Cùng với chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay cũng như tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành rất tốt công tác lập pháp. Theo đó, đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm từ xa” nên đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.
Thực tế, hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện hơn đã góp phần quan trọng xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự vận hành của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả bởi đây vừa là yêu cầu vừa là sự hối thúc với các cơ quan thực thi pháp luật.
Phải thẳng thắn rằng, thời gian qua, dù tình trạng nợ đọng các văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được khắc phục; các văn bản quy pham pháp luật về cơ bản được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy pham pháp luật; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng đây vẫn đang là "điểm nghẽn". Cụ thể, như trong Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Ủy ban Pháp luật thì vẫn còn một số nội dung giao quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng chưa ban hành văn bản quy định chi tiết.
Một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa bảo đảm tính tính thống nhất của hệ thống pháp luật đã được chỉ ra tại các kỳ giám sát chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản thay thế hoặc xử lý dứt điểm. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng hồ sơ dự án luật thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản quy định chi tiết chưa bảo đảm chất lượng. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật trong một số trường hợp chưa nghiêm. Việc xử lý văn bản chậm ban hành, văn bản có nội dung trái pháp luật, xử lý trách thể nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa được tin quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời...
Vậy nên, trước yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời cũng là mong mỏi của người dân, cử tri cả nước là các Luật, Nghị quyết của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp này sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, ngoài việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp này trong quý III.2023 và rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, điều quan trọng phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thực thi, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả.
Ninh Hà