Cuộc giám sát mới đây về Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy: Trong 5 năm 2015-2020, mỗi năm Nghệ An đào tạo nghề được 73.000 lao động. Trong đó, lao động có trình độ cao đẳng đạt 6,7%; trình độ trung cấp đạt 11,56%. Do những khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị, việc hợp tác liên kết, nguồn kinh phí hạn hẹp,…nên nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo của tỉnh còn bất cập so với nhu cầu của thị trường lao động. Tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An, một doanh nghiệp cần tuyển 50 lao động có trình độ đại học, biết tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, nhưng sau 2 tháng thông báo chỉ tuyển được 5 người. Bên cạnh đánh giá khá tích cực về tính cần cù, chịu khó, một số doanh nghiệp còn phàn nàn về tính kỷ luật, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp chưa cao của lao động Nghệ An. Thiếu lao động lành nghề, có chuyên môn kỹ thuật cao, tỉnh cũng đang thiếu nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp giỏi có thể dẫn dắt các ngành, cơ sở kinh tế phát triển. Có lẽ đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất lao động Nghệ An hiện chỉ đứng thứ 16/17 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 97,71 triệu đồng/lao động, so với bình quân của vùng là 119,2 triệu đồng.
Không chỉ thiếu lao động có tay nghề cao, gần đây một doanh nghiệp đầu tư tại vùng miền núi cần tuyển 1.800 công nhân làm nghề may, nhưng cũng không thể tuyển đủ. Đây cũng là tình trạng khó khăn của một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Vsip, khi cần tuyển 2.000 công nhân để mở rộng dây chuyền sản xuất.
Hiện toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 9 trường Cao đẳng, 13 trường Trung cấp, 22 Trung tâm và 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp, với quy mô tuyển sinh đạt 88.500 lao động/năm. Giám sát của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, bên cạnh một số Trường, Trung tâm có điều kiện để đào tạo lao động có chất lượng như Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Du lịch - thương mại Nghệ An; Trung tâm dạy nghề Bắc Nghệ An…, nhiều cơ sở đào tạo nghề trong tình trạng thiếu toàn diện: thiếu đội ngũ giáo viên nghề có chuyên môn cao, thiếu trang thiết bị dạy học hiện đại, thiếu nguồn kinh phí đầu tư, thiếu cả năng lực liên kết với doanh nghiệp trong xác định nhu cầu, liên kết đào tạo đến tạo đầu ra cho lao động.
Để khắc phục tình trạng trên, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa ban hành Nghị quyết về tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh với các giải pháp: đẩy nhanh phương án sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, có tính chất vùng, liên vùng thành những cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Ngành chức năng và các cơ sở nghề cần chủ động phối hợp xây dựng cơ chế kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để trao đổi thông tin về cung cầu lao động và liên kết đào tạo, sử dụng lao động qua đào tạo; Khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cạnh đó, cần tiếp tục có các chính sách tốt để thu hút nhiều hơn số sinh viên xuất sắc được đào tạo từ các trường Đại học trong và ngoài nước trở về làm việc. Theo thống kê của ngành Giáo dục & Đào tạo, mỗi năm Nghệ An có hơn 20.000 con em trong tỉnh đi học tại các trường Đại học trong nước. Hiện có hàng ngàn con em Nghệ An đang học tập, đã tốt nghiệp từ các trường Đại học có uy tín tại các nước phát triển. Đây là một nguồn tài nguyên vô cùng lớn mà ít địa phương có được. Vậy nhưng, theo báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An, từ năm 2013 đến nay, thực hiện các chính sách thu hút của tỉnh và của Chính phủ, toàn tỉnh chỉ thu hút được 270 sinh viên giỏi về làm việc, trong đó có 183 người là bác sĩ. Kết quả đó phần nào lý giải vì sao Y tế là một trong số ít lĩnh vực mà gần 10 năm qua đã vươn lên đáp ứng yêu cầu Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ theo định hướng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Khi phân tích về tính cách người Nghệ, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh có nhận xét: "Người Nghệ do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao”. “Phẩm chất kiên cường”, “ ý chí, quyết tâm cao” ấy làm sao được mỗi người Nghệ An hiện nay phát huy bằng lòng tự tôn với một tinh thần thôi thúc, đó là khát vọng thoát nghèo. Khát vọng ấy gắn liền với tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, tâm huyết trong mỗi cá nhân, giúp xóa bỏ tư tưởng trông chờ, né tránh, thiếu chủ động quyết liệt, thiếu kiên trì, kể cả thiếu xây dựng trong một bộ phận cán bộ, người dân hiện nay.
