1.

Văn hóa giả trang, đó là ấn tượng của tôi khi lang thang đó đây từ Bắc vào Nam, ghé qua các “làng du lịch”, “bản du lịch”, đến thăm và lưu trú ở các homestay, farmstay...

Gần đây nhất là chuyến đi miền núi phía tây Thanh Hóa, tôi dừng lại ở bản Mạ - huyện Thường Xuân. Từ bên này sông Chu, nhìn qua dòng nước xanh thẳm và yên lặng chảy như một dải lụa ngọc, phóng tầm mắt qua bên kia, cạnh cây cầu treo khá đẹp và thanh thoát là một quần thể nhà sàn dựng san sát nhau, với cột bê tông giả gỗ và các loại hoa mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ tiệm cây cảnh nào trong thành phố, được trồng trên các khuôn viên và lối đi. Quần thể nhà sàn ấy có đủ cả, nhà hàng, khách sạn, phòng ngủ, hồ bơi... Tóm lại, là một khu nghỉ dưỡng hiện đại được mặc chiếc áo mỏng mang tên du lịch cộng đồng.

Một homestay thuộc bản Mạ bên dòng sông Chu. Ảnh: Hoàng Tuấn Công.

Một homestay thuộc bản Mạ bên dòng sông Chu. Ảnh: Hoàng Tuấn Công.

Nhiều năm gần đây, homestay nổi lên như một hình thức lưu trú, thậm chí là một hình thức du lịch gắn với các chữ như “cộng đồng”, “nông thôn”, “bản địa”. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của tôi ở các homestay trải từ Cao Bằng, đến Huế, Quảng Nam, Thanh Hóa..., thì thấy rằng, đó mới chủ yếu chỉ là các nhà nghỉ/ khách sạn có chút cách điệu, chứ không phải homestay đúng nghĩa. Nó chỉ có cái vỏ hơi giông giống “cộng đồng”, còn ruột thì đích thị là thành phố.

Homestay, nôm na là [du lịch] tại gia, tức là khách từ phương xa tới sẽ ăn, ngủ, sinh hoạt và thậm chí tham gia lao động cùng nhà chủ, như một thành viên thực thụ trong gia đình. Cái “home” ấy chính là căn nhà mà cả gia đình của người dân bản địa đang sinh sống thật sự; khách vào là “ở trọ”, “tá túc” và sống cùng gia đình người ta trong một khoảng thời gian nhất định. Chứ không phải là xây lên một cái nhà nghỉ hay khách sạn, cung cấp các loại dịch vụ và phục vụ kiểu nhà hàng. Cái đó chỉ là homestay trá hình. Và về thực chất, đây chỉ là bê thành phố về đặt vào lòng nông thôn/ miền núi, mượn tên của một ngôi làng, một bản – sóc và mô phỏng món ăn, mô phỏng áo quần, mô phỏng lễ hội, v.v., để làm ra một thứ văn hóa giả trang.

Nhìn vào mặt tiền của bản Mạ với dòng chữ tiếng Anh bề thế gắn trên quần thể nhà sàn tân thời, đồng thời tìm hiểu về “làng du lịch” này thông qua truyền thông của chính các homestay và báo chí địa phương, thì tôi có nhận định ban đầu rằng, đây mới chỉ dừng lại ở cách làm “du lịch mượn danh”, “du lịch bề ngoài”, “du lịch khoác áo”...

Đi sâu hơn vào bản Mạ thì thấy một số gia đình cũng có bố trí cho khách ở cùng, theo nghĩa là ăn ngủ ở trong một căn nhà sàn được làm mới, nằm bên cạnh nhà cũ. Tuy không cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, nhưng ít ra khách cũng có điều kiện quan sát sinh hoạt và cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, đó là những nhà chưa có điều kiện đầu tư làm lớn. Còn những nhà có đầu tư, thì người ta lắp đèn nháy, làm quán ba hình bát giác, làm nhà sàn theo kiểu nhà du lịch, cơi nới thêm mái tôn. Riêng khu homestay bề thế sát bờ sông Chu, đêm về sáng rực đèn màu, tiếng nhạc tây vang vọng như sấm rền thì đích thị là một khu nghỉ dưỡng hiện đại. Điều này cho thấy, khi mới khởi đầu thì còn tạm được. Về sau, càng đầu tư thì càng lạc hướng, và càng hỏng.

Tôi dừng lại ở bản Mạ, uống xong một tuần trà bên những chênh vênh nghĩ ngợi, thì đi tiếp, mong tìm thấy một làng Thái còn nguyên sơ đâu đó sâu trong những ngọn núi trùng điệp kia.

2.

Trong bữa cơm trưa cùng một gia đình người Thái được dọn trên ngôi nhà sàn kiểu mới, lợp ngói và bắn mái tôn xung quanh, nhìn các món ăn thấy không khác quê mình, cũng thịt gà luộc, cá ao nướng, canh đắng nấu ruột gà...; tôi hỏi, ở đây món gì là đặc trưng của người người Thái. Mọi người lúng túng. Lại nhìn áo quần mọi người đang mặc, cũng không khác gì đồ trên người mình. Thức uống là rượu gạo như dưới xuôi, có cả bia Hà Nội nữa, tôi hỏi về loại rượu nào là rượu của Thái, những phong tục, lễ hội, v.v., bây giờ còn không... Vẫn chỉ là những lúng túng.

