Theo quy định của pháp luật, Luật Bình đẳng giới năm 2006, mục tiêu lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng VBQPPL là nhằm xây dựng các chính sách pháp luật và VBQPPL bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với đặc thù của mỗi giới, tạo cơ hội, điều kiện, năng lực phát triển bình đẳng cho nam, nữ trong lĩnh vực quan hệ xã hội thuộc phạm vi dự kiến điều chỉnh của VBQPPL; Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định việc đánh giá tác động chính sách về giới đối với tất cả các văn bản quy phạm đều phải được đánh giá tác động trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, giới (nếu có), và tác động đối với hệ thống pháp luật. Theo đó, đối với mỗi chỉ tiêu tác động về kinh tế như chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, lợi ích đầu tư hay mỗi chỉ tiêu tác động về xã hội như vấn đề việc làm, thu nhập từ việc làm... của một giải pháp đều cần đánh giá tác động của các chỉ tiêu đó đối với nam và nữ, phân tích các tác động có tạo nên sự khác biệt lớn giữa hai giới không (trên các tiêu chí cơ hội, năng lực, điều kiện và thụ hưởng lợi ích từ việc thực thi giải pháp chính sách).

Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới

Như vậy, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là cách thức mà các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tiến hành, nhằm xác định rõ các vấn đề giới cần phải giải quyết, trên cơ sở đó, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với nội dung các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới để đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Tại Điều 28, Luật Bình đẳng giới, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp: Trình Hội đồng nhân dân ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới theo thẩm quyền. Thông tư số 17/2014/TT-BTP tiếp tục quy định rõ quy trình, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong các bước thực hiện lồng ghép BĐG trong xây dựng VBQPPL, trong đó quy định nhiệm vụ Thẩm tra của HĐND. Nội dung thẩm tra vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gồm: Việc xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết vấn đề giới trong dự thảo văn bản; Việc bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới trong dự thảo văn bản bao gồm cả việc đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đối với các dự thảo văn bản là luật, pháp lệnh, nghị định; Tính khả thi của dự thảo văn bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới; Việc tuân thủ quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Phát huy tinh thần trách nhiệm trong vấn đề xem xét việc lồng ghép giới trong công tác thẩm tra các dự thảo VBQPPL.

Với chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định, từ năm 2016 đến hết năm 2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An các khóa 17, 18 đã ban hành 591 nghị quyết.(Nhiệm kỳ 2016-2021, ban hành 306 nghị quyết, trong đó có 54 nghị quyết về cơ chế chính sách; nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến hết năm 2023, ban hành 285 nghị quyết, trong đó 25 nghị quyết về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội). Các nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An được ban hành đúng pháp luật, kịp thời cụ thể hóa vấn đề được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, đề ra các biện pháp, giải pháp phát triển trên các lĩnh vực ở địa phương, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bám sát quy định, tất cả các nghị quyết về cơ chế chính sách đều được xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới thông qua việc xem xét báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An thẩm tra một số dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hoá – xã hội để trình kỳ họp

Các Ban HĐND tỉnh, đại biểu chuyên trách luôn nêu cao vai trò trách nhiệm trong thẩm tra, giám sát đối với các dự thảo VBQPPL. Tại mỗi kỳ họp, theo phân công cụ thể của Thường trực HĐN tỉnh, các nội dung thẩm tra của các Ban đều thực hiện đầy đủ các quy trình thẩm tra, trong đó có nội dung xem xét tác động chính sách đối với các dự thảo nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội, về cơ chế chính sách có liên quan rõ đến yếu tố giới, bình đẳng giới. Vì vậy, các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành từ trước đến nay luôn đảm bảo xem xét lồng ghép bình đẳng giới theo quy định. Các báo cáo thẩm tra thể hiện rõ chính kiến, vừa có tính phản biện cao, vừa đảm bảo tính thuyết phục, được UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đồng tình, tiếp thu.

Nhiệm kỳ 2016-2021, có 3 đại biểu nữ/13 đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh, có 25 đại biểu nữ/tổng số 91 đại biểu HĐND tỉnh khóa 17, (tỷ lệ 27%);  đại biểu khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với 18 người (tỷ lệ 19,8%); Nhiệm kỳ 2021-2026, có 4 đại biểu nữ/13 đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh; có 23 đại biểu nữ/83 đại biểu HĐND tỉnh khóa 18 (tỷ lệ 27,71%), có 17 đại biểu nữ thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên đây là Nghị quyết thể hiện rõ việc đảm bảo tỷ lệ nữ và các thành phần tham gia, là minh chứng đầu tiên cho việc thực hiện tốt BĐG và cũng là cơ sở cho quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, nhất là khối MTTQ và đoàn thể chính trị trong quá trình xây dựng VBQPPL sau này.

Qua thẩm tra của các Ban HĐND, những vấn đề về đánh giá tác động chính sách có liên quan đến vấn đề BĐG được chỉ rõ, cụ thể ở một số Nghị quyết như:

(1) Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Nghị quyết 01/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023). Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra và đề nghị UBND tỉnh xem xét kỹ lưỡng các nội dung hỗ trợ, hỗ trợ về thủ tục hành chính, để đảm bảo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; xem xét vấn đề tác động về giới.

(2) Dự thảo Nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản (Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND, ngày 07/12/2023). Đây là nghị quyết có phạm vi điều chỉnh rộng. Ban Pháp chế, HĐND tỉnh qua thẩm tra đã đề nghị sửa nâng mức phụ cấp Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, khối, bản cao hơn mức phụ cấp Trưởng ban công tác mặt trận; điều chỉnh mức phụ cấp giữa các loại xóm, khối, bản để đảm bảo tương quan hợp lý giữa các xóm, khối, bản; đồng thời cũng yêu cầu làm rõ vấn đề tác động về BĐG trong chính sách, việc kiêm nhiệm của các chức danh bán chuyên trách ở các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở.

