Triển khai bài bản
Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, Trung ương và của tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC), huyện Quỳnh Lưu đã rà soát và xây dựng phương án giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó có 17/33 đơn vị không đủ các tiêu chí quy định nên phải sáp nhập, Quỳnh Lưu là địa phương có số xã liên quan đến phương án sáp nhập nhiều nhất của tỉnh trong giai đoạn 2023 -2025. Hiện nay huyện có nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: số lượng xã sáp nhập rất lớn, chiếm hơn 55% số lượng ĐVHC của huyện. Do đó, khó khăn trong thực hiện chủ trương này là việc sắp xếp trong tổ chức bộ máy cũng như cơ sở vật chất sau sáp nhập xã. Hiện huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, định hướng để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ nhất là ở các đơn vị thuộc diện sáp nhập để họ yên tâm công tác. Huyện cũng xây dựng các kế hoạch, phương án khả thi nhất để bố trí cán bộ sau sáp nhập, thực hiện các phương án sử dụng cơ sở vật chất sao cho hiệu quả nhất và định hướng phát triển để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của huyện.
Huyện Nam Đàn là một trong hai huyện có ĐVHC sáp nhập nhiều nhất tỉnh giai đoạn 2019 -2021, mặc dù huyện đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhưng vẫn còn dôi dư 51 cán bộ tại các xã sáp nhập. Theo dự kiến kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025 sẽ sáp nhập 4 đơn vị thành 2. Dự kiến sau sáp nhập sẽ thừa 2 trụ sở UBND xã, 2 trạm y tế và 30 cán bộ, công chức và 13 cán bộ bán chuyên trách dôi dư. Theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Triển khai kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC, huyện phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân tại địa phương, nhất là tại các xã sáp nhập. Trong đó phát huy cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các ban, phòng, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và các xã, thị trấn, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền tại các địa phương thực hiện sắp xếp. Các phòng, ngành trực thuộc UBND huyện căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để tham mưu thực hiện đồng bộ trước, trong và sau sắp xếp ĐVHC, bảo đảm việc sắp xếp ĐVHC thành công, tạo động lực cho sự phát triển của huyện. “Việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn tới khó khăn nhất vẫn là giải quyết cán bộ dôi dư. Huyện sẽ rà soát để vận động cán bộ nghỉ hưu trước tuổi; khi có các chức danh cán bộ về hưu ưu tiên bố trí công chức sang; thực hiện chuyển công chức xã lên công chức huyện nếu có vị trí phù hợp; thực hiện cho thôi việc đối với công chức không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không phù hợp chuyên môn theo vị trí việc làm”- đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Kết luận, nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Sở Nội vụ đã tham mưu thành lập ban chỉ đạo; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch của các huyện, thành, thị, Sở Nội vụ đã xây dựng phương án tổng thể để UBND tỉnh trình Trung ương phê duyệt theo đúng tiến độ và kế hoạch.
Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghệ An có 1 đơn vị cấp huyện chưa đạt 70% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thuộc diện sắp xếp là thị xã Cửa Lò. Bên cạnh đó, Nghệ An có 89 đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp, trong đó có 79 xã, 4 phường, 6 thị trấn.Về phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, thị xã Cửa Lò sẽ sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính và dân số vào thành phố Vinh theo Đề án điều chỉnh ĐVHC và không gian đô thị thành phố Vinh.
Đối với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp là 89 đơn vị, trong đó: Có 68 đơn vị không đủ tiêu chuẩn đã được các địa phương xây dựng phương án sắp xếp (60 xã, 04 phường, 04 thị trấn); có 28 đơn vị hành chính liền kề (24 xã, 02 phường, 02 thị trấn) đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn liền kề; trong số 28 đơn vị liền kề nêu trên có 27 đơn vị nhập toàn bộ, 01 đơn vị điều chỉnh một phần để phù hợp với địa giới hành chính; có 21 đơn vị (19 xã, 02 thị trấn) không đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng các địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù. Trong 21 đơn vị nêu trên có 18 đơn vị hành chính thuộc diện quy hoạch đô thị, 03 đơn vị hành chính đề nghị đặc thù: yếu tố vị trí địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, quốc phòng, an ninh...
Tháo gỡ khó khăn
Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên việc sắp xếp như thế nào để không chỉ là phép cộng cơ học của những con số cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ mà làm thế nào để phù hợp với thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của người dân và nâng cao được hiệu quả của bộ máy chính quyền, chất lượng thụ hưởng của người dân. Bởi sau gần 3 năm thực hiện việc sáp nhập 36 đơn vị cấp xã thành 16, Nghệ An hiện vẫn còn dôi dư 107 cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với đó, việc bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, các trụ sở cơ quan, nhà văn hóa dôi dư tại một số địa phương còn nhiều bất cập. Từ thực tiễn quá trình sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân cũng cho rằng, “quy định cứng” về diện tích tự nhiên và quy mô dân số các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên quá trình thực hiện không nên cứng nhắc mà cần phải phù hợp với thực tiễn của từng nơi. Bởi việc sáp nhập các ĐVHC với nhau cũng cần có nét tương đồng về văn hoá, phù hợp các tiềm năng, lợi thế, yếu tố địa lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương được sáp nhập phát triển.
Theo ông Ngô Trí Cương – Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ, thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021 đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng đã góp phần mở rộng không gian, phát huy tiềm năng, lợi thế, từ đó tập trung nguồn lực để các địa phương phát triển bền vững. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, cán bộ cấp xã dôi dư còn nhiều, trụ sở UBND cấp xã sau sáp nhập còn vướng các thủ tục pháp lý giải quyết chưa xong. Trong thời gian tới các cấp cần tập trung để tháo gỡ giải quyết khó khăn góp phần thuận lợi sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025. Để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính trong các năm tiếp theo đòi hỏi phải có quyết tâm lớn, sự nỗ lực lớn từ các cấp, ngành nhằm phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân.