Từ những kinh nghiệm, bài học thành công bước đầu, cử tri và nhân dân yêu cầu công tác giám sát phải thật sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tháo gỡ những "điểm nghẽn" chưa phù hợp ngay trong chính những quy định của pháp luật.

Bài 1: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Tại thành phố mang tên Bác, việc giám sát của Hội đồng nhân dân (HÐND) sau quá trình sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn thành phố có tầm quan trọng, cấp bách, được Thường trực HÐND thành phố ưu tiên thực hiện.

Khi giám sát, Ðoàn giám sát trực tiếp nghe đại diện các khu phố chia sẻ các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về tất cả các vấn đề sau sáp nhập, chia tách, thành lập mới khu phố, ấp… Những thuận lợi, khó khăn được Ban Ðiều hành các khu phố và nhân dân phản ánh, tiếp thu đầy đủ, rồi báo cáo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành tháo gỡ kịp thời.

Thức xuyên đêm để làm việc "khó, khổ"

Trong cái nắng tháng 8 như đổ lửa, Ðoàn giám sát của Thường trực HÐND Thành phố Hồ Chí Minh do ông Huỳnh Thành Nhân, Phó Chủ tịch HÐND thành phố làm trưởng đoàn vẫn hối hả làm việc với các quận, huyện về các nội dung sau khi thành phố chia tách, sáp nhập, thành lập, đổi tên khu phố, ấp.

Theo ông Huỳnh Thành Nhân, mô hình ấp, tổ nhân dân là mô hình được xây dựng và tồn tại ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đó đến nay, các tổ chức dưới phường/xã/thị trấn đã hoạt động hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh tại cơ sở. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, mô hình 2 cấp dưới phường/xã/thị trấn lại xuất hiện một số hạn chế, bất cập.

Chẳng hạn, do đô thị hóa cho nên quy mô dân cư ở nhiều nơi tăng nhanh, dẫn đến không đồng đều, có nơi đã vượt hơn 4.000 hộ, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, cũng như công tác tuyên truyền, quản lý an ninh trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân bộc lộ nhiều hạn chế và cũng chưa phát huy được hiệu quả, vai trò của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Chính vì vậy, HÐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp lại mô hình tổ chức khu phố, ấp nhằm đổi mới, tinh gọn bộ máy chính quyền đô thị thành phố.

Việc giám sát, đánh giá hiệu quả của Nghị quyết về sắp xếp khu phố, ấp, thể hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của chính quyền các cấp. Ðồng thời, thông qua giám sát để phát huy mô hình hoạt động tự quản và vai trò làm chủ của người dân theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Ngoài đoàn giám sát của Thường trực HÐND thành phố, những thành viên Ban Văn hóa-Xã hội, HÐND Thành phố Hồ Chí Minh chia ra nhiều đoàn, nhiều tổ về các quận, huyện, các trung tâm bảo trợ xã hội để giám sát việc cấp giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh, mã số định danh, căn cước) cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Việc giám sát, đánh giá hiệu quả của Nghị quyết về sắp xếp khu phố, ấp, thể hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của chính quyền các cấp. Ðồng thời, thông qua giám sát để phát huy mô hình hoạt động tự quản và vai trò làm chủ của người dân theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau", để kịp cho trẻ đủ điều kiện bước vào năm học mới, các thành viên Ban Văn hóa-Xã hội miệt mài làm việc ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với 5 sở, ngành, quận, huyện tìm hiểu rõ hoàn cảnh, nguyên nhân và tháo gỡ vướng mắc, linh hoạt trong thủ tục cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ.

Hai em T.N.T và T.T.B (tạm trú tại phường 28, quận Bình Thạnh). Cha mẹ của hai em không đăng ký kết hôn. Cha thì đang cải tạo tại Bình Thuận, mẹ thì thường trú tại Bình Thuận. Hiện tại hai em sống cùng bà nội. Vì hoàn cảnh khó khăn cho nên khi sinh hai em gia đình không đủ tiền đóng viện phí, vì vậy chưa làm thủ tục xuất viện, chưa được cấp giấy chứng sinh. Trước hoàn cảnh này, các thành viên trong đoàn giám sát đã phối hợp với bệnh viện cấp giấy chứng sinh, liên hệ với tỉnh Bình Thuận để làm mã số định danh cho hai em được đi học.

Khi thực hiện việc giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HÐND thành phố cho biết, ban cùng các đơn vị xác định thật rõ ràng, cụ thể nguyên nhân của từng vướng mắc về giấy tờ tùy thân cho trẻ để từ đó tìm ra được giải pháp. Ông cho biết, với trường hợp đặc biệt khó, thì tổ chức tọa đàm để giải quyết cụ thể, từng trường hợp với mục tiêu bảo đảm 100% các em có hoàn cảnh đặc biệt có được đầy đủ quyền công dân.

Trước bức xúc và phản ánh của người dân về việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, các chợ đêm, Ban Văn hóa-Xã hội, HÐND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn giám sát xuyên đêm. Tại buổi giám sát chợ đầu mối nông sản Thủ Ðức (thành phố Thủ Ðức), đoàn bất ngờ kiểm tra các vựa kinh doanh rau, củ, quả mà không báo trước.

Tại đây, đoàn yêu cầu các chủ vựa xuất trình giấy tờ liên quan như chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch thực vật và nhãn phụ trên bao bì. Nhiều điểm kinh doanh đã không cung cấp đủ các giấy tờ cần thiết, viện nhiều lý do để né tránh việc kiểm tra. Ðiều này cho thấy vẫn còn tồn tại sự thiếu nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý chợ.

 

Tiếp tục làm việc với Ban quản lý chợ, đơn vị này thừa nhận, trong quá trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều thiếu sót; tình trạng kinh doanh tự phát nông sản thực phẩm chung quanh khu vực chợ đầu mối Thủ Ðức vẫn còn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ðại diện Ban quản lý chợ kiến nghị đoàn giám sát phối hợp các cơ quan chức năng giải tỏa các khu vực buôn bán tự phát này, tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động ổn định, an toàn và tuân thủ pháp luật.

"Ban Văn hóa-Xã hội sẽ tái giám sát tại các đơn vị này để ghi nhận sự chuyển biến sau giám sát. Ðây là cách làm thường xuyên của HÐND Thành phố Hồ Chí Minh trong các chuyên đề giám sát", ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng đoàn giám sát cho biết thêm.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Ðồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HÐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động giám sát của HÐND các cấp tại thành phố thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm trên các lĩnh vực mà cử tri quan tâm; hình thức có nhiều đổi mới.

Theo đó, qua giám sát đã kịp thời phát hiện và kiến nghị, đề nghị các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố.

Báo cáo của HÐND Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cơ quan này tập trung tăng cường hiệu quả công tác giám sát qua việc ban hành và triển khai đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021-2026". Từ đó, tạo những chuyển biến tích cực, với 414 cuộc giám sát, 305 cuộc khảo sát; 3 phiên giải trình, 4 phiên chất vấn; hơn 100 cuộc giám sát do các tổ đại biểu HÐND thành phố thực hiện…

Nhiều chuyên đề giám sát nội dung, chất lượng, thành phần tham gia giám sát đã được nâng lên rõ nét. Chẳng hạn, năm 2022, HÐND thành phố cho dừng buổi giám sát đối với 3 sở: Y tế, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, bởi lẽ, báo cáo của các đơn vị này quá sơ sài, thành phần tham dự không đầy đủ… Sau khi dừng buổi giám sát, lãnh đạo các sở đã có thư xin lỗi, cải thiện và khắc phục, hoàn thiện các nội dung báo cáo, thành phần tham dự…

Hay trong chuyên đề giám sát việc bảo tồn và gìn giữ các công trình di tích lịch sử, trong quá trình đi giám sát, phát hiện một công trình đang bị xâm hại nghiêm trọng, đoàn giám sát của HÐND thành phố lập tức có báo cáo kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xử lý. Công trình này sau đó đã được trùng tu, tôn tạo…

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Lệ và nhiều cán bộ HÐND thành phố thẳng thắn nhìn nhận, công tác giám sát và phản biện xã hội của HÐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp ở một số nơi trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc và nhân dân.

Trăn trở về việc đổi mới và nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát và phản biện, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HÐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Cần phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và vai trò của đại biểu dân cử trong việc giám sát, có chính kiến cụ thể về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Theo ông Bình, đây là nội dung rất cần thiết, bởi vai trò của tổ đại biểu, của Ðoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương rất quan trọng.

"Hiện nay, có tình trạng khi tiếp xúc cử tri, tiếp dân, tiếp nhận các đơn thư thì nhiều đơn vị cứ chuyển lên các cơ quan trung ương. Ðây là nguyên nhân gây tình trạng quá tải cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi thực tế đây là trách nhiệm của các tổ đại biểu, Ðoàn đại biểu Quốc hội địa phương", ông Cao Thanh Bình thẳng thắn nêu.

Ông Bình cũng cho rằng, các tổ đại biểu, đoàn đại biểu phải có trách nhiệm mời dân lên để giải thích cho dân nghe, tuyên truyền để thuyết phục, để dân người ta hiểu hơn. "Vừa qua, tôi thấy rất nhiều chuyên đề giám sát, nghe thì rất hay nhưng không ai kiểm tra hậu giám sát đó các đơn vị thực hiện như thế nào? Do vậy, cần có chế tài quy trách nhiệm lại cho cơ quan giám sát nếu không làm tròn trách nhiệm", ông Bình đề nghị.

Sau sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có hơn 2.000 khu phố, ấp và hơn 25.600 tổ dân phố và tổ nhân dân thuộc hơn 300 phường/xã/thị trấn sẽ được sắp xếp lại.

Quá trình sắp xếp khu phố, ấp phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đặc biệt bảo đảm quyền lợi cho người tham gia công tác tại khu phố, ấp.

(Theo báo cáo của HÐND Thành phố Hồ Chí Minh)

(Còn nữa)