Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhất là về kinh phí, mặt bằng để thực hiện xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa tại nhiều địa phương.

Nhà văn hóa xóm 2 xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu được xây dựng mới sau sáp nhập

Thực trạng vừa thừa vừa thiếu nhà văn hóa sau sáp nhập

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, Nghệ An đã tiến hành sáp nhập 4.108 đơn vị hành chính, khối, xóm, đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, sáp nhập 35 xã (giảm 20 xã), sáp nhập 3.903 khối, xóm, bản (giảm 2.090 khối, xóm); sáp nhập 170 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện (giảm 101 đơn vị). Việc sáp nhập xóm trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ sở.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.442/3.797 xóm có thiết chế văn hóa - thể thao, đạt 90,7%, nhưng có 355 xóm chưa có thiết chế văn hóa - thể thao, trong đó có 24 xóm chưa có nhà văn hóa; có 284 xóm chưa có khu thể thao và 669 nhà văn hóa chưa đảm bảo chuẩn theo quy định. Không chỉ thiếu nhà văn hóa xóm mà tại các thôn, xóm sau sáp nhập đang đối diện với tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhà văn hóa xóm, ảnh hưởng đến việc hội họp, sinh hoạt văn hóa và các hoạt động cộng đồng cơ sở, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.

Sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều xóm có từ 2-3 nhà văn hóa, trong đó sẽ chỉ lựa chọn 1 nhà văn hóa trung tâm để làm không gian sinh hoạt cộng đồng. Nghe thì như các xóm đang thừa nhà văn hóa nhưng thực tế lại thiếu, vì các nhà văn hóa cũ diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng khi số lượng dân cư tăng lên nhiều. Mặt khác, do địa bàn diện tích xóm sau sáp nhập trải rộng hơn, nên một số vùng dân cư có khoảng cách địa lý xa trung tâm nơi có thiết chế văn hóa, thể thao sẽ bất tiện cho việc di chuyển để tập trung sinh hoạt cộng đồng, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí, ...nhất là những vùng mật độ dân cư thưa thớt, rải rác như nông thôn, miền núi, ....

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, toàn tỉnh có 1.790 nhà văn hóa xóm “dôi dư” sau sáp nhập, trong số các thiết chế văn hóa hiện có thì có khoảng 1.455 xóm có nhà văn hóa quy mô nhỏ (80-100 chỗ ngồi không đủ 70% đại diện hộ gia đình tham gia sinh hoạt), 1.008 xóm có nhà văn hóa xuống cấp, thiếu trang thiết bị.

Xóm Khánh Quang, xã Châu Quang, huyện Qùy Hợp sáp nhập từ xóm Khánh Quang và xóm Hộc Mợi, Nhà văn hóa xóm Khánh Quang được chọn làm Nhà văn hóa trung tâm của cả xóm, nhưng diện tích nhỏ, xuống cấp không đảm bảo họp xóm

Xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp thực hiện sáp nhập 12 xóm thành 6 xóm, từ 26 xóm trước đây hiện toàn xã có 20 xóm, giảm 6 xóm. Sau sáp nhập, các xóm mới có diện tích, dân số tăng lên, mỗi xóm có 2 nhà văn hóa, nhưng hầu hết đều nhỏ, xuống cấp, không đảm bảo đủ diện tích, chỗ ngồi cho việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt, hội họp của xóm, tuy thừa nhưng thiếu nhà văn hóa đạt chuẩn. Đồng chí Trần Mạnh Hùng - Bí thư xã cho biết: Sau sáp nhập, số hộ và nhân khẩu của các xóm/bản tăng lên, diện tích trải rộng hơn trong khi đa phần các nhà văn hóa cũ của các xóm đều được xây dựng từ trước khi sáp nhập, quy mô hoạt động nhỏ, đã xuống cấp, không đủ sức chứa khi các xóm tổ chức họp hay diễn ra các sự kiện văn hóa trong xóm. Thừa nhà văn hóa nhưng lại thiếu nhà văn hóa có quy mô lớn đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cho các xóm. Theo chủ trương của xã, tại các xóm sáp nhập sẽ lựa chọn nhà văn hóa trung tâm của xóm để xây mới làm nhà văn hóa xóm, còn các nhà văn hóa dôi dư sẽ giữ lại để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho cụm dân cư.

Tại 6 xóm sáp nhập, hiện nay mới chỉ xây mới được 2/6 nhà văn hoá (nhà văn hóa xóm Bản Ạng và nhà văn hóa xóm Cù Mọn), nhà văn hoá xóm Yên Luốm đang xây dựng, nhà văn hoá Khánh Quang đã lập hồ sơ để cuối năm 2024 đầu năm 2025 xây dựng; nhà văn hoá Bản Bành và xóm Hoa Thành thì chưa được xây mới, diện tích nhỏ hẹp, trang thiết bị xuống cấp, không đảm bảo việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt, hội họp của xóm.

Theo Báo cáo của UBND huyện Qùy Hợp, sau sáp nhập xóm, toàn huyện có 214 xóm giảm 72 xóm. Hiện nay, toàn huyện 214/214 nhà văn hóa khối/xóm khối, hiện có 7 xã chưa có sân vận động và 104 xóm có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, thực tế do khó khăn về nguồn kinh phí, nên tại các thôn/xóm sau sáp nhập chưa được xây dựng mới nhà văn hóa, không đảm bảo quy mô diện tích cho việc sinh sinh hoạt của xóm. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Qùy Hợp cho rằng tại các xóm sau sáp nhập có 2-3 nhà văn hóa nhưng lại không đảm bảo về diện tích theo quy mô dân số, không đảm bảo đạt chuẩn theo quy định và đảm bảo đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó nguồn ngân sách của Nhà nước và nguồn lực huy động của Nhân dân cho việc xây dựng nhà văn hóa rất khó khăn. Đó là một trong những bất cập tại các xóm sau sáp nhập.

Nhà văn hóa xóm Gia Hội xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương sau sáp nhập không đảm bảo đủ diện tích, chỗ ngồi phải cơi nới chỗ ngồi ra phần diện tích ngoài sân

Tương tự như xã Châu Quang huyện Qùy Hợp, xã Thanh Tiên huyện Thanh Chương cũng rơi vào tình trạng vừa thưa vừa thiếu nhà văn hóa. Sau sáp nhập xã từ 13 xóm xuống 7 xóm, trung bình mỗi xóm sau sáp nhập có 2 -3 nhà văn hóa. Toàn xã có 6 nhà văn hóa xóm còn dôi dư sau sáp nhập. UBND xã đã cho khảo sát và xin ý kiến Nhân dân, 100% Nhân dân có kiến giữ nguyên để phục vụ chung. Như xóm Gia Hội sau khi sáp nhập toàn bộ xóm Gia Hội cũ và 1 phần xóm 11, có dân số tăng lên 340 hộ, nhà văn hóa hiện tại không đủ diện tích sinh hoạt xóm, do đó đã phải cơi nới phần diện tích ngoài sân để đảm bảo chỗ ngồi cho người dân khi sinh hoạt, hội họp.

Tình trạng thừa - thiếu thiết chế văn hóa cơ sở có ở tất các huyện, thành phố trong tỉnh, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân, tồn tại này đã được Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra qua giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cũng như qua phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa xây dựng nông thôn mới, một số nhà văn hóa, công trình, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đang không được sử dụng, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.

Sắp xếp lại, xử lý nhà văn hóa xóm sau sáp nhập

Để tăng cường quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, ngày 04/9/2020 UBND tỉnh đã ban hành Chị thị số 28/CT-UBND. Trên cơ sở Chỉ thị đã được ban hành, các địa phương đã tiến hành rà soát, có phương án xử lý các nhà văn hóa hiện có, về cơ bản các xóm sau sáp nhập sẽ lựa chọn một nhà văn hóa trung tâm làm nhà văn hóa của xóm, còn các nhà văn hóa còn lại cơ bản được giữ lại tiếp tục sử dụng cho hoạt động của từng tổ dân cư.

Nhà văn hóa xóm Trung Sơn xã Tân Sơn huyện Tân Kỳ đã được xây dựng mới khang trang sau khi sáp nhập xóm

Đến nay đã có 9/21 huyện hoàn thành việc phê duyệt sắp xếp các tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính với 3.931 nhà văn hóa đã được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý trong đó có 3.700 nhà văn hóa giữ lại tiếp tục sử dụng, điều chuyển 20 nhà văn hóa, bán đấu giá 167 nhà văn hóa, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 4 nhà văn hóa, thu hồi 4 nhà văn hóa. Khó khăn hiện nay trong việc quản lý, sử dụng các nhà văn hóa xóm sau khi sáp nhập đó là các địa phương còn lúng túng, bị động trong việc lựa chọn phương án sắp xếp, nguyên nhân là do khi sáp nhập xóm, diện tích tăng lên, dân cư phân bổ rộng, các nhà văn hóa cũ không nằm ở trung tâm xóm mới nên việc lựa chọn nhà văn hóa nào giữ lại tiếp tục sử dụng, nhà văn hóa nào không tiếp tục sử dụng rất khó khăn.

Sau khi sáp nhập các địa phương đã tích cực rà soát, trình UBND tỉnh phương án sắp xếp, xử lý nhà và đất sau sáp nhập đơn vị hành chính, từ đó đã cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới các nhà văn hóa tại các xóm sau khi sáp nhập nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của Nhân dân. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao trong số các nhà văn hóa sau sáp nhập có 812 xóm có nhà văn hóa đã nâng cấp mái che, cải tạo một trong số nhà văn hóa làm điểm sinh hoạt chung của xóm, 358 nhà văn hóa xóm đã được xây mới và có kế hoạch xây mới. Còn các nhà văn hóa thuộc diện “dôi dư” nhưng trên thực tế bà con Nhân dân vẫn có nhu cầu sử dụng thường xuyên, hiệu quả và thuận tiện cho việc sinh hoạt theo vùng, theo nhóm cộng đồng dân cư. Nếu thu hồi, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các thiết chế “dôi dư” này, dự báo sẽ có nguy cơ thiết chế văn hóa không đáp ứng tương thích với nhu cầu của người dân. 

Tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà văn hóa xóm

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng nhà văn hóa xóm nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại nhiều địa phương, nhà văn hóa đã hư hỏng, xuống cấp, thậm chí có địa phương vẫn chưa có nhà văn hóa. Rõ ràng việc dư thừa về số lượng, thiếu về quy mô, tiêu chuẩn nhà văn hóa xóm sau khi sáp nhập đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở.

Trên thực tế, thiếu mặt bằng và kinh phí đầu tư là nguyên nhân chính khiến việc thực hiện tiêu chí về văn hóa: cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) và văn hóa (tiêu chí số 16) tại nhiều địa phương khó thực hiện. Vì để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa theo đúng tiêu chí nông thôn mới cần phải có mặt bằng đủ rộng và nguồn kinh phí khá lớn, trong khi đó quỹ đất không có, điều kiện ngân sách và khả năng huy động sức dân có hạn hiện đang là rào cản và thách thức lớn với địa phương để thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Do đó, cần tiếp tục đầu tư, xây dựng các nhà văn hóa đảm bảo về diện tích, chỗ ngồi để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của xóm mới sau khi sáp nhập, góp phần đảm bảo tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, các địa phương cần tiếp tục hoàn thành việc lập phương án sắp xếp, xử lý nhà văn hóa xóm sau sáp nhập từ đó có phương án, kế hoạch đầu tư, xây dựng phù hợp, tránh lãng phí.

Ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở thôn xóm như: Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020; chính sách hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa đối với các thôn sau sáp nhập và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em gắn với thiết chế văn hóa, thể thao quy định tại Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 12/11/2022; chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em quy định tại Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023. Đồng thời, rà soát lại để đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới cho phù hợp với thực tế.

Cùng với đó cần làm tốt công tác xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó phấn đấu hoàn thiện thiết chế văn hóa -thể thao cơ sở, đáp ứng như cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân địa phương. Tăng cường công tác quản lý các nhà văn hóa, khuyến khích Nhân dân phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn/xóm nhất là nhà văn hóa tại các thôn, xóm sau sáp nhập; không để xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.