Khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Trong chuyên đề về Kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND; giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ đã giúp các học viên nhìn nhận rõ hơn về thẩm quyền, nguyên tắc; kinh nghiệm, kỹ năng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND. Theo đó, giám sát của HĐND phải làm rõ hai vấn đề: hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có tuân thủ pháp luật không và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục; hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát có bảo đảm tính kinh tế, hiệu quả không. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách; đổi mới trong quản lý, điều hành.

z4299908903147_4d2daa3113fcac44b9fcb46f58d07509--n2.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: M. Hoa

Ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh: cần chú trọng chọn đúng, trúng vấn đề; xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát; phối hợp chặt với các cơ quan hữu quan trong xây dựng chương trình, triển khai kế hoạch giám sát; chuẩn bị tốt tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung giám sát… Quá trình giám sát, có thể tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế; sử dụng chuyên gia tư vấn, lấy ý kiến nhân dân, đối tượng thực hiện; có thể truyền hình trực tiếp, mời phóng viên báo chí tham gia thông tin nhằm tạo thêm hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát…

Đặc biệt, về thành phần đoàn giám sát, chú trọng chọn những người có bản lĩnh, dám phản ánh trung thực, khách quan các vấn đề đặt ra; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực giám sát và những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát; không mời những người liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực được giám sát, nhằm khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”…Vai trò của Trưởng đoàn giám sát rất quan trọng trong việc gợi mở những vấn đề đặt ra cần xem xét, giải quyết.

Với những nội dung giám sát chuyên ngành, chuyên môn sâu, cần thuê chuyên gia, trưng cầu giám định; hay trong một số nội dung cần tham vấn ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của đối tượng áp dụng… Trong trường hợp đối tượng giám sát có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể xem xét, yêu cầu cơ quan thanh tra, kiểm toán làm rõ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra… Bên cạnh đó, cần có cơ chế xử lý hậu giám sát, có chế tài mạnh để ngăn chặn, xử lý sai phạm.

Nhận diện đúng, trúng vấn đề thực tiễn

Một trong những nội dung được các học viên đặc biệt quan tâm là Kỹ năng phân tích, đánh giá tác động của chính sách trong ban hành nghị quyết của HĐND. Trình bày chuyên đề này, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng: nhận diện các vấn đề thực tiễn là một trong những cơ sở quan trọng đánh giá sát, đúng tính cấp thiết của chính sách được đề xuất xây dựng. Để nhận diện đúng, trúng vấn đề thực tiễn đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp chính quyền mà người đại biểu là thành viên, cần căn cứ vào các tiêu chí: phạm vi không gian, thời gian của các vấn đề; mức độ cấp thiết (độ nóng của vấn đề); phạm vi tác động tính chất và mức độ tác động đến quyền, lợi ích, hoạt động của các đối tượng chịu ảnh hưởng…

Còn để nhận diện đúng, trúng các vấn đề thực tiễn bức xúc cần xử lý ở tầm chính sách, đại biểu HĐND tăng cường nắm bắt tình hình thực tế của địa phương; tăng cường tương tác, tiếp xúc để nắm bắt kịp thời, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng và phản ánh của cử tri; chủ động thu thập, tìm kiếm, tiếp nhận, tổng hợp, phân loại, xử lý thông tin qua các phương tiện truyền thông… Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát do các cơ quan của HĐND tổ chức trên địa bàn để nắm bắt có hệ thống các vấn đề thực tiễn; tăng cường tương tác, tiếp xúc với các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức để trao đổi, lắng nghe ý kiến của họ về các vấn đề xã hội bức xúc cần quan tâm giải quyết.

Tham gia thảo luận, các học viên cũng cho rằng, khi phân tích, đánh giá về tờ trình và dự thảo nghị quyết, cần tập trung vào các nội dung, như: sự cần thiết, cấp bách; các căn cứ của chính sách mới dự kiến; mục tiêu, phạm vi điều chỉnh của chính sách dự kiến trong dự thảo nghị quyết; nội dung chính sách, các giải pháp… Bên cạnh đó, để lựa chọn được phương án tối ưu cho dự thảo nghị quyết, đại biểu HĐND cần căn cứ vào các tiêu chí như: tiêu chí chính trị (phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chủ trương của cấp ủy địa phương…); tính khả thi của chính sách (môi trường chính sách có thuận lợi không?; mức độ đồng tình, ủng hộ của nhân dân, khả năng đáp ứng nguồn lực…); mức độ đơn giản về thủ tục hành chính, dễ tiếp cận cho các đối tượng chính sách; tính hiệu quả, phù hợp của chính sách với Hiến pháp và các quy định của pháp luật...

Diệp Anh