Một số chuyển động bước đầu
Bước vào nhiệm kỳ 2021 – 2026, trước sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội và yêu cầu phát triển cao hơn của tỉnh, đã đặt ra những trăn trở, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Sự đổi mới tạo hiệu quả bước đầu được “đo lường” bằng kết quả 5 kỳ họp HĐND tỉnh đó là khoa học, chuyên nghiệp, đặc biệt kỳ họp hoàn toàn “không giấy”. Các hoạt động giám sát, khảo sát, tổ chức phiên giải trình, tiếp xúc cử tri, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị cử tri… cũng từng bước được nâng cao.
Đại biểu HĐND tỉnh, ông Vi Hoè - Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn cho rằng, việc đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh buộc các đại biểu HĐND tỉnh không thể đứng ngoài cuộc mà phải thay đổi cách tiếp cận để thích ứng, không thể qua loa, đại khái mà phải thật sự trách nhiệm trong việc nghiên cứu tài, liệu, tham gia góp ý vào các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, các hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và theo đuổi việc giải quyết kiến nghị của cử tri…
Quả đúng như vậy, theo dõi một số kỳ tiếp xúc cử tri, chúng tôi ghi nhận được những trăn trở của đại biểu HĐND tỉnh. Ngoài việc thông tin, trả lời kết quả giải quyết các kiến nghị liên quan đến địa bàn, địa phương từ phía cơ quan chức năng mà cử tri đề cập ở các hội nghị trước, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cũng đã chủ động nghiên cứu các vấn đề ở địa bàn đó đang bức xúc để giải trình thấu đáo các kiến nghị, phản ánh ngay tại hội nghị. Một số đại biểu, ngay sau khi kết thúc hội nghị tiếp xúc cử tri đã khảo sát trực tiếp vấn đề cử tri phản ánh để xác thực và xử lý kịp thời.
Như cuộc tiếp xúc cử tri tại 8 xã thuộc cụm Cát Ngạn (huyện Thanh Chương) vào ngày 15/11/2021, sau khi nghe cử tri phản ánh việc thi công tuyến đường nối Quốc lộ 46C, từ ngã 3 xã Thanh Liên đi đường Hồ Chí Minh triển khai chậm và quá trình thi công làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; các đại biểu HĐND tỉnh: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp khảo sát và yêu cầu nhà thầu khắc phục bất cập, đẩy nhanh tiến độ thi công. Hay việc đeo bám việc việc giải quyết kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền từ phía đại biểu HĐND tỉnh.
Như tại cuộc tiếp xúc cử tri tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp trước kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khoá XVIII, sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri Hoàng Xuân Minh liên quan đến đất ở của gia đình được cấp và đã nộp tiền đầy đủ vào năm 1995, nhưng năm 2019 làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng yêu cầu gia đình ông nộp hơn 140 triệu đồng để cấp bìa; đại biểu HĐND tỉnh, ông Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu chính quyền huyện Quỳ Hợp kiểm tra, giải quyết ý kiến cử tri và sau 3 tháng, gia đình ông Hoàng Xuân Minh được cấp giấy chứng nhận và nhận lại số tiền chính quyền thu sai quy định. Cùng với gia đình ông Minh, ở địa phương còn có 7 hộ tương tự được cấp bìa và hoàn trả lại số tiền thu trước đó.
Nêu cao ý thức trách nhiệm ở mỗi đại biểu
Có thể nói, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của đại biểu. Chất lượng đại biểu, ngoài trình độ, năng lực, trí tuệ thì tinh thần trách nhiệm là yếu tố cốt lõi và có ý nghĩa quyết định. Bởi khi đại biểu có ý thức trách nhiệm thì họ sẽ trăn trở, chủ động tìm cách để thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của người đại biểu theo quy định của pháp luật, chứ không phải tìm lý do để nguỵ biện. Tuy nhiên thực tiễn đang đặt ra những hạn chế nhất định.
Ông Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn nêu tại một diễn đàn bàn giải pháp nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri: “Cử tri kiến nghị, họ rất kỳ vọng. Song dường như đại biểu chúng ta đang ít đeo bám vấn đề xử lý các kiến nghị, phản ánh của cử tri. Khá nhiều đại biểu không giải thích được các vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri mà chỉ tiếp thu và phản ánh lên kỳ họp hội đồng”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng: Đại biểu phải có đủ năng lực để giải thích, giải đáp trước cử tri những vấn đề cơ bản về pháp luật, về chính sách và phải thật sự đeo bám việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri, tránh sự lãng quên hoặc “đánh trống bỏ dùi” các vấn đề cử tri kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri và tại các kỳ tiếp dân ở cấp tỉnh, các địa phương có đại biểu HĐND tỉnh tham gia, tiếp nhận thông tin. Đại biểu cần có ý thức tăng cường giữ mối liên hệ với cử tri mà công nghệ thông tin, mạng xã hội hiện nay là cơ hội thuận lợi để đại biểu dân cử tiếp xúc, trao đổi, tiếp nhận rất nhiều ý kiến, phản ánh của cử tri thông qua zalo, faceboook…. Và trên cơ sở tiếp thu đó, mỗi đại biểu ngoài đeo bám việc giải quyết của cơ quan chức năng thì cũng cần chủ động đề xuất cơ quan dân cử tiếp xúc cử tri chuyên đề ở địa bàn, lĩnh vực đang “nóng” vấn đề nào đó nhằm giải quyết một cách thấu đáo ý kiến cử tri quan tâm.
Cũng đề cập đến trách nhiệm đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, ông Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị uỷ Thái Hoà, cho rằng, mỗi đại biểu HĐND tỉnh phải tăng cường bám sát cơ sở, giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri và nhân dân - người đã bầu ra mình để kịp thời phát hiện những bất cập, những vấn đề Nhân dân cần thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Mỗi đại biểu, trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu cũng cần tăng cường khảo sát, giám sát việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chính sách cũng như hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi được bầu, để các kế hoạch, chính sách đi vào cuộc sống; đồng thời thông qua giám sát để đôn đốc chính quyền các cấp chuyển từ giải trình, giải thích sang giải pháp và cách thức giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cũng như các kiến nghị chính đáng của cử tri như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đối với chính quyền các cấp. Mỗi đại biểu HĐND phải thường xuyên tự nghiên cứu, tự trau dồi để năng cao năng lực, kỹ năng hoạt động chuyên nghiệp của đại biểu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xét ở góc độ quy định đối với đại biểu HĐND kiêm nhiệm được nêu rất rõ trong Luật Chính quyền địa phương năm 2015 đó là phải phải dành 1/3 thời gian cho hoạt động của HĐND. Mỗi đại biểu làm tròn vai trò, trách nhiệm đã được pháp luật quy định, trước hết là trách nhiệm đại diện cho ngành, khối, lĩnh vực, lực lượng, giới để bầu vào HĐND; nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của tri. Mặt khác, trước mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các ứng cử viên đều xây dựng chương trình hành động với những cam kết cụ thể. Bởi vậy, các đại biểu dân cử cần tự giác để thực hiện, bởi hơn ai hết, các đại biểu phải tự giám sát chính mình trên tinh thần “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XIII) đặt ra.
Cùng với tinh thần trách nhiệm, tự giác của chính mỗi đại biểu thì cũng cần có cơ chế giám sát chương trình hành động, thực hiện lời hứa của đại biểu; cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu. Có như vậy, hoạt động HĐND mới hiệu quả và làm đúng “sứ mệnh” - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.
Nếu không làm được vậy, các đại biểu tự đánh mất vai trò, vị thế người đại biểu Nhân dân của mình; đặc biệt vô hình trung rơi vào biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) đã chỉ ra “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân”.
Minh An