Thực tế ở tỉnh ta trong 10 năm trở lại đây cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thực sự có hiệu quả. Mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước (cả của trung ương, tỉnh, huyện…) từ ngân sách xã hội, sự đóng góp của dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đều đã được sử dụng đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích. Có thể có một vài sai sót nào đó nhưng cơ bản không bị thất thoát.

1111.jpg
Ảnh minh họa

Trong lúc đó, các nguồn lực tài chính thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thì hiệu quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là tư duy về giảm nghèo bền vững chưa có bước đột phá dẫn đến cách làm thiếu đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết quả đạt được còn thấp, thậm chí bị chiếm dụng bởi một số tổ chức, cá nhân được giao thực hiện chương trình.

Từ nhận thức và thực tế nói trên hẳn Hội đồng nhân dân mà trực tiếp là Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban: Ban Kinh tế ngân sách và Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân cần có chương trình giám sát ngay từ đầu cho đến suốt cả quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đặc biệt, cần tập trung giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện các 03 chương trình mục tiêu quốc gia đã xác định các dự án cụ thể cho từng chương trình. Song dù sao cũng chỉ mới có tính định hướng và định tính chung cho các tỉnh, trong đó có Nghệ An. Trách nhiệm của Ủy ban nhân tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh là phải định lượng hóa từng dự án: dự án gì? ở đâu (huyện, vùng, xã)? số lượng ngân sách đầu tư? tiến độ thực hiện?..

Lựa chọn định lượng hóa từng dự án phải theo nguyên tắc: đúng nơi cần nhất, đúng lúc, đúng mức… để có hiệu quả tốt nhất. Phải tránh sự tùy tiện, đặc biệt phải tránh biểu hiện “xin - cho”. Muốn vậy, việc lượng hóa từng dự án phải được tính toán cẩn thận, vừa có giá trị khoa học, vừa đáp ứng đúng nhất nhu cầu từ thực tế và do đó phải được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu. Tuyệt đối không để sai (dù nhỏ) ở khâu đầu tiên quan trọng này.

Sau khi đã có định lượng đúng thì việc tổ chức thực hiện các định lượng ấy cũng cần được giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Qua giám sát để kịp thời phát hiện cũng như điều chỉnh những sai sót, những sơ suất có thể xảy ra. Cần lưu ý rằng, bất cứ điều gì, việc gì trong vận hành cũng khó tránh được những sai sót, sơ suất. Chính vì vậy, việc giám sát cần được tiến hành suốt quá trình triển khai thực hiện.

Ba chương trình mục tiêu quốc gia này bắt đầu thực hiện vào năm 2022 và kết thúc vào năm 2025, tức là trong thời gian 4 năm. Đương nhiên danh sách cho từng chương trình cũng được phân bổ cụ thể cho từng năm. Do vậy, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện từng chương trình, từng dự án để năm sau thực hiện có kết quả cao hơn. Còn Hội đồng nhân tỉnh cũng cần tiến hành tổng kết đánh giá hoạt động giám sát từng dự án, từng chương trình để cùng Ủy ban tỉnh tổng kết đánh giá chính xác hơn; đồng thời để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân tỉnh năm sau có chất lượng và hiệu quả hơn.

Kỳ họp thứ 6, kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua các nghị quyết phân bổ hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh trong giai đoạn 2020 – 2025; đó là quyền và trách nhiệm của HĐND tỉnh. Hoạt động giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó có hiệu lực và hiệu quả thì quyền và trách nhiệm của HĐND tỉnh mới thực sự đầy đủ, trọn vẹn./.

Trương Công Anh