Với kết quả này, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã hoàn thành 81,8% nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ.
Đặt trong bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, rất nhiều khó khăn xuất hiện do tác động của đại dịch Covid-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và nhiều vấn đề mới phát sinh, thành quả này là hết sức to lớn. Đây cũng là minh chứng sống động cho tinh thần bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, vào cuộc “từ sớm, từ xa” của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan.
Tuy vậy, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp, khối lượng công việc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ. Trước bối cảnh này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hai yêu cầu đối với Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan liên quan.
Một là, tập trung chỉ đạo hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ và nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tuyệt đối không để xảy ra “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Hai yêu cầu xác đáng - mà người đứng đầu Quốc hội đã đề cập ngay từ đầu nhiệm kỳ - đặt ra cho Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội những bài toán khó nhưng phải giải được và giải nhanh.
Trong đó, tính kịp thời, cập nhật của văn bản quy phạm đòi hỏi nỗ lực và sự thay đổi lớn trong tư duy xây dựng chính sách. Trước thực tiễn thay đổi quá nhanh, đặc biệt là trong thời đại số hóa, các đạo luật không nên tiếp cận theo cách xử lý vấn đề lớn; nhiều chính sách, nhiều vấn đề cùng lúc đặt ra và xử lý trong cùng một văn bản. Cần chấp nhận sửa nhanh, làm mới nhanh các vấn đề thay vì chờ đợi rà soát toàn diện, rồi mới đưa vào chương trình và tốn mất vài năm để kết thúc được một công việc lớn. Việc Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và khách du lịch, kích cầu du lịch… tại Kỳ họp thứ Năm chính là một ví dụ.
Với yêu cầu thứ hai, vai trò nhận diện, phát hiện tình trạng tham nhũng chính sách từ các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội trong quá trình thẩm tra là đặc biệt quan trọng, do việc “cài cắm” chính sách để có những lợi ích riêng cho các nhóm thường được “khéo léo” đưa vào trong tiến trình dự thảo. Trong công việc này, Quốc hội cũng như các Ủy ban chuyên môn không đơn độc mà hoàn toàn có thể “tranh thủ” chất xám của chuyên gia độc lập, các nhóm doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Từ góc độ chuyên môn, không quá khó để phát hiện việc lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật, hoặc các quyền phân bổ nguồn lực (tạo ra xin - cho), các loại giấy phép được “cài” vào văn bản. Các chuyên gia độc lập, các doanh nghiệp có thể dễ dàng đánh giá tính hợp lý, tính công bằng, trong sáng của các quy định này. Nếu trong quá trình thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tích cực, cầu thị mời các chuyên gia, hiệp hội, liên đoàn tham vấn chuyên sâu thì các nhóm này có thể chỉ ra những nơi, những chỗ “có vấn đề” để kịp thời ngăn chặn.
Như vậy, với hai bài toán khó Chủ tịch Quốc hội đặt ra, lời giải của các cơ quan của Quốc hội có thể nằm ở việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách làm, từ xây dựng luật, nghị quyết đến việc giám sát thực thi chính sách và pháp luật.