Một số bất cập, khó khăn trong hoạt động của Hội thẩm nhân dân

Trong những năm qua, các vị Hội thẩm nhân dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng cùng với ngành Tòa án tỉnh Nghệ An thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, góp phần quan trọng đảm bảo cho các vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của Nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại kỳ hợp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVIII, đã xem xét bầu 32 vị Hội thẩm nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cũng luôn quan tâm đến hoạt động của Hội thẩm, đã ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ- HĐND ngày 20/7/2018 về việc hỗ trợ kinh phí hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm Tòa án nhân dân và xét xử lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

anh-1-4457.jpg
Hội thẩm nhân dân

Hội thẩm nhân dân đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo tìm hiểu từ nhiều địa phương trong cả nước, từ thực tiễn hoạt động và các báo cáo tổng kết về hoạt động của Hội thẩm nhân dân (tỉnh Nghệ An) đã cho thấy một số vấn đề bất cập, khó khăn đối với Hội thẩm nhân dân như: Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho Nhân dân thực hiện xét xử tại Tòa án, nhưng không thuộc cơ cấu nhân sự của ngành Tòa án và không do Tòa án quản lý; các quy định của pháp luật về Hội thẩm nằm trong một số văn bản pháp luật khác nhau, vì vậy, thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ, quyền lợi của Hội thẩm nhân dân không rõ ràng.

Thực tế đánh giá toàn diện thì Hội thẩm thực hiện xét xử tại Tòa án chưa thực chất, có khi còn hình thức, có một số vị Hội thẩm chưa đúng vai trong vị thế là thành viên của Hội đồng xét xử, các quyết định trong các bản án chủ yếu do Thẩm phán chi phối và quyết định, chưa thực sự thể hiện sự độc lập của Hội thẩm trong quá trình xét xử.

Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm của Hội thẩm chưa rõ ràng, nghĩa là có quy định nghĩa vụ của Hội thẩm nhưng không quy định chế tài tương ứng. Ví dụ như trường hợp Hội thẩm từ chối tham gia xét xử dù đã được mời, được phân công mà không có lý do chính đáng, hoặc tự ý vắng mặt đột xuất dẫn đến tình trạng đến ngày mở phiên tòa lại phải trì hoãn… Tương tự, Hội thẩm gần như không phải chịu trách nhiệm nào liên quan đến chất lượng xét xử (các bản án có sai sót hoặc tuyên không đúng pháp luật) nên đối với những trường hợp họ không hoàn thành nghĩa vụ được giao thì cũng không có chế tài xử lý cụ thể.

Trong thực tế, có những vị Hội thẩm nhân dân được chỉ định phân công tham gia xét xử nhiều vụ án, nhưng cũng có những vị Hội thẩm cả nhiệm kỳ rất ít tham gia, hoặc từ chối hoặc được phân công tham gia xét xử không nhiều. Cơ chế quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân cũng chưa cụ thể rõ ràng. Cách thức làm việc, nguyên tắc, sự phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân và Trưởng, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm cùng cấp chưa được quy định và thực hiện đầy đủ, rõ ràng. Quy định về tiêu chuẩn của Lãnh đạo Đoàn Hội thẩm nhân dân chưa đầy đủ. Sự phân định trách nhiệm và quan hệ làm việc, phối hợp giữa Thẩm phán và các vị Hội thẩm nhân dân cũng chưa được quy định và thực tế còn nhiều vướng mắc, lúng túng.

Trong giai đoạn hiện nay, số vụ việc, các vụ án ngày càng tăng, theo đó, Hội thẩm nhân dân cũng phải tham gia xét xử nhiều, nhưng chế độ đãi ngộ không đáng kể (90.000 đ/ ngày xét xử) chưa tương xứng với trách nhiệm, tính chất nhiệm vụ. Trang bị, các hỗ trợ vật chất, chế độ cho Hội thẩm còn sơ sài, chậm được sửa đổi bổ sung, thiếu sự quan tâm đúng mức. Điều này cũng tác động đến cá nhân các Hội thẩm, dẫn đến thoái thác công việc, hoặc tham gia xét xử cho có, “đóng vai phụ” khi xử án.

