Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Do đó, việc theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát là công đoạn rất quan trọng.

Thực hiện và theo dõi thực hiện kết luận giám sát là giai đoạn tiếp theo, kế thừa nhưng độc lập tương đối với giai đoạn giám sát. Đây là giai đoạn quan trọng, khá phức tạp, nhằm hiện thực hóa các nội dung trong kết luận giám sát với sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có vai trò, trách nhiệm và chức năng hoạt động khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.

HĐND tỉnh giám sát về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Báo NA

Điều 7, Luật giám sát của Quốc Hội và HĐND quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; …nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của Hội đồng nhân dân; thực hiện kết luận, kiến nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân”.

Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các Ban HĐND theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát (Điều 25); việc xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND và một số nội dung liên quan được quy định cụ thể tại Nghị quyết này (Điều 26, 27 và 28, 29) .

Ở Nghệ An, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn của HĐND tỉnh, giám sát và phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh (sau đây gọi chung là giám sát), đã có những chuyển biến tích cực về “chất, lượng”, phạm vi giám sát được triển khai rộng khắp các địa bàn của tỉnh, trên các lĩnh vực đời sống xã hội với phương châm “đồng hành” cùng các cơ quan nhà nước, các đơn vị thực thi pháp luật, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với một khối lượng công việc rất lớn, trong 3 năm, HĐND, các cơ quan HĐND tỉnh đã tiến hành 16 cuộc giám sát chuyên đề (HĐND: 06 chuyên đề, Thường trực HĐND: 02 chuyên đề, các Ban HĐND: 08 chuyên đề) về công tác quản lý đất đai, môi trường, quản lý khoáng sản, đào tạo nghề, chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, lĩnh vực BHXH, y tế, cải cách hành chính, chế độ chính sách vùng DTTS hay hoạt động của các cơ quan tư pháp…; tổ chức 5 phiên chất vấn của HĐND tỉnh về 10 vấn đề như: chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, quản lý thuỷ điện, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tiêu thụ các sản phẩm OCOP; Công tác phòng, chống bạo lực học đường; phát triển du lịch, đối với 11 sở ngành; 06 phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đối với 8 sở ngành với nhiều nội dung trọng tâm như thu hồi đất nông lâm trường, quản lý thủy điện…). Sau giám sát, các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND đều được tham mưu ban hành nghị quyết HĐND tỉnh, các nội dung chất vấn của HĐND tỉnh, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận; các nội dung giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đều kịp thời báo cáo kết quả giám sát theo quy định. Chỉ tính riêng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và giám sát của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 8 cuộc giám sát thì đã có hơn 80 vấn đề kết luận, kiến nghị cần khắc phục.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.Ảnh: Báo NA

Việc theo dõi kết luận giám sát đã được HĐND tỉnh xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể “100% kiến nghị giám sát được cập nhật đầy đủ, kịp thời trên hệ thống cơ sở dữ liệu; trong đó, trên 90% kiến nghị giám sát cụ thể, khả thi, đúng quy định pháp luật và được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định và “Thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị giám sát…”. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra, công tác theo dõi các kết luận giám sát nói chung đã được Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo, các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức thực hiện hàng năm thông qua việc tổng hợp, thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện của UBND tỉnh tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh, ban hành báo cáo đánh giá về giám sát chuyên đề của HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay, yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện kết luận phiên giải trình trước đó khi tổ chức phiên giải trình mới, tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các cơ quan chuyên trách…,  từ đó để tiếp tục tìm giải pháp theo dõi, đeo bám đối với các kết luận giám sát.

Từ thực tế hoạt động cho thấy, một số vấn đề cần quan tâm trong việc theo dõi đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đó là: Chất lượng của kết luận giám sát; tính khoa học của việc cập nhật, tổng hợp báo cáo kết quả theo dõi thực hiện các kết luận kiến nghị giám sát; quy trình, cách thức thực hiện và theo dõi, đôn đốc để tránh các kết luận giám sát chậm thực hiện hoặc có thể bị “lãng quên”; phát huy vai trò của các chủ thể giám sát và bộ phận tham mưu sát sao, kịp thời. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện theo dõi kết luận sau giám sát nói chung của HĐND, các cơ quan HĐND xin đề cập một số giải pháp để cùng nghiên cứu trao đổi như sau:

Thứ nhất , tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, qua giám sát chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, kết luận, kiến nghị cụ thể, trọng tâm vấn đề cần khắc phục và thời gian thực hiện; bám sát Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH ngày 12/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết, chương trình kế hoạch của địa phương để thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát và xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động HĐND.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 18, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo NA

Thứ hai là, lập hệ thống cơ sở dữ liệu (ở mức độ số hóa phù hợp) về giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình, đảm bảo việc tổng hợp, lưu trữ, khai thác thông tin kịp thời, đầy đủ; Tổng hợp, phân loại các kết luận, kiến nghị để dễ theo dõi; Tổng hợp kết quả thực hiện kết luận giám sát, trong đó so sánh được kết quả thực hiện với các kết luận đã ban hành. Đối với một số kết luận, kiến nghị có tính chất cấp thiết, cần phải có biện pháp khắc phục ngay thì Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, trong trường hợp cần thiết báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét sau khi tiến hành giám sát.

Thứ ba là, Thường trực HĐND phân công cụ thể cho các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, Văn phòng theo dõi việc thực hiện các nội dung kết luận theo lĩnh vực hoặc địa bàn phụ trách đối với nội dung giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; các Ban HĐND chủ động trong xây dựng kế hoạch theo dõi thực hiện kết luận đối với giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách, giám sát của Ban.

Đưa nội dung theo dõi kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát vào xem xét tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng, hàng quý. Thường trực HĐND, các Ban HĐND kịp thời có văn bản, đôn đốc, nhắc nhở đối với chậm thực hiện hoặc xem xét đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh hoặc tổ chức tái giám sát; Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kết luận các nội dung giám sát vào giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ để đánh giá rõ hơn về kết quả thực hiện.

Ban Văn hoá - Xã hội tìm hiểu điều kiện làm việc của người lao động tại một cơ sở cán tôn thép, thuộc cụm công nghiệp Diễn Hồng (huyện Diễn Châu). Ảnh: Báo NA

Thứ tư là, xây dựng, bổ sung vào quy chế phối hợp với UBND về cách thức, quy trình thực hiện các kết luận sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND:

- UBND, các sở ngành liên quan có kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện các kết luận giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND và gửi tới các chủ thể giám sát; 

- Thường trực HĐND tỉnh quy định cụ thể thời gian báo cáo kết quả thực hiện kết quả giám sát của UBND tỉnh và các ngành (chậm nhất là trước 10 ngày so với thời gian tổng hợp theo quy định);

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng cấp huyện, xã đảm bảo việc tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kết luận giám sát chậm nhất ngày 30/3 và 30/8 hàng năm để báo cáo Thường trực HĐND (theo Điều 26, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH).

Thứ năm là, tăng cường vai trò trách nhiệm của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND trong đeo bám, theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát qua nhiều kênh: xem xét báo cáo kết quả thực hiện; việc giám sát thường xuyên; hội nghị tiếp xúc cử tri, phản ánh của các cơ quan báo chí; hoặc có thể lồng ghép vào quá trình giám sát các nội dung chuyên đề giám sát mới nếu cùng địa bàn để đôn đốc tiến độ thực hiện các kết luận.

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trong tỉnh từ năm 2021 đến nay.Ảnh: Báo NA

Cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND-UBND các cấp trong việc tham mưu xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu về giám sát; phân công cụ thể bộ phận tổng hợp các báo cáo kết quả giám sát, kết quả theo dõi tiến độ thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát để kịp thời tham mưu cho Thường trực, các Ban HĐND thực hiện các bước tiếp theo trong nhiệm vụ giám sát.

Thứ sáu là, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát (trước, trong và sau giám sát); Bổ sung chuyên mục theo dõi tổng hợp về kết quả giám sát trên Trang thông tin điện tử của tỉnh; Xây dựng chuyên mục trên Đài phát thanh - Truyền hình, để thực hiện quy định công khai về giám sát, trong đó tập trung phản ánh kết quả giải quyết kết luận giám sát, nhất là những vấn đề bức xúc, chưa hoặc chậm giải quyết. Qua đó tăng cường sự giám sát của Nhân dân đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương trong giải quyết kết luận, kiến nghị giám sát cũng như kiến nghị của cử tri.