Người Nghệ An cũng cần “duyên dáng, hấp dẫn hơn”. Đó là ý kiến của Học giả Nguyễn Trần Bạt trong những lần trao đổi với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Hòa trong dòng chảy của công cuộc đổi mới, văn hóa xứ Nghệ và con người Nghệ An đã có sự hội nhập, phát triển, phát huy được những giá trị truyền thống và ngày càng hoàn thiện mình hơn. Tuy vậy, một số chuyên gia gốc Nghệ đánh giá: Những phẩm chất đáng quý trong tính cách người Nghệ dường như vẫn đang gắn liền với các hạn chế, rào cản: chân thật - thô vụng, bản lĩnh - cứng nhắc; học giỏi - gàn…Những hạn chế này càng dễ thấy rõ trong rất nhiều người Nghệ An ít có điều kiện tiếp xúc, làm việc với môi trường ngoài tỉnh. Làm sao để người Nghệ An nói chung vừa chân thật, đằm thắm mà tinh tế, lịch lãm; bản lĩnh ý chí mà năng động, sáng tạo; trí tuệ, hiểu biết mà khiêm nhường, thân thiện… Đó sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững, nhất là khi tỉnh đang nỗ lực xây dựng Nghệ An thành Trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên rất nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh chưa khá; mục tiêu trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trên nhiều lĩnh vực chưa đạt được. Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng đạt thấp, nhất là thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung của cả nước. Làm gì để thoát nghèo? Đó là trăn trở, nỗ lực hành động của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, của giới doanh nhân, doanh nghiệp cùng cộng đồng người Nghệ An cả trong và ngoài tỉnh.
Trong các cuộc làm việc với tỉnh và các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn mong mỏi Nghệ An cần có “Khát vọng sông Lam”, mong muốn Nghệ An thực hiện được khát vọng ấy bằng những “ Kỳ tích sông Lam”. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX; đáp lại tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tấm lòng của Nhân dân cả nước; tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê, thay mặt Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, đồng chí Thái Thanh Quý- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh xác định: “tiếp tục nỗ lực hơn, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hoá, con người xứ Nghệ, khơi dậy ý chí tự lực tự cường khát vọng vươn lên; tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo đưa tỉnh nhà phát triển bền vững. Phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”.
Trong nhiều cuộc làm việc với đội ngũ lãnh đạo các cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung luôn yêu cầu tinh thần hành động: Thay cho giải thích, giải trình bằng giải đáp, giải quyết; đánh giá cán bộ trước hết là tinh thần, thái độ làm việc rồi mới đến trình độ, bằng cấp đào tạo. Tinh thần quyết tâm, quan điểm nhất quán của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã và đang được thực thi mạnh mẽ. Trong đó tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; xem xét trách nhiệm, đưa ra khỏi bộ máy kể cả xử lý kịp thời đối với những thành phần nhũng nhiễu, cản trở sự phát triển, vi phạm pháp luật. Động thái tích cực, quyết liệt ấy đã và đang tạo bước chuyển mạnh trong hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, tạo thêm niềm tin, nỗ lực vượt khó, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
“Khát vọng Sông Lam” đã và đang từng ngày trở thành hiện thực trên miền quê non xanh, nước biếc. Khát vọng ấy được thực thi trước hết từ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cuộc đời cao đẹp, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, mãi mãi là tấm gương sáng, nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi người Nghệ trong cuộc sống hàng ngày và trên hành trình xây dựng, phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh.
Nguyễn Mai Linh