Việc quản lý cũng như xem xét, đánh giá thành tích, kết quả công tác của Hội thẩm nhân dân cũng chưa được quy định rõ ràng và chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định các nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo tranh tụng trong xét xử, phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Giải pháp hoàn thiện các chế định

Hội thẩm nhân dân là một chế định đã được quy định rõ trong Hiến pháp nước ta, vì vậy, để nâng cao vai trò vị thế hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, từ đó nâng cao chất lượng xét xử của ngành Toà án, đề xuất Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan chức năng trình Quốc hội ban hành chế định về Hội thẩm nhân dân như sau:

Một là, xây dựng một văn bản pháp luật riêng về Hội thẩm nhân dân, tốt nhất là Luật Hội thẩm nhân dân hoặc quy định rõ ràng hơn trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, hệ thống hóa toàn diện các quy định về Hội thẩm trong các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định trong Hiến pháp năm 2013. Các nội dung cơ bản nhất phải được quy định rõ ràng trong Luật về Hội thẩm nhân dân.

Hai là, tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân (Phẩm chất, đạo đức, kiến thức, năng lực trình độ và các tiêu chí khác), cần phải được thể chế hóa đầy đủ và rõ ràng hơn; phải có kiến thức cơ bản về pháp luật, nhất là pháp luật Hình sự, vì khi lượng hình xem xét các hồ sơ vụ án, khép tội danh, chứng cứ, tình tiết tăng năng, giảm nhẹ, định khung, định hình phạt thì Hội thẩm phải có hiểu biết nhất định về Bộ luật Hình sự.

image001638146595526470786.jpg
Phòng 1 Viện KSND tỉnh Nghệ An phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử lưu động

Ba là, thể thức, quy trình, thủ tục bầu cử Hội thẩm nhân dân phải được quy định toàn diện và đầy đủ hơn. Quá trình lựa chọn nhân sự để bầu Hội thẩm nhân dân phải thật sự khoa học và chặt chẽ theo hướng đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực và yêu cầu thực tiễn, phải sàng lọc qua nhiều khâu, nhiều vòng chặt chẽ hơn và đặc biệt là phải có sự vào cuộc của cấp ủy trong chỉ đạo, định hướng lựa chọn và bầu Hội thẩm nhân dân. Nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ, quyền lợi, vị thế chính trị của Hội thẩm nhân dân phải được lượng hóa quy định cho xứng đáng với quy định tại Điều 103 trong Hiến pháp về Hội thẩm nhân dân.

Bốn là, việc điều hành nhiệm vụ của Hội thẩm, theo quy định hiện hành đang giao cho Chánh án Toà án nơi Hội thẩm được bầu, có thể nảy sinh các vấn đề chưa khách quan, vì vậy, nên nên chuyển giao nhiệm vụ này cho Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân. Đồng thời, quy định rõ thêm mối quan hệ phối hợp giữa Chánh án và Trưởng đoàn Hội thẩm trong điều hành hoạt động thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Bổ sung quy định rõ trong Luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chủ quản đối với các Hội thẩm đang đương chức.

Năm là, yêu cầu phải thể chế hóa rõ ràng về vị trí độc lập của Hội thẩm khi thực hiện xét xử, không bị chi phối hoặc bị ràng buộc bởi Thẩm phán của Tòa án trong quá trình xét xử vụ án, đảm bảo nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, không để các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức xã hội và Nhà nước bị xâm phạm.

Sáu là, chế độ, quyền lợi của Hội thẩm nhân dân (quy định theo hướng phải tương xứng với tính chất quan trọng của nhiệm vụ xét xử và trách nhiệm của Hội thẩm, không nên áp dụng theo ngày công lao động thông thường để trả hỗ trợ cho Hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử). Quy định rõ hơn việc Cơ quan có thẩm quyền giám sát đánh giá về hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội thẩm nhân dân và cơ quan chủ quản về công tác tổ chức, chế độ chính sách Hội thẩm nhân dân chuyển giao cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định cụ thể hơn trách nhiệm và thẩm quyền của ngành Tòa án trong phối hợp, hỗ trợ Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử và các vấn đề khác có liên quan.

Ở nước ta việc Nhân dân tham gia hoạt động xét xử được thể hiện thông qua chế định về Hội thẩm nhân dân, nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc “lấy dân làm gốc” và nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, với đình hướng Nhà nước pháp quyền XHCN. Hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân là nhiệm vụ quan trọng đã được Hiến định, góp phần xây dựng thể chế pháp luật về nền tư pháp của đất nước vững mạnh, đảm bảo công lý và công bằng xã hội.

Tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

3. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

4. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.