(3) Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ kinh phí để thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An (Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND, ngày 12 tháng 12 năm 2019). Có thể nói đây là một Nghị quyết chính sách thể hiện rõ nét nhất có yếu tố về giới vì đối tượng thuê khoán nấu ăn tại các trường cơ bản là nữ. Do đó, quá trình thẩm tra về báo cáo đánh giá tác động cũng như chính sách liên quan đã được Ban Văn hóa – XH HĐND tỉnh cùng các Ban HĐND tỉnh rà soát thẩm tra rất kỹ lưỡng, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh xem xét để tăng định mức hỗ trợ  từ 100% lên 135% mức lương cơ sở/1 tháng/35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo…và đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu.

(4) Dự thảo Nghị quyết quy định một số chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma tuý bắt buộc, cai nghiện ma tuý tự nguyện và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, ngày 7/7/2023). Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chế độ chính sách: đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chế độ hỗ trợ tiền ăn hàng năm của người nghiện ma túy trong thời gian quản lý tại các cơ sở cai nghiện đối với nam và đối với nữ; qua thẩm tra đã xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo chính sách liên quan đến BĐG, bảo vệ đối tượng là nữ, trẻ em vị thành niên trong phạm vi Nghị quyết.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại Kỳ họp

Ngoài ra hàng năm HĐND tỉnh cũng giao các Ban thẩm tra các báo cáo về công tác giảm nghèo, Công tác trẻ em, các chỉ tiêu đề ra tại báo cáo kinh tế - xã hội, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết cơ chế chính sách đã ban hành, các kết luận sau giám sát và chất vấn của HĐND, giải trình của Thường trực HĐND liên quan đến vấn đề BĐG. Bên cạnh đó, để thực hiện theo quy định, các cuộc thẩm tra của HĐND đều mời thành phần Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia; đại biểu thành phần các tổ chức chính trị xã hội tỉnh là thành viên các Ban HĐND để phát huy vai trò trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến lồng ghép về BĐG.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã nêu trên, việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và tại địa phương, vẫn còn một số bất cập, vướng mắc như vẫn còn chồng chéo giữa các quy định, thiếu căn cứ để xác định số liệu, tính đồng bộ về thực hiện lồng ghép giới giữa các khâu của quy trình xây dựng văn bản QPPL. Chưa có quy định cụ thể các báo cáo về lồng ghép giới ở các bước của quy trình xây dựng VBQPPL, hay quy định chi tiết về tỷ lệ giới trong quá trình thu thập thông tin dữ liệu để đánh giá tác động của xã hội và tác động giới, đặc biệt là báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật liên quan để nhận diện, xác định các vấn đề nguyên nhân của bất cập, vấn đề nhìn từ góc độ giới và đưa ra phương án giải quyết tại một số nội dung chính sách hoặc các chỉ tiêu KT-XH liên quan trực tiếp về BĐG trong VBQPPL...

Một số kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, từ thực tiễn vấn đề đã nêu, xin đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu quy định thống nhất trong các văn bản luật, việc lồng ghép giới đối với văn bản quy phạm pháp luật; quy định lồng ghép giới trong xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình ở các cấp, xác định rõ về việc thống kê số liệu về giới, tỷ lệ quy định BĐG trong xây dựng VBQPPL để có cơ sở cho việc tổng hợp, phân tích và triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Thứ hai, UBND tỉnh, các ngành và địa phương quán triệt các Văn bản Luật, Nghị định, thông tư của Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện về Lồng ghép giới trong toàn bộ quy trình xây dựng VBQPPL; bảo đảm quyền của mỗi giới trong trình tự xây dựng VBQPPL ( từ khâu đề xuất xây dựng văn bản, lập đề nghị về chương trình xây dựng VBQPPL đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo, hoàn thiện dự thảo VBQPPL); Bảo đảm sự tham gia của cơ quan Lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng VBQPPL theo quy định tại Thông tư số 17/2014/TT-BTP của Bộ tư pháp (Điều 11,12,13,16) và các quy định hiện hành. Tạo điều kiện để bước thẩm tra của HĐND tại địa phương có đủ hồ sơ để thẩm tra, đánh giá về việc lồng ghép giới, bình đẳng giới trong quá trình xây dựng VBQPPL. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra đối với việc thực hiện lồng ghép giới trong các quy trình xây dựng VBQPPL.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (trong đó có Hội LHPN) “Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật”, chủ động phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc cho ý kiến, tham gia vào quy trình xây dựng dự thảo VBQPPL và thẩm tra dự thảo VBQPPL, biểu quyết thông qua các Nghị quyết, VBQPPL của địa phương (nếu là đại biểu HĐND).

Thứ tư, các Ban HĐND các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các quy định của Pháp luật và quy định tại Điều 20, 21 Thông tư số 17/2014/TT-BT ngày 13/8/20214 của Bộ Tư Pháp trong quá trình thẩm tra về lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL. Rà soát và xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm tra VBQPPL trong đó có nội dung về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, có kiến nghị đối với cơ quan trình những nội dung phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của địa phương.   

Thứ năm, trong giai đoạn chuẩn bị các bước cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới,  đề nghị Đảng Bộ, HĐND các cấp, quan tâm đối với việc xây dựng cơ cấu, đề xuất, bố trí và bảo vệ tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy, nhiệm kỳ 2025-2030; tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra về BĐG, lồng ghép giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.