Tôi nói rằng, tôi lặn lội lên đây là để mong nhìn thấy quần áo Thái, đồ ăn Thái, nếp sống Thái, phong tục Thái; từng mái nhà, giọng nói, đường đi, cây trái... của người Thái. Còn tất cả những thứ này, dưới chỗ tôi đều có. Tôi khao khát được sống với một không gian văn hóa khác, bởi vì thèm thuồng và quý trọng.

Mọi người từ chỗ ngạc nhiên, rồi bắt đầu thả lỏng và cởi mở dần. Nghe tôi nói, anh chủ nhà đứng dậy đi vào trong và xách ra một bộ cồng chiêng, ôm ra một vò rượu cần. Anh thanh minh rằng, nay đã ít khi dùng, và không nghĩ là có người lại thích những thứ này. Tôi nói, các anh trên này sống thế nào thì khi có khách cũng hãy cứ sống y như vậy, đừng “đoán ý” khách mà cư xử. Các bà, các chị và các em gái bắt đầu mang điện thoại ra khoe về một lễ hội trước đó đã được quay phim lại, họ chìa cho tôi xem, rồi bắt đầu nói về những liếp nứa, những váy áo, những món ăn... với niềm vui và lòng tự hào đôi chút.

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, có lẽ vì không quên được. Đó là năm đang học đại học, chúng tôi đi kiến tập sư phạm tại một trường phổ thông ở Huế, và tôi làm trưởng nhóm. Lúc tôi bước lên để giới thiệu với nhà trường về nhóm mình thì một bạn là người Pa-Cô níu tôi lại, nói nhỏ vào tai: “Giới thiệu tên thôi nha, đừng giới thiệu họ”. Tôi bất ngờ, và mãi sau này mới hiểu ra: bạn ấy không muốn ai biết tới cái họ “người dân tộc thiểu số” của mình. Một sinh viên đại học ngành sư phạm mà còn tự ti như thế về chính gốc gác của mình, thì thử hỏi làm cách gì để có thể “bảo tồn văn hóa” đây?

Trong những trải nghiệm và quan sát của mình, khi tiếp xúc, tôi vẫn thường thấy rất khó để nhận ra những bạn thuộc các tộc người khác, vì họ ăn mặc, sinh hoạt, giao tiếp..., có khi còn modern hơn cả người thành thị. Tôi hiểu rằng, một trong những lý do dẫn đến cách ứng xử ấy là xuất phát từ sự tự ti, hoặc từ áp lực xã hội đòi hỏi phải thích nghi cao độ để sinh tồn, và nó dẫn đến tâm lý “che đậy xuất thân”. Trong tình hình chung ấy, có một nỗ lực né tránh, gột bỏ, “Kinh hóa”, thị dân hóa đã và đang âm thầm chi phối mạnh mẽ lên văn hóa của những tộc người thiểu số. Có một sự thật đau lòng, là không ít nơi đã gần như mất trắng văn hóa bản địa.

Thiết nghĩ, hiện tượng này cũng không phải điều gì quá bất thường, vì nó xuất phát từ một trong nhu cầu rất con người, và thậm chí chính đáng nữa: sinh tồn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, mọi tộc người, dù đa số hay thiểu số, một khi đã hiểu được sự bình đẳng về văn hóa, có ý thức tự tôn bởi những nét độc đáo và vẻ đẹp đặc thù, tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc và cộng đồng mình, thì khi đó, chắc chắn sẽ có những thay đổi trong ứng xử. Sự tự tin sẽ trở lại, nỗ lực bảo tồn văn hóa sẽ được khởi động một cách tự giác từ bên trong. Và lúc này, văn hóa sẽ trở thành một thực thể sống, thấm đẫm vào từng nếp nghĩ, từng bữa ăn, từng bước đi, chứ không còn là thứ hàng trang sức được bày trong tủ kính để mỗi năm được mang ra tổ chức vài lần cho quan khách xem, như cái cách nó đang diễn ra.

Những thay đổi mau chóng về thái độ ứng xử chỉ trong một bữa cơm xuất phát từ chia sẻ của tôi với gia đình một người Thái mà tôi đã kể ở trên, chứng tỏ điều đó. Rất nhanh, họ đã lấy lại sự tự tin. Tôi tin rằng, nếu lúc đó trong nhà đang có đủ trang phục của dân tộc mình, họ sẽ vào thay và ra ngồi để tiếp tục trò chuyện với nhau bên vò rượu cần. Tiếc thay, như chính mọi người đã thú nhận, rằng cả gia đình chỉ còn mỗi người mẹ là mặc váy, mà cũng chỉ là chân váy, chứ áo thì cũng đã là áo của người Kinh rồi!

Du lịch nông thôn ở Nhật Bản, khách lưu trú, trải nghiệm cùng dân làng trên các cánh đồng. Ảnh: Kyodo.

Du lịch nông thôn ở Nhật Bản, khách lưu trú, trải nghiệm cùng dân làng trên các cánh đồng. Ảnh: Kyodo.

3.

Trở lại với homestay. Nếu không làm sống lại và đi sâu vào văn hóa thường nhật của cộng đồng, mà vẫn làm du lịch theo hình thức giả trang như đang thấy khắp nơi, thì không những không bảo tồn được văn hóa bản địa; ngược lại, còn mang những thứ lai căng cắm vào cộng đồng ấy, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, hủy hoại nốt chút ít văn hóa bản địa còn rơi rớt lại.

Cách làm đúng là duy trì sinh hoạt, ăn uống, lao động, phong tục, tín ngưỡng... vốn là cổ truyền của tất cả các hộ gia đình trong cộng đồng ấy; sửa sang lại nhà cửa cho sạch đẹp, có chỗ ngủ cho du khách, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn, v.v., và cấp giấy chứng nhận cho những hộ nào đã đáp ứng các tiêu chuẩn làm du lịch cộng đồng – đã được quy chuẩn thành văn bản mang tính pháp lý.

Người dân phải có công ăn việc làm của mình, việc nuôi trồng các cây và con đặc sản đặc thù của địa phương phải được chú trọng, để du khách đến là được hòa mình vào với đời sống bản địa một cách tự nhiên, trong sự trù phú, thân thiện và giàu bản sắc.

Cảnh quan thiên nhiên phải được giữ gìn, tránh những can thiệp cơ giới ở mức cao nhất có thể. Cây rừng, cây bóng mát phải được phủ xanh bằng các loài bản địa như quế, lim, lát, trám, giổi… Tuyệt đối không ham thanh chuộng lạ, du nhập các loài cây di thực, kiểu như cau vua, bàng Đài Loan, thông bách tán… khiến cảnh quan văn hóa bị phá vỡ. Nghề thủ công truyền thống phải được lưu giữ, duy trì và phát triển. Đó phải là cuộc sống thật, nếp sống thật, căn nhà thật, công việc thật, chứ không thể là thứ trang sức lòe loẹt và giả dối bề ngoài.

Du khách từ phương xa [như thành phố hay đồng bằng] đến với một thôn làng là để được tắm đẫm trong văn hóa của địa phương, được sống trải với đời sống của dân địa phương, được tham gia trồng sắn, kiếm rau, đào măng, hái trái, làm rượu, đánh cá...; được ngồi vào mâm cơm cùng gia đình người chủ, được ngủ trong một căn phòng của ngôi nhà ấy, rồi sáng mai thức dậy cùng chủ nhà, ăn sáng và vác cuốc lên nương... Đó mới là homestay thật sự, là du lịch cộng đồng thật sự, du lịch trải nghiệm thật sự.

Đồng lúa vùng cao. Ảnh: Dương Minh Bình.

Đồng lúa vùng cao. Ảnh: Dương Minh Bình.

Nếu chúng ta còn làm du lịch theo kiểu giả trang như bây giờ, thì thứ nhất, không bảo tồn được văn hóa, thứ hai không thu hút được khách du lịch, và mãi mãi sẽ không có một ngành du lịch bền vững và có chiều sâu. Tất cả các công trình nghỉ dưỡng hiện đại kia thực ra đã nhan nhản ở thành phố và các đô thị lớn, đâu ai muốn đi hàng trăm cây số đến những vùng xa xôi trên núi cao hay làng sâu để lại chui vào một “thành phố mô hình” nữa!

Đầu tư một cách bài bản vào cơ sở hạ tầng, từ đường đi, vệ sinh, môi trường, mạng lưới internet và các điều kiện an sinh, đồng thời bảo vệ thiên nhiên để giữ được những vẻ đẹp hoang sơ, đó là phần cứng; còn phần mềm phải là văn hóa bản địa. Chúng ta không thể cài một cái phần mềm là văn hóa đô thị [nhà hàng, khách sạn, bể bơi, massage...] vào trong một phần cứng chắp vá dở tây dở ta, dở thành phố dở nông thôn như cái cách đang làm để mà mong rằng du lịch sẽ phát triển và bền vững.

Làm du lịch cộng đồng, gắn với các chữ homestay, farmstay..., trước hết và quan trọng nhất là phải có ý thức tôn trọng và yêu văn hóa bản địa, chứ không phải là mượn cái văn hóa ấy để kinh doanh. Và chính người dân địa phương phải là chủ thể của loại hình du lịch này, chứ không phải là người làm công ăn lương cho các ông bà chủ từ thành phố lên đang tìm cách kiếm tiền. Muốn thế, đầu tiên phải phục hưng lòng tự tin và sự tự tôn của chính những người bản địa về văn hóa của họ. Công việc hệ trọng này nằm trên vai chính quyền, báo chí, và về lâu dài là thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục.

THÁI HẠO