Năm 2050, nông thôn không còn hộ nghèo

Bước vào giai đoạn mới, vai trò và vị trí của khu vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều thay đổi khi nhu cầu tiêu dùng thế giới chuyển sang sản phẩm chất lượng cao, công nghệ số tác động sâu rộng đến phương thức sản xuất, kinh doanh… Những hạn chế về chất lượng, tính bền vững, sự sáng tạo và cách thức phát triển, cùng những yêu cầu mới đã và đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có những bước chuyển mới mang tính đột phá.

nong-nghiep-240621.jpg
Đổi mới tư duy đưa nông nghiệp phát triển bền vững

Trước bối cảnh đó, ngày 28.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh.

Chiến lược nêu rõ đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, theo đó tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống" văn minh, xanh, đẹp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp có một chiến lược định hướng cho toàn ngành với những tư duy mới, mang tầm nhìn dài hạn, không chỉ giải quyết các vấn đề nội tại của nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn tiếp cận xu thế phát triển của thời đại, của thế giới. Bộ trưởng cũng kỳ vọng Chiến lược sẽ định vị được nhận thức của lãnh đạo, của người nông dân về vai trò sứ mệnh của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong việc bình ổn xã hội, bởi hơn 60% người dân vẫn đang ở khu vực nông thôn.

Cần đột phá về chính sách đất đai

Để thực hiện hiệu quả Chiến lược này, phải sớm giải quyết các vấn đề tồn đọng, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh. Trước tiên, chính sách đất đai cần được sửa đổi để phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Hạ tầng ở vùng sâu vùng xa cần được đầu tư cơ bản để phát triển nông nghiệp hiện đại, năng suất, bền vững và có trách nhiệm hơn; đồng thời sớm phát triển tín dụng chính thức cho nông hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã và tín dụng theo chuỗi…

"Muốn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân thì bắt buộc phải hợp tác. Ngành nông nghiệp cần hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Ở đó doanh nghiệp sẽ là đầu tàu bảo đảm vai trò hạt nhân, dẫn dắt chuỗi giá trị”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng lúc này cần thiết phải có những đột phá liên quan đến vấn đề đất đai. Cụ thể, nên hình thành các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai. Ngoài ra, để Chiến lược đi vào thực tiễn, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương liên quan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để hiện thực hóa Chiến lược, đòi hỏi ngành phải đổi mới tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ phát triển “đơn giá trị” sang “đa giá trị”. Ngành sẽ tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh và địa phương. Cùng với đó, tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Ngành cũng sẽ chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, có những nghiên cứu, chính sách để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động. Từ đó, từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị.

“Ngành nông nghiệp sẽ phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia của 5 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà tiêu thụ và ngân hàng, cũng như sự vào cuộc của các đơn vị truyền thông để đưa Chiến lược đến với đông đảo các tầng lớp xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hạnh Nhung Nguồn: Báo ĐBND