Đúng và trúng, bởi ngay từ khi được đưa ra Quốc hội thảo luận, lựa chọn để đưa vào Chương trình giám sát năm 2023, nội dung chuyên đề, với phạm vi ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong gần 100 triệu dân Việt Nam, đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội cùng sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân. Kịp thời là bởi, bên cạnh những kết quả to lớn - đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19, thì công cuộc phòng, chống dịch cũng cho thấy những mất mát đau xót, những bài học xương máu, rất cần khẩn trương khắc phục, giải quyết rốt ráo để đưa công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung và phòng, chống các dịch bệnh nói riêng, trở lại quỹ đạo ổn định, “bình thường mới”.
Bản báo cáo kết quả giám sát công phu, khoa học dài 124 trang cùng 19 trang phụ lục số liệu và hơn 15 nghìn trang tài liệu là các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, UBND, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố và HĐND một số tỉnh, thành phố Đoàn giám sát trình Quốc hội sáng qua đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19 (từ 1.1.2020 đến 31.12.2022) và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng (giai đoạn 2018 - 2022).
Có được kết quả đó là bởi, trong suốt quá trình giám sát, kể từ khi Quốc hội thành lập Đoàn giám sát vào tháng 10.2022, Đoàn giám sát luôn nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội. Và để có “sản phẩm” cuối cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm này, Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc với 10 tỉnh, thành phố và chia thành các tổ công tác làm việc đến tận cấp cơ sở (cấp xã, cấp huyện và các đơn vị y tế cơ sở). Đồng thời, nhiều lần tổ chức các cuộc họp, làm việc với lãnh đạo Chính phủ, 14 bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể Trung ương. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn giám sát mới hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ trình Quốc hội.
Trên nghị trường Quốc hội ngày hôm qua, những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng ta trong gần 3 năm cao điểm chống dịch vừa qua đã được các đại biểu Quốc hội nhắc nhớ, vinh danh. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt, như chiến lược ngoại giao vaccine, thành lập quỹ vaccine, hay tổ chức tiêm vaccine diện rộng, thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị kịp thời cho người bệnh Covid-19... Và, chính nhờ có vaccine kịp thời, đầy đủ mà chúng ta đã chặn đứng được đại dịch, cứu được sinh mạng của Nhân dân. Đó thực sự là hiệu quả vô giá về nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn, bên cạnh những thành công và kết quả vô cùng to lớn đạt được, quá trình phòng, chống dịch cũng đã xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, như Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ. Đáng buồn là trong số đó có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực tưởng như hiếm có sai phạm, như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ... mà đỉnh điểm là “cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt” của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kit test - thật đau đớn, đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn. Dẫn ra ví dụ này, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ: “Tôi đồng ý, ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống Covid-19, thì cần phải xử lý thật nghiêm khắc. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội; và nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công cụ mới”.
Từ những bài học kinh nghiệm “vô cùng xương máu” qua gần 3 năm chống dịch, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề nghị, cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các loại dịch khác và có thể cả khả năng Covid-19 bùng phát trở lại. “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Đoàn giám sát về việc Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch, chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường. Bộ nên giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Sau một ngày dành cho hoạt động giám sát tối cao, đã có 48 đại biểu phát biểu ý kiến, 3 Bộ trưởng, đồng thời cũng là 3 đại biểu Quốc hội, đại diện cho Chính phủ, phát biểu, giải trình, làm rõ những nội dung đại biểu quan tâm, đề xuất. Mỗi ý kiến một cách tiếp cận, nhưng như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đều rất sâu sắc, toàn diện, có giá trị cao cả về nhận thức, lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu với nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội. Đặc biệt, các ý kiến đều thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát, tạo cơ sở pháp lý để giám sát việc thực hiện sau này. Trong đó nhấn mạnh cần đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân, kinh nghiệm, giải pháp và giao trách nhiệm cho các cơ quan để tổ chức thực hiện với thời hạn, lộ trình, bước đi và yêu cầu cụ thể, đáp ứng cả trước mắt và lâu dài, cả nhiệm vụ “xây” và “chống”, cả tôn vinh, khen thưởng cũng như xử lý vi phạm một cách công minh, đúng pháp luật, phù hợp với bối cảnh thực tế cả trong huy động quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19 và chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Quốc hội đã “giám” thì phải “sát”. Đặt chuyên đề giám sát ở chiều kích này cùng những phát biểu sắc nét, thẳng thắn, rõ quan điểm, rõ chính kiến cùng nhiều đề xuất giải pháp căn cơ cho cả trước mắt và lâu dài của các đại biểu Quốc hội, có cơ sở để khẳng định rằng, những cải tiến, đổi mới của Quốc hội trong hoạt động giám sát là đúng hướng. Chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội vì thế mà không ngừng được nâng cao, ngày càng thực chất, bám sát tình hình thực tiễn, đi thẳng vào những vấn đề mấu chốt còn vướng mắc, dư luận đang bức xúc để tập trung tháo gỡ, đáp ứng được mong mỏi, chờ đợi của cử tri và Nhân dân.
Lam Giang