Kết quả thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội

Nghệ An là tỉnh có dân số đông và có số đối tượng bảo trợ xã hội lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có 147.493 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và 995 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ giáo dục tại các cơ sở trợ giúp xã hội (có 09 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó: 04 cơ sở trợ giúp xã hội công lập, 05 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; ngoài ra còn có 01 cơ sở bảo trợ tổng hợp công lập đang được xây dựng mới).

Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, tính đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 136.415 đối tượng bảo trợ xã hội với 804.626 lượt đối tượng được thụ hưởng, tổng kinh phí đã chi trả cho các đối tượng là 3.360.591 triệu đồng cho các nhóm đối tượng. Tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bản toàn tỉnh có 365/995 đối tượng đang hưởng trợ chính sách trợ giúp xã hội, có 5.040 lượt đối tượng được hưởng chính sách với tổng kinh phí 16.905 triệu đồng. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng và chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH, việc thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất cho các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn (đột xuất) trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội tại các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện đúng quy định. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 14.085 tấn gạo cho 252.194 lượt hộ (924.627 nhân khẩu); hỗ trợ chi phí mai táng và người bị thương nặng cho 670 trường hợp; hỗ trợ kinh phí hộ gia đình có nhà trôi, nhà sập, hộ phải di dời khẩn cấp cho 1.730 hộ. Tổng kinh phí thực hiện để trợ giúp đột xuất hơn 37.532 triệu đồng.

dc-nguyen-nhu-khoi-gap-go-cac-doi-tuong-bao-tro-xh-tai-cac-co-so-bao-tro-xh-thien-tam.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi gặp gỡ các đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Tâm

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Công văn số 4242/UBND-VX ngày 25/6/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính đã kịp thời tổng hợp số liệu, xây dựng phương án tài chính để chi trả cho các đối tượng theo mức chuẩn mới là 360.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2021. UBND cấp huyện, cấp xã đã triển khai thực hiện chi trả kịp thời, theo đúng quy định. Tính đến thời điểm 30/9/2021, số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh là 144.678 đối tượng. Trong đó: số đối tượng hưởng trợ cấp tại cộng đồng là 143.683 đối tượng, dự kiến kinh phí thực hiện chi trả là 252.560,7 triệu đồng; số đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ giáo dục tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 995 đối tượng, dự kiến kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng: 1.530,36 triệu đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho 928 đối tượng với dự kiến kinh phí là 6.681,6 triệu đồng; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 với số gạo 341.100 kg hỗ trợ cho 4.579 hộ dân và 22.740 nhân khẩu.

Một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn còn những hạn chế:

Công tác tuyên truyền các chính sách về công tác BTXH có lúc có nơi chưa được thường xuyên; việc thiết lập, quản lý hồ sơ ở một số xã chưa thực sự khoa học, một số hồ sơ còn thiếu thông tin, thông tin chưa đầy đủ, chưa đảm bảo theo quy định; quy trình thủ tục tiếp nhận, giải quyết chế độ cho một số đối tượng chưa tuân thủ các mốc thời gian theo quy định; công tác xét duyệt trợ cấp xã hội, xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng cấp xã có lúc có nơi còn cảm tính, một số nơi có biểu hiện nể nang; công tác quản lý đối tượng, cập nhật thông tin, lập hồ sơ biến động tăng, giảm đối tượng, điểu chỉnh chế độ hưởng tại một số đơn vị cấp xã chưa kịp thời;.... Cơ sở vật chất của các cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu thốn, diện tích chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng tiếp nhận thực tế cũng như chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng.

dai-dien-can-bo-xom-phat-bieu-y-kien-ve-viec-thuc-hien-bao-tro-xh-tai-xa-thanh-khe.jpg
Đại diện cán bộ xóm phát biểu ý kiến về việc thực hiện bảo trợ xã hội tại xã Thanh Khê

Những giải pháp cần tập trung thực hiện

Để khắc phục những hạn chế, bất cập và thực hiện tốt hơn nữa chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường hướng dẫn, thực hiện việc rà soát, xét duyệt các đối tượng đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch; việc tổng hợp, lưu trữ hồ sơ, cập nhật thông tin, số liệu quản lý đối tượng chặt chẽ đúng quy định; thực hiện tốt công tác chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương về việc quản lý, cập nhật biến động tăng, giảm đối tượng trong thực hiện chi trả chế độ, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Thứ hai, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội về chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở. Chỉ đạo xây dựng phương án tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ, tài trợ từ bên ngoài tại các cơ sở bảo trợ xã hội minh bạch, công khai.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Rà soát lại các điểm chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng khó khăn tự phát trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn các địa điểm hoạt động đúng quy định của pháp luật.

sos-vinh.jpg
Gia đình SOS tại Làng SOS Vinh

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập để chấn chỉnh các sai sót về hồ sơ, thủ tục xác định đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo việc thực hiện chi trả cho các đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đúng quy định.

Thứ năm: tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật các văn bản liên quan đến công tác bảo trợ xã hội cũng như các chính sách cho đội ngũ công chức làm công tác lao động - thương binh và xã hội các cấp và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Chú trọng công tác hướng dẫn, tập huấn nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã.

Thứ sáu: nghiên cứu, xem xét phương án hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị cần thiết và bổ sung người làm việc cho các cơ sở trợ giúp xã hội để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội ở tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế trong gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hy vọng trong thời gian tới các cấp chính quyền, các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội./.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh