cơ chế tài chính bền vững, dành nguồn kinh phí hỗ trợ các cộng đồng địa phương ngay từ đầu, đẩy nhanh huy động tài chính thông qua trái phiếu xanh, tín dụng carbon… nhằm tạo nguồn vốn cho công tác quản lý dài hạn.

Thứ ba, tăng cường trao đổi giữa các cộng đồng địa phương. Cần tạo ra một cộng đồng thực hành là nơi chia sẻ các mô hình quản lý, kinh nghiệm, dữ